Mua bán chứng khoán có phải là zero-sum game?

(ĐTCK) Đầu tư chứng khoán, như tất cả các kênh đầu tư khác, đều thể hiện tính chất của một trò chơi, trong đó luôn có người thắng kẻ bại. Câu hỏi đặt ra với nhiều NĐT là: trong đầu tư mua - bán chứng khoán (stock trading) có khi nào tất cả NĐT đều thu lợi, hay ngược lại, tất cả đều bị thua lỗ? Sự hoang mang của NĐT đối với vấn đề này càng lớn trong tình thế suy giảm thị giá của hầu hết mã cổ phiếu trong hơn 1 năm vừa qua.
Tâm lý tốt chiếm đến 70% trong thành công của một nhà đầu tư chứng khoán. Tâm lý tốt chiếm đến 70% trong thành công của một nhà đầu tư chứng khoán.

Để trả lời câu hỏi quan trọng này, bạn hãy nhớ lại phương thức hoạt động của TTCK. Nói một cách đơn giản nhất, TTCK là một cái chợ, trong đó người mua và người bán thỏa thuận mua - bán hàng hóa là những cổ phiếu niêm yết. Sự khác biệt chính của TTCK với một cái chợ truyền thống là trong TTCK, người mua cũng chính là người bán và ngược lại. Các công ty niêm yết đóng vai trò như một đầu mối mua bán sỉ, là nguồn cung hàng chính cho thị trường.

Vậy, hãy tự hỏi, có bao giờ bạn gặp một cái chợ, trong đó cả người bán lẫn người mua đều thua lỗ hay không? Tất nhiên là không, vì nếu điều này xảy ra thì chẳng có ai muốn mua - bán gì. TTCK cũng vậy.

Trong TTCK, điều duy nhất quyết định giá cổ phiếu là quan hệ cung - cầu được tạo ra bởi người mua và người bán. Bạn muốn mua cổ phiếu thì phải có người đồng ý bán cổ phiếu ấy cho bạn và ngược lại. Nếu có quá nhiều người muốn mua và không có đủ người muốn bán, giá sẽ tăng. Ngược lại, khi quá ít người muốn mua và quá nhiều người muốn bán, giá sẽ giảm. Khi một giao dịch thành công, tiền từ túi NĐT này chảy qua túi NĐT khác. Do đó, khi một NĐT nhảy lên sung sướng vì thu lợi, thì chắc chắn sẽ có một NĐT khác ôm đầu vì giao dịch sai lầm của mình.

Bạn có thể thắc mắc rằng, trong năm 2008, khi mà VN-Index giảm đến trên 66%, tiền của NĐT chảy đi đâu, vì rõ ràng ai nắm cổ phiếu cũng chắc chắn mất trung bình đến 2/3 giá trị tài khoản?

Hãy hình dung một mô hình đơn giản như sau: một công ty phát hành cổ phiếu ra công chúng với giá 100 đồng. Một NĐT mua cổ phiếu này với dự định bán ra sau 1 tháng khi giá tăng cao. Thật không may là sau 1 tháng, giá cổ phiếu chỉ còn 60 đồng vì thị trường cho rằng, giá 100 đồng quá cao. Như vậy, NĐT đã bị lỗ do quyết định nắm giữ cổ phiếu. Trong khi đó, công ty phát hành cổ phiếu đã thu lợi vì giá trị thực tế được thị trường chấp nhận thấp hơn giá bán của công ty.

Sau một thời gian đắn đo (do chần chừ không chịu cắt lỗ ngay), NĐT quyết định bán cổ phiếu cho một NĐT khác với giá 55 đồng. NĐT thứ hai tin rằng, thị trường đã đánh giá sai giá trị cổ phiếu và hy vọng rằng, sau 1 tháng, thị trường sẽ nghĩ lại và giá cổ phiếu sẽ tăng. Tuy nhiên, sau 1 tháng, giá cổ phiếu chỉ còn 30 đồng.

Sau 2 tháng, tổng kết giao dịch của 3 nhân tố tham gia thị trường như sau:

- Công ty: lợi nhuận 70 đồng.

- NĐT 1: thua lỗ 45 đồng.

- NĐT 2: thua lỗ (dự kiến) 25 đồng.

Bạn có thể nhận thấy ngay tổng giá trị lợi nhuận - thua lỗ của tất cả nhân tố tham gia thị trường là bằng 0.

Mở rộng mô hình này ra cho cả TTCK, bạn sẽ tìm thấy cùng một kết luận.

Vậy, TTCK có thật sự là một zero-sum game? Thực ra, TTCK không phải là một zero-sum game, mà là một negative-sum game. Nghĩa là tính trung bình, khả năng bạn bị mất tiền cao hơn được tiền khi tham gia thị trường. Tại sao?

NĐT muốn tham gia thị trường phải mất nhiều khoản chi phí khác nhau: phí môi giới, phí thông tin… NĐT càng giao dịch mua - bán nhiều, các chi phí này càng gia tăng.

Ở Mỹ và nhiều nước phát triển, chi phí tham gia thị trường vào khoảng 0,5 - 1,5% cho mỗi vòng giao dịch (mua - bán). Chi phí này còn cao hơn ở Việt Nam, do hoạt động của thị trường thiếu ổn định và tính thanh khoản của hầu hết cổ phiếu chưa cao. Nghĩa là, khi vừa đặt một lệnh mua hay bán, bạn đã phải mất một khoản tiền, bất chấp quyết định của bạn là đúng hay sai.

Như thế, chúng ta không nên tham gia TTCK, vì đằng nào về lâu dài cũng sẽ bị thua lỗ? Câu trả lời là đúng và sai. Bạn không nên tham gia TTCK nếu chỉ mua - bán theo cảm tính và không có chu kỳ đầu tư rõ ràng. Bởi vì khi đó, khả năng thua lỗ của bạn cao hơn khả năng lợi nhuận. Bạn có thể kiếm lời từ một vài quyết định may mắn, nhưng nếu tham gia đủ lâu, bạn sẽ không thể tránh khỏi thất bại.

Ngược lại, NĐT nghiêm túc, có phương pháp đầu tư mua - bán hợp lý, có chu kỳ đầu tư rõ ràng, có tâm lý vững vàng thì sẽ có nhiều cơ hội thu lợi từ đầu tư chứng khoán. Theo kinh nghiệm từ những NĐT tên tuổi, tâm lý tốt chiếm đến 70% trong thành công của một NĐT chứng khoán, còn chiến thuật đầu tư chỉ chiếm 30% trong thành công mà thôi. Hiển nhiên, bạn không thể thắng nếu áp dụng một chiến thuật tồi, nhưng dù có một chiến thuật xuất sắc, bạn vẫn chưa thể đảm bảo thành công nếu tâm lý không vững vàng. Bạn nên nhớ rằng, tham gia TTCK tức là tham gia vào một cuộc đấu trí không khoan nhượng với những bộ óc sắc sảo nhất. Cũng như bạn, họ muốn tạo ra lợi nhuận khi tham gia thị trường. Sự thua lỗ của bạn làm nên chiến thắng cho họ. Để tránh được điều này, cách duy nhất là bạn phải sắc sảo hơn họ.

Hoàng Nghĩa Quang Hưng, Thạc sỹ tài chính HEC Paris, Pháp
Hoàng Nghĩa Quang Hưng, Thạc sỹ tài chính HEC Paris, Pháp

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ