Lo cho tỉ giá USD

Mặc dù Ngân hàng (NH) Nhà nước nói thị trường ngoại tệ đang dần ổn định trở lại, nhưng các NH vẫn kêu khó mua USD trong khi NH Nhà nước đã phải bơm ra thị trường hàng tỉ USD...
Tỉ giá VND/USD đang chịu sức ép tăng trở lại Tỉ giá VND/USD đang chịu sức ép tăng trở lại

Tháng 3/2008, NH Nhà nước đã chủ trương cho tăng giá VND, đẩy tỉ giá VND/USD có thời điểm chỉ còn 15.822 đồng/USD. Thế nhưng, chủ trương này đã sớm "vỡ trận", ngay sau đó tỉ giá đã bùng lên, buộc NH Nhà nước phải tung USD ra để kềm giá.

 

Xài nhiều USD

 

Tình trạng thiếu USD không bộc lộ rõ trên thị trường nhưng lấp ló ở sau cửa của các NH có hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu mạnh. Các NH này không mua đủ USD để bán cho khách hàng. Với tỉ giá bị neo chặt bởi NH Nhà nước, các NH khó mua được USD. Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu sẵn sàng chi thêm để có được USD, nhưng các NH lại chùn tay vì việc trả thêm cho người bán USD có thể bị NH Nhà nước "thổi còi". Hiện các NH đang trông vào nguồn USD từ NH Nhà nước nhưng nguồn này rất giới hạn.

 

Trong khi đó, nguồn cung USD lớn nhất của NH là từ doanh nghiệp và dân cư thì nay những đối tượng này có xu hướng trở lại giữ USD. Xu hướng giữ USD bắt nguồn từ tình trạng nhập siêu của nền kinh tế. Theo Bộ Kế hoạch - đầu tư, trong bốn tháng đầu năm 2008 nhập siêu là 11 tỉ USD (xuất khẩu 18,26 tỉ USD, nhập khẩu 29,36 tỉ USD), tương đương 60,8% kim ngạch xuất khẩu. Việc Mỹ có thể dừng cắt lãi suất USD cũng là tín hiệu để người dân giữ USD vì giá USD có thể tăng lại.

 

Nhập siêu là mượn gạo hàng xóm nấu cơm

 

Tình trạng nhập siêu cũng giống như mượn gạo hàng xóm nấu cơm, khi gặt được lúa thì phải trả. Nhập siêu lớn thì phải trả nhiều, lắm khi dành hết lúa để trả nợ cũng không đủ. Vì vậy, phải hạn chế nhập siêu để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

 

Hiện nay, VN đang bù đắp thiếu hụt do nhập siêu từ các nguồn: vốn đầu tư nước ngoài, vốn viện trợ phát triển, kiều hối... Giải pháp hạn chế nhập siêu hiệu quả nhất là tăng xuất khẩu.

 

Mức nhập siêu trong tháng 4/2008 có giảm chút ít và còn có thể giảm thêm khi Chính phủ mạnh tay kiểm soát nhập khẩu nhưng lại phát sinh những yếu tố bất lợi khác. Nhu cầu USD tăng thêm do giá hàng nhập khẩu như xăng dầu, sắt thép, phân bón... tiếp tục tăng. Giá dầu từ 100 USD tăng lên 120 USD, buộc doanh nghiệp phải chi thêm 20 USD cho mỗi thùng dầu. Con số nhập siêu cả năm 2008 ước 20 tỉ USD nhưng có thể còn cao hơn, vì thế tình trạng thiếu USD luôn rình rập.

 

Các NH cũng đang cố gắng huy động vốn USD, nhiều NH đã tăng lãi suất USD lên ngoài 6%/năm nhưng lượng tiền vào tăng không đáng kể.

 

Tỉ giá theo hướng nào?

 

Tỉ giá VND/USD phụ thuộc nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất là phải giảm nhập siêu. Chính phủ đang tăng thuế và sử dụng các hàng rào kỹ thuật để hạn chế nhập khẩu. Theo phân tích của một NH nước ngoài tại VN, cũng có thông tin khả quan nhập siêu tăng mạnh trong những tháng đầu năm là do các doanh nghiệp mạnh tay nhập sắt thép, máy móc thiết bị (ba tháng đầu năm tăng 56% so với cùng kỳ năm trước) và xăng dầu nhờ vậy những tháng tới nhập siêu sẽ được cải thiện, cũng giảm bớt sức ép lên tỉ giá VND/USD.

 

Chính phủ cũng đang nỗ lực thúc đẩy thu hút và giải ngân nguồn vốn đầu tư nước ngoài. Bộ Kế hoạch - Đầu tư đang nỗ lực mỗi tháng có thêm 1 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp được giải ngân, bên cạnh nguồn ngoại tệ từ đầu tư gián tiếp đổ vào thị trường chứng khoán.

 

Nhưng tỉ giá còn bị chi phối bởi một ẩn số khác, đó là "sức khỏe" của đồng USD. Thời gian qua, đồng USD liên tục mất giá trên thị trường tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, đã có những dấu hiệu USD tăng trở lại. Vì vậy, các chuyên gia về ngoại hối cho rằng cũng phải có những kịch bản cho tỉ giá khi USD tăng lại trên thị trường thế giới. "Sức khỏe" của USD tùy thuộc vào diễn biến trên chính trường Mỹ.

 

Thị trường đang bình luận rằng, nếu người của Đảng Dân chủ thắng trong cuộc chạy đua chức tổng thống Mỹ thì USD sẽ "khỏe" trở lại, thêm sức ép tăng tỉ giá VND/USD. Theo GS.TS Trần  Ngọc Thơ (ĐH Kinh tế TP.HCM), VN đã và sẽ còn trong tình trạng nhập siêu vì vậy sức ép tăng tỉ giá vẫn lơ lửng, VND khó có thể tăng giá như mong muốn của NH Nhà nước. Vì vậy, người dân và doanh nghiệp cần phải tính toán khi sử dụng USD.

 

Điều hành tỉ giá: sáng nắng, chiều mưa

 

Theo các chuyên gia NH, tỉ giá giảm nhưng sau đó tăng lại, thị trường từ thừa USD chuyển sang thiếu cho thấy NH Nhà nước lúng túng khi điều hành tỉ giá USD, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, còn Nhà nước mất đi cơ hội tăng dự trữ ngoại tệ với chi phí thấp.

 

Trong tháng 3/2008, NH Nhà nước đã phát đi tín hiệu cho VND lên giá: tỉ giá liên NH được giảm dần, biên độ biến động tỉ giá được nới rộng. NH Nhà nước cho rằng VND lên giá sẽ giúp hàng nhập khẩu rẻ đi, góp phần kiềm chế lạm phát. Trước tín hiệu này, doanh nghiệp và người dân đổ USD ra bán. Thị trường thừa USD, các doanh nghiệp xuất khẩu bị ép giá, USD chỉ còn 15.600 đồng/USD. Hàng trăm triệu USD chờ người mua nhưng NH Nhà nước lại "ngó lơ”, các hiệp hội xuất khẩu ngành nghề phải kiến nghị lên Thủ tướng yêu cầu NH Nhà nước phải mua vào USD.

 

Chỉ sau vài tuần, thị trường đã đảo chiều, VND không thể tăng giá. Thị trường khan hiếm USD. Để ổn định tỉ giá, NH Nhà nước phải bán ngoại tệ can thiệp thị trường. Số được công bố trong tháng 4/2008 là 1,2 tỉ USD, còn các NH ước tính khoảng 2 tỉ USD. Thế nhưng bán mãi không xuể, NH Nhà nước phải "ngày bán, ngày nghỉ”. Những ngày gần đây, NH Nhà nước đã cho tỉ giá tăng lại, VND đang yếu dần so với USD.

Theo TT

Tin liên quan:

*Chuyển vốn sáng "đô": Đừng theo phong trào

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ