Làm từ thiện cũng cần đồng thuận

(ĐTCK) Việc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (DPM) xin ý kiến cổ đông về việc đóng góp 100 tỷ đồng từ lợi nhuận sau thuế để cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện chương trình hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn quả thật đã khiến các cổ đông giật mình. Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) đã gửi văn bản góp ý với DPM và PVN về quản trị doanh nghiệp liên quan đến khoản đóng góp.

Theo VAFI, việc chi đột xuất khoản tiền lớn như vậy cần phải có sự bàn bạc kỹ lưỡng từ ĐHCĐ nhằm tập hợp trí tuệ của tất cả các cổ đông, để đảm bảo chương trình hỗ trợ có hiệu quả cao và mang tính lâu dài. Việc lấy ý kiến bằng văn bản trong trường hợp PVN chiếm 65% vốn điều lệ của DPM chỉ mang tính hình thức, không dân chủ và không lắng nghe được tâm tư nguyện vọng của các cổ đông.

Thứ hai, khi đề xuất chi 100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, HĐQT DPM căn cứ vào những lý do như: DPM được duy trì chính sách ưu đãi về giá khí nguyên liệu đầu vào của Nhà nước trong 3 năm sau cổ phần hoá; DPM được hưởng ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp một số năm sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy... Tuy nhiên, theo VAFI, đây không thể coi là những lý do hợp lý đối với cổ đông của DPM (trừ cổ đông PVN), bởi:

- Khi DPM thực hiện cổ phần hoá, các nhà đầu tư muốn mua cổ phiếu DPM thì phải tham gia đấu giá. Những chính sách ưu đãi như trên đã được công bố công khai trong bản cáo bạch và nằm trong phương án đấu giá, điều đó có nghĩa là nếu không có chính sách ưu đãi thì lợi nhuận của DPM thấp, tức là giá đấu thấp và ngược lại. Như vậy, các cổ đông DPM hoàn toàn không được hưởng ưu đãi gì.

- Báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm cho thấy DPM đạt trên 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tuy nhiên đã phải trích lập dự phòng phân bón tồn kho lỗ gần 500 tỷ đồng từ việc kinh doanh phân bón nhập khẩu; sang quý IV/2008, giá phân bón thế giới và trong nước rơi tự do và khoản lỗ từ nhập khẩu phân bón sẽ tăng lên, ảnh hưởng tới thu nhập cả năm.

Thứ ba, chỉ có PVN là cổ đông lớn của DPM được hưởng lợi từ những chính sách ưu đãi của Nhà nước vì không phải tham gia đấu giá như các nhà đầu tư bên ngoài, tức là giá vốn đầu tư của PVN chỉ dưới 20% giá vốn mà các nhà đầu tư mua theo giá thị trường. PVN còn được hưởng lợi lớn từ việc cổ phần hoá DPM, việc bán 35% vốn của DPM đã mang lại 1 khoản chênh lệch lớn so với giá vốn đầu tư ban đầu của Nhà máy Đạm Phú Mỹ.

Theo Nghị quyết ĐHCĐ của DPM năm 2008 thì trong năm nay sẽ phân chia cổ tức ở mức bằng 70% lợi nhuận sau thuế, với mức phân chia này thì PVN có thể thu về trên 1.000 tỷ đồng cổ tức tiền mặt, chỉ cần dành 10% phần cổ tức này thì sẽ có nhiều khoản tài chính làm từ thiện.

Theo phản ánh của VAFI, khi nhận được văn bản lấy ý kiến từ HĐQT DPM, đa số cổ đông đều thất vọng và mất niềm tin. Họ bất bình không phải vì chủ trương làm từ thiện, mà vì cách hành xử không công bằng, hay xử ép từ cổ đông lớn là PVN. Nhiều cổ đông DPM cho rằng, khoản điều chuyển đột xuất 100 tỷ đồng là quá lớn trong 1 năm. Mặt khác, nếu DPM quyết định trích lợi nhuận làm công tác xã hội thì cần có quy chế và Công ty phải trực tiếp tổ chức việc giải ngân đạt hiệu quả để cổ đông giám sát.

VAFI đề xuất, DPM cần xây dựng quy chế cho hoạt động từ thiện và lập kế hoạch hàng năm. Và quan trọng là cổ đông lớn PVN cần thận trọng khi ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông nhỏ. Thật ra, đã hơn một lần, quyết định của PVN khiến các cổ đông nhỏ ở DPM giật mình! 

Thu Hương
Thu Hương

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ