Lãnh đạo doanh nghiệp ở đâu khi giá cổ phiếu giảm sâu?

(ĐTCK) Nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn cách ngày nên không phải giải trình và rất ít doanh nghiệp chủ động công bố thông tin kịp thời về tình hình hoạt động trước diễn biến bất thường của cổ phiếu. 
Đa phần các doanh nghiệp “án binh bất động về thông tin” trước biến động mạnh của giá cổ phiếu. Đa phần các doanh nghiệp “án binh bất động về thông tin” trước biến động mạnh của giá cổ phiếu.

Tăng sốc, giảm sâu

Theo quy định, cổ phiếu tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp bắt buộc phải giải trình. Một số trường hợp, dù chưa được 10 phiên, các Sở giao dịch chứng khoán cũng yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình diễn biến bất thường của cổ phiếu.

Với cổ phiếu tăng trần 10 phiên liên tiếp, thì ở phiên tăng thứ 10 sẽ có thị giá gấp 1,97 lần nếu niêm yết trên HOSE, hoặc 2,59 lần nếu niêm yết trên HNX so với phiên đầu tiên của chuỗi tăng. Ngược lại, cổ phiếu giảm sàn liên tiếp 10 phiên, thị giá cổ phiếu niêm yết trên HOSE chỉ còn 48%, nếu niêm yết trên HNX thì chỉ còn 35%.

Các con số trên cho thấy, với quy định, tăng trần/giảm sàn 10 phiên liên tiếp thì doanh nghiệp mới phải giải trình là quá trễ trong việc cảnh báo với nhà đầu tư. Ngoài ra, nhiều cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn cách ngày nên không phải giải trình.

Thực tế, đa phần các cổ phiếu thường tăng sốc, rồi mới giảm sâu. Do đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, kiểm soát những cổ phiếu tăng bất thường bằng yêu cầu công bố thông tin cập nhật về hoạt động của doanh nghiệp có thể sẽ giảm được tình trạng giảm sâu của cổ phiếu sau đó, giúp giảm thiểu nguy cơ “mất mát” của nhà đầu tư.

Dĩ nhiên, bản thân các nhà đầu tư cần có trách nhiệm với những quyết định giao dịch và chịu trách nhiệm về quyết định đó. Mong muốn mức sinh lời đột biến trong thời gian ngắn khi “đu” theo cổ phiếu nóng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro cao. 

Nguyên nhân là do “ngài thị trường”

Thống kê các cổ phiếu giảm sâu từ đầu quý IV/2018 đến nay cho thấy, rất ít doanh nghiệp trong danh sách này chủ động công bố thông tin kịp thời về tình hình hoạt động trước diễn biến bất thường của cổ phiếu.

Với những trường hợp phải giải trình bắt buộc theo yêu cầu từ cơ quan quản lý thì đặc điểm chung của các bản giải trình là nêu lý do rất đơn giản, rất khách quan là do “Ngài thị trường”, kèm theo lời khẳng định doanh nghiệp không có bất cứ tác động, can thiệp nào tới giá cổ phiếu.

Sở dĩ lựa chọn thống kê từ 1/10/2018 đến nay bởi đây là khoảng thời gian gần nhất mà nhiều nhà đầu tư có thể nhớ ngay về mức giảm của chỉ số VN-Index trong quý cuối năm 2018 vào khoảng 12% và gần đây, thị trường có diễn biến khả quan về điểm số cũng như thanh khoản sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Từ đó, xem xét mức giảm hoặc hồi phục của cổ phiếu có đồng pha với diễn biến chung của thị trường hay không.

Thực tế, so sánh với mức tăng/giảm của VN-Index chỉ là tương đối, bởi khi chỉ số này biến động không đồng nghĩa toàn bộ cổ phiếu trên thị trường có biến động tương ứng.

Luôn có sự phân hóa ở từng nhóm cổ phiếu, nhưng những cổ phiếu giảm giá trên 40% rõ ràng không thể lý giải là do ảnh hưởng bởi diễn biến thị trường chung. Đa phần cổ phiếu giảm giá sâu đều có quá trình tăng mạnh trước đó. Các cổ phiếu này giảm mạnh trong giai đoạn vài tháng, nên hầu như không có doanh nghiệp nào chủ động giải trình kịp thời. 

Rất ít doanh nghiệp chủ động giải trình

Gần đây nhất, Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (SJF) có văn bản giải trình về biến động giá cổ phiếu giảm sâu, đặc biệt giảm sàn 6 phiên trong những ngày đầu năm 2019. Doanh nghiệp khẳng định, giá cổ phiếu SJF tăng/giảm hoàn toàn là do thị trường, đặc biệt là chịu sự tác động lớn từ sự biến động của thị trường chứng khoán trong nước và quốc tế thời gian qua.

Ông Nguyễn Trí Thiện, Chủ tịch Hội đồng quản trị SJF khẳng định lại một lần nữa với Đầu tư Chứng khoán rằng, việc giá cổ phiếu SJF giảm mạnh nằm ngoài tầm kiểm soát và mong muốn của Công ty. Để cổ phiếu thanh khoản tốt hơn và giá phản ánh đúng giá trị, ngoài việc tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, SJF sẽ tăng cường công tác truyền thông.

Trước đó, cổ phiếu QCG của Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai ghi nhận mức giảm giá hơn 47%, Công ty đã có văn bản giải trình liên quan đến công bố thông tin không đầy đủ 14 giao dịch, tổng giá trị trên 3.200 tỷ đồng từ năm 2013 đến 2017, sau loạt bài phản ánh trên Đầu tư Chứng khoán.

Bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG cũng đã có buổi gặp gỡ trực tiếp với Đầu tư Chứng khoán để chia sẻ thông tin cụ thể hơn về các giao dịch này.

Nguyên nhân chính là QCG thay đổi nhân sự thư ký quản trị doanh nghiệp nên quá trình cập nhật các quy định quản trị của nhân sự mới còn hạn chế, hiểu chưa đúng về nội dung và thời hạn công bố thông tin. Phía Công ty cũng thừa nhận đã thiếu sót khi không công bố thông tin kịp thời, mà chỉ ghi nhận kết quả các giao dịch tại báo cáo tài chính được công bố thông tin theo quy định khi hoàn tất.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM cho rằng, việc doanh nghiệp chậm công bố thông tin, công bố thiếu sót đã ảnh hưởng đến tính công khai, minh bạch trên thị trường chứng khoán và quyền lợi của các nhà đầu tư.

Do vậy, QCG bị Sở nhắc nhở vi phạm trên toàn thị trường. Đồng thời, Sở nghiêm khắc nhắc nhở Công ty và đề nghị thực hiện đúng các nghĩa vụ của tổ chức niêm yết. Cổ phiếu QCG bị đưa vào diện cảnh báo từ 15/2/2019 do doanh nghiệp vi phạm quy định về công bố thông tin.

Với cổ phiếu PPI của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển dự án hạ tầng Thái Bình Dương, giá chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu và “án” hủy niêm yết bắt buộc đã gần kề khi Công ty lỗ thêm 92 tỷ đồng trong năm 2018, năm thứ 3 liên tiếp báo lỗ.

Khi được hỏi về việc giá cổ phiếu PPI giảm sâu, ông Phạm Đức Tấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị PPI từng giải trình trước cổ đông, nguyên nhân khách quan là do tác động của nền kinh tế vĩ mô, tình trạng thoái vốn ở các doanh nghiệp nhà nước và tác động từ kinh tế thế giới mà Việt Nam là nước xuất khẩu lớn của Trung Quốc và Mỹ. Còn chủ quan là do tình hình hoạt động Công ty khó khăn về việc làm, thua lỗ kéo dài, nên cổ phiếu giảm giá.

Tuy nhiên, ông Tấn chia sẻ: "Cổ phiếu xuống thấp đã ảnh hưởng rất lớn đến những nhà đầu tư, với tư cách là cổ đông lớn cũng thiệt hại không kém. Đối với mọi người, đây chỉ là một khoản đầu tư, đối với tôi là cả một doanh nghiệp” (Tỷ lệ sở hữu của ông Tấn hiện khoảng 5,3% vốn điều lệ PPI).

Đa phần các doanh nghiệp còn lại vẫn “án binh bất động về thông tin” trước biến động mạnh của giá cổ phiếu. Sự giảm giá, trừ một vài doanh nghiệp do ảnh hưởng chung của ngành nên kết quả kinh doanh không khả quan và được phản ánh ngay vào giá như NKG, PPI, HAI…, thì các cổ phiếu của các doanh nghiệp khác hầu hết đều có diễn biến tăng mạnh trước đó, nhưng chưa đi cùng với nền tảng hoạt động tốt của doanh nghiệp.

Ngoài ra, không ít doanh nghiệp có cơ cấu cổ đông cô đặc - đặc điểm được các chuyên gia phân tích cho rằng, dễ “kéo, đẩy” giá cổ phiếu. Sau quá trình biến động mạnh về thị giá thì nhiều nhà đầu tư mới để ý đến cơ cấu cổ đông. Chẳng hạn, Công ty Chứng khoán Đà Nẵng (DSC) có 6 triệu cổ phiếu lưu hành, vốn điều lệ 60 tỷ đồng, nhưng riêng hai cổ đông lớn là Công ty cổ phần Việt Nam Equity và Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Đà Nẵng đã sở hữu hơn 70%.

Hay cổ phiếu CEN của Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không CENCON Việt Nam chỉ có hơn 1,3 triệu cổ phiếu lưu hành, trong đó cổ đông lớn, cổ đông nội bộ nắm giữ hơn 300.000 đơn vị. Lượng cổ phiếu lưu hành chỉ còn khoảng 1 triệu đơn vị - số lượng khiêm tốn và dễ khiến giá cổ phiếu biến động mạnh.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay, phần lớn giao dịch do nhà đầu tư cá nhân thực hiện, trong đó nhiều người chưa chuẩn bị kiến thức vững vàng khi đầu tư cổ phiếu; xu hướng đầu tư theo tin đồn vẫn được ưa chuộng. Các nhà đầu tư mong muốn xác thực thông tin từ nguồn chính thống là doanh nghiệp, nhưng thực tế gặp khó khăn trong việc xác thực.

Với thực trạng này, nếu doanh nghiệp chủ động minh bạch, công bố thông tin kịp thời trên những kênh thông tin chính thống để nhà đầu tư dễ tiếp cận sẽ góp phần hạn chế tình trạng giá cổ phiếu biến động bất thường, nhất là do hiện tượng “bánh vẽ” của đội lái, đầu cơ, khiến nhiều nhà đầu tư khác rơi vào “bẫy”. Do tính chủ động công bố thông tin của đa số doanh nghiệp còn yếu nên rất cần có các quy định, chế tài nghiêm khắc từ phía cơ quan quản lý về vấn đề này.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ