“Làng” quỹ sắp đông hơn

(ĐTCK) Ít nhất có 2 quỹ ETF mới, một quỹ dựa trên chỉ số ngành tài chính (Leading Finacial Index do HOSE mới xây dựng) do SSIAM phát triển và một quỹ dựa trên chỉ số VN100 (chỉ số đo lường biến động giá cổ phiếu của 100 mã lớn nhất sàn HOSE) do VinaCapital xây dựng sẽ ra mắt nhà đầu tư trong thời gian ngắn tới. Thêm 2 quỹ này, thị trường sẽ có 4 quỹ ETF nội địa, bên cạnh 2 quỹ ETF ngoại có quy mô đầu tư hàng trăm triệu USD trên TTCK Việt Nam.
“Làng” quỹ sắp đông hơn

Hai quỹ ETF nội địa đầu tiên có “đời sống” hoàn toàn khác nhau. Nếu như Quỹ ETFVFMVN30 do Công ty Quản lý quỹ Việt Nam (VFM) xây dựng có sức hấp dẫn rất tốt dòng tiền đầu tư, hiện có quy mô 6.435 tỷ đồng, thì Quỹ ETFSSIVNX50 do SSIAM xây dựng chưa bao giờ chạm tới quy mô vốn huy động 200 tỷ đồng.

Ðiều gì tạo nên sự khác biệt giữa 2 loại quỹ cùng đầu tư thụ động theo chỉ số, cùng xuất phát điểm? Một trong những lý do căn bản nhất chính là cách chọn chỉ số để nương theo.

VFM may mắn chọn chỉ số VN30 để làm căn cứ xây Quỹ và cho đến nay, đây vẫn là chỉ số được nhà đầu tư quan tâm nhất trên TTCK Việt Nam.

SSIAM ban đầu chọn chỉ số HNX30 làm căn cứ xây quỹ, nhưng sản phẩm không được nhà đầu tư đón nhận, buộc Công ty phải chuyển đổi sang chọn chỉ số VNX50 làm chỉ số chính cho Quỹ.

Dù có sự tăng trưởng nhất định so với chính mình, nhưng quỹ phát triển trên chỉ số VNX50 này vẫn kém hấp dẫn vốn, sau 5 năm vận hành, quy mô Quỹ mới đạt 184 tỷ đồng.

TTCK Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm quỹ, nhưng mức độ quan tâm đầu tư của nhà đầu tư trong nước vào các công cụ đầu tư này còn rất thấp.

Quỹ ETFVFMVN30 là quỹ nội địa có quy mô lớn nhất Việt Nam, nhưng 95% nhà đầu tư góp vốn lại là nhà đầu tư nước ngoài. Một thông số khác cũng cho thấy khối ngoại “khoái” sản phẩm quỹ hơn nhà đầu tư nội rất nhiều: trong số 3,3 tỷ USD vốn đầu tư được quản lý bởi Vina Capital, chỉ có chưa tới 55 triệu USD là của nhà đầu tư trong nước.

Các nhà đầu tư trong nước dường như chưa quan tâm, hay bỏ qua kênh đầu tư vào quỹ, trong khi nhìn trên chặng đường dài, đây là kênh cho lợi suất đầu tư khá tốt và người góp vốn không phải “đau đầu” giải bài toán lên, xuống của TTCK mỗi ngày.

Chẳng hạn, trong 5 năm, Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Thịnh mang lại lợi suất 64%, trong khi cùng thời gian này, nếu gửi tiết kiệm thì chỉ được tổng cộng 34%. Quỹ đầu tư cổ phiếu Hưng Thịnh mang lại lợi suất 60%, tương đương mức tăng trưởng của VN30 kể từ năm 2014…

Dù chưa được nhà đầu tư nội quan tâm nhiều, một số công ty quản lý quỹ vẫn nỗ lực ra đời quỹ mới. Tháng 7/2019, Quỹ đầu tư cổ phiếu tăng trưởng Mirae Asset đã được cấp phép thành lập; Quỹ Ðầu tư cân bằng Tuệ Sáng cũng được thành lập cùng thời điểm với quy mô khởi đầu là 50 tỷ đồng.

TTCK là nơi giao dịch các sản phẩm tài chính và rõ ràng ở đó không phải chỉ có cổ phiếu. Trên một số thị trường quốc tế, chẳng hạn tại Mỹ, giao dịch của các sản phẩm quỹ, đặc biệt là quỹ ETF thường chiếm 25% khối lượng giao dịch hàng ngày, có thời điểm lên đến 40%.

Tại Việt Nam, quỹ và giao dịch chứng chỉ quỹ còn chiếm tỷ lệ quá nhỏ đang là một thực tế. Thực tế này đáng phải thay đổi bằng nhiều cách, trong đó cần đẩy mạnh truyền thông đại chúng để nhà đầu tư hiểu rõ và có niềm tin vào các nhà quản trị quỹ,  gửi gắm đầu tư qua quỹ.

Khi thay đổi được hiện trạng này, TTCK sẽ bớt bị lệch theo tin đồn, theo đội lái, theo trào lưu lướt sóng “khuấy” lên.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ