Mở cửa cho công ty chứng khoán ngoại: Cơ hội và thách thức

(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong nước đã trải qua gần 20 năm gây dựng và ghi nhận  nhiều bước tiến đột phá. 
Nhiều công ty chứng khoán tại các thị trường như Malaysia, Singapore, Indonesia… quan tâm tìm hiểu việc hợp tác với các công ty chứng khoán nội địa
Nhiều công ty chứng khoán tại các thị trường như Malaysia, Singapore, Indonesia… quan tâm tìm hiểu việc hợp tác với các công ty chứng khoán nội địa

Nhìn số liệu thống kê trên thị trường chứng khoán trong các tháng đầu năm 2016, có thể nhận thấy rằng, khối lượng giao dịch cổ phiếu, thanh khoản toàn thị trường, số lượng tài khoản mở mới cho các nhà đầu tư nước ngoài, số lượng quỹ nước ngoài thành lập và bắt đầu giải ngân trên thị trường có sự thay đổi mạnh về lượng, cũng như về chất.

Mở cửa cho công ty chứng khoán ngoại: Cơ hội và thách thức ảnh 1

TS. Lê Đức Khánh 

Cơ hội…

Một thị trường chứng khoán được coi là thị trường cận biên (frontier market) đang nhiều khả năng chuyển mình và phát triển lên thị trường mới nổi (emerging market) sẽ là “miền đất hứa” cho các công ty chứng khoán, các doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ ngân hàng đầu tư… kinh doanh, hoạt động theo đúng nghĩa và sự xuất hiện của các công ty chứng khoán nước ngoài ở thời kỳ mở cửa, tính từ đầu năm 2012 đến nay, là điều tất yếu.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là việc các công ty chứng khoán nước ngoài xuất hiện ở Việt Nam có những cơ hội nào, thách thức nào đối với các công ty chứng khoán nội, hay họ mang lại những sản, phẩm dịch vụ tài chính thực sự hoàn hảo hơn đối với các nhà đầu tư trong nước?

Thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế, nếu xét trên phương diện các chỉ tiêu vĩ mô, mức độ lạm phát… thì đó là giai đoạn 2011-2012. Nợ xấu ngân hàng tăng vọt, lãi suất cho vay, cũng như huy động cao ngất ngưởng, thâm hụt ngân sách nhà nước ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp niêm yết trên 2 Sở Giao dịch chứng khoán. Giai đoạn đó đã đi qua.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam hiện đã hấp dẫn hơn và đang trở thành điểm thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như cơ hội kinh doanh đối với các công ty chứng khoán nước ngoài. Tăng trưởng GDP của Việt Nam tương đối ổn định, khoảng 6,4-6,8% trong các năm gần đây, trong khi thị trường chứng khoán được định giá ở mức khá thấp (khoảng 14,5x) so với khu vực và trên thế giới.

Theo thống kê từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến đầu tháng 10/2016, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 2 triệu tỷ đồng, chiếm 38,6% GDP. Số lượng tài khoản chứng khoán đạt gần 1,7 triệu tài khoản, trong đó có 16.000 tài khoản nhà đầu tư nước ngoài. Vốn hóa thị trường cổ phiếu niêm yết đạt khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Tổng khối lượng cổ phiếu niêm yết đạt gần 43 tỷ cổ phiếu, mức điểm số chứng khoán cao nhất tính từ khi thị trường mới thành lập đến nay là mốc 1.170,67 điểm vào ngày 12/3/2007.

Việc áp dụng bộ chỉ số chung VNX-Allshare Index dựa trên các tiêu chí sàng lọc về tư cách, về tỷ lệ tự do chuyển nhượng, về thanh khoản, cũng là một bước tiến dài trong quá trình hiện đại hóa thị trường chứng khoán, là cơ sở nền tảng phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh, chứng quyền đảm bảo (covered warrant), các quỹ giao dịch theo chỉ số… Đây cũng là bước khởi đầu để thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các công ty chứng khoán nước ngoài bỏ vốn đầu tư và hoạt động tại thị trường chứng khoán Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như các công ty chứng khoán nước ngoài quan tâm đến quá trình và diễn biến nâng hạng thị trường chứng khoán, khi mà Việt Nam cũng đang gấp rút và nỗ lực nâng cao chất lượng để đáp ứng được các tiêu chí do MSCI đưa ra (chẳng hạn, có ít nhất 5 doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí về vốn hóa, tức là mức vốn hóa phải đạt từ 1,26 tỷ USD và có tối thiểu 630 triệu USD tự do giao dịch).

Các công ty chứng khoán nước ngoài đã bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến thị trường chứng khoán Việt Nam, thể hiện qua việc hợp tác với các công ty chứng khoán nội trong khuôn khổ cuộc họp Các nhà môi giới ASEAN (ASEAN Networking Broker). Trong quá trình hội nhập là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cũng như cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng, với dân số khoảng 91 triệu người.

Cùng với đó, với số lượng doanh nghiệp niêm yết còn chưa cao, gần 700 doanh nghiệp trên cả 2 sàn giao dịch, cùng với hơn 1,6 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán, tiềm năng phát triển của thị trường chứng  khoán Việt Nam được nhìn nhận là rất lớn, nhất là với các công ty chứng khoán trong cùng khu vực ASEAN, khi đã có nhiều công ty chứng khoán đến từ Malaysia, Singapore, Indonesia… đến tìm hiểu và ký kết hợp tác với các công ty chứng khoán Việt.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trên hành trình chuyển đổi từ cận biên sang mới nổi, cũng như xây dựng nền tảng để phát triển các sản phẩm phái sinh, quyền chọn…, nên việc hợp tác với các công ty chứng khoán trong khu vực và trên thế giới là điều hết sức hữu ích. Việc hợp tác trên các phương diện trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ công nghệ, cũng như chiến lược phát triển với từng phân khúc khách hàng, đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu, chi phí hợp lý… trong thời đại mở cửa là thiết thực và cấp bách đối với các công ty chứng khoán có tham vọng và mong muốn cạnh tranh được trên thị trường chứng khoán.

Những chính sách mới về tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài theo Nghị định 60/2015, với việc được nới room lên 100%, hay Thông tư 123/2015/TT-BTC liên quan đến hồ sơ, thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài, Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán bằng tiếng Việt và tiếng Anh… đã phần nào hướng tới sự minh bạch hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết. Đó cũng là những cải cách thu hút sự chú ý của các công ty chứng khoán ngoại, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.

Trên thị trường đã xuất hiện các công ty chứng khoán nước ngoài (KIS Việt Nam, Maybank Kim Eng...) bắt đầu chiến dịch chạy đua thị phần, cạnh tranh trong các hoạt động, nhất là mảng môi giới chứng khoán, với các công ty chứng khoán trong nước.

Cần phải nói thêm rằng, các công ty chứng khoán kinh doanh và thu lợi nhuận từ 4 mảng hoạt động: môi giới chứng khoán, tư vấn tài chính doanh nghiệp, tự doanh chứng khoán và kinh doanh nguồn. Sự xuất hiện các công ty chứng khoán nước ngoài ở Việt Nam có thể bước đầu cạnh tranh được các công ty chứng khoán trong nước ở 3 mảng: môi giới chứng khoán, kinh doanh nguồn và đầu tư cổ phiếu. Hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp hiện nay ở Việt Nam chỉ tập trung tại những công ty chứng khoán lớn và uy tín, có nhiều mối quan hệ, ảnh hưởng trên thị trường (SSI, HCM, BVSC…), điều mà các công ty chứng khoán mới, hay các công ty chứng khoán quy mô vừa và nhỏ khác khó lòng cạnh tranh được.

Số lượng các công ty chứng khoán ngày càng thu hẹp, các công ty chứng khoán đang  đứng trước sự lựa chọn chiến lược: phát triển về lượng hay về chất, hoặc là cả hai. Để có đủ tiềm lực tài chính nhằm cung cấp các sản phẩm phái sinh, giao dịch chứng khoán trong ngày T+0…, các công ty chứng khoán buộc phải tăng vốn, tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, hoặc sáp nhập với nhau. Cùng với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của các công ty chứng khoán nước ngoài, cạnh tranh trên thị trường trong thời gian tới chắc chắn sẽ rất khốc liệt.

Cơ hội trong việc mở cửa cho các công ty chứng khoán ngoại mà có thể dễ dàng nhận ra, đó là việc chuyển giao công nghệ, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, với các ứng dụng dành cho các sản phẩm tài chính, sản phẩm phái sinh, hệ thống quản lý, quản trị rủi ro hiện đại, chất lượng dịch vụ, đào tạo nhân sự chuyên nghiệp… sẽ là những “làn gió mới” mà các công ty chứng khoán trong nước cần nắm bắt được để tự cải thiện mình.

Mặt khác, việc các công ty chứng khoán ngoại tham gia và hiện diện trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ kéo theo sự hiện diện của các nhà đầu tư nước ngoài đến tham gia đầu tư và giao dịch, giúp thanh khoản thị trường được cải thiện. Kinh nghiệm phát triển các sản phẩm phái sinh, tính cạnh tranh cao… vốn là thế mạnh của các công ty chứng khoán ngoại, cũng sẽ giúp ích nhiều cho thị trường chứng khoán Việt.

… và thách thức

Bên cạnh những lợi ích, thì sự xuất hiện các công ty chứng khoán nước ngoài cũng sẽ là thách thức không nhỏ đối với thị trường. Chẳng hạn, về phía nhà quản lý, việc giám sát, quản lý hoạt động của các công ty chứng khoán sẽ khó khăn hơn, để đảm bảo sự công bằng trong cạnh tranh, từ đó đòi hỏi khả năng phối hợp và giám sát hoạt động giữa các công ty chứng khoán phải được cải thiện hơn.

Đó còn là khả năng phối hợp nhanh với các cơ quan quản lý khu vực hay thế giới trong giải quyết các tranh chấp (nếu có)… hay việc phải thường xuyên nâng cấp hệ thống công nghệ, đào tạo nhân sự chất lượng, rút ngắn thời gian phê duyệt các chính sách mới…

Về phía doanh nghiệp, các công ty chứng khoán trong nước sẽ phải cải thiện hệ thống quản lý, quy tắc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro… nhằm giảm thiểu khả năng thua lỗ bất ngờ, gây mất niềm tin từ phía khách hàng; tuân thủ pháp luật, quy định nội bộ… để xây dựng thương hiệu và danh tiếng.

Ngoài ra, các công ty chứng khoán ngoại với hệ thống công nghệ hiện đại, sản phẩm, dịch vụ ưu việt… được dự báo sẽ thu hút một lượng không nhỏ khách hàng của các công ty chứng khoán trong nước, cạnh tranh lúc đó sẽ khốc liệt hơn, vì vậy đòi hỏi các công ty chứng khoán nội cần phải đổi mới cách thức hoạt động, hay sớm áp dụng chiến lược kinh doanh hợp lý ngay từ bây giờ.

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược CTCK Maritime (MSI)
Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ