Lạm phát và nợ nước ngoài: Cách nào để không phải trả giá?

Bài viết này sẽ tập trung phân tích về tác hại của lạm phát đối thị trường đối ngoại (xuất nhập khẩu và nợ nước ngoài).

Để hiểu kỹ hơn, chúng ta cần xem xét lại cái gọi là giá trị thật của đồng nội tệ. Thực tế là 4 năm qua, tiền đồng đã lên giá 11% so với USD. Oái oăm là trên danh nghĩa, USD lại lên giá vì 1 USD năm 2003 đổi được 15.514 đồng, nhưng đến năm 2007 lại chỉ đổi được 16.240 đồng. Song trên thực tế do lạm phát ở Việt Nam cao hơn nhiều so với Mỹ, giá trị thực của đồng USD ở Việt Nam đã mất giá.

Cụ thể: 1 USD năm 2003 có sức mua tương đương với  1,12 USD bây giờ do lạm phát ở Mỹ, tức là tương đương với 18.189 đồng. Do lạm phát tới 35,3% ở Việt Nam , 18.189 đồng bây giờ chỉ tương đương sức mua của 13.443 đồng năm 2003. Nếu so với sức mua là 15.154 đồng/USD năm 2003 thì đồng USD bây giờ chỉ còn 89% giá trị, hay nói khác là đồng VN lên giá 11% trong vòng 4 năm.

Tình trạng USD xuống giá đã khuyến khích nhập khẩu và đồng VN lên giá hạn chế xuất khẩu. Hai năm trước tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. 7 tháng đầu năm 2007, nhập khẩu đã tăng 29,6% so với 19,6% tăng xuất khẩu. Thâm hụt cán cân thương mại gồm cả hàng hoá và dịch vụ có khả năng tăng từ 2,3 tỷ USD năm 2003 lên tới 8 tỷ USD trong năm nay. Số ngoại tệ cần thiết có thể đến 10 tỷ USD vì khoảng 2 tỷ USD phải dùng để trả lãi và lợi nhuận nước ngoài. Khoản tiền kiều hối có thể lên tới 4 tỷ USD trong năm 2007, còn 6 tỷ USD nữa phải trông chờ từ đầu tư trực tiếp, gián tiếp hoặc vay mượn nước ngoài.

Khác với đầu tư trực tiếp khó rút vốn ra vì muốn rút phải bán doanh nghiệp; đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán có thế rút ra dễ dàng vì chỉ cần bán cổ phiếu, chuyển thành ngoại tệ và gửi ra nước ngoài. Giới đầu tư nước ngoài ở thị trường cổ phiếu có thể rút chạy hàng loạt khi kinh tế khủng hoảng, và như thế có thể đẩy nền kinh tế đến chỗ khủng hoảng toàn diện. Điều này đã xảy ra với rất nhiều nước, nhất là ở các nước Nam Mỹ và xảy ra năm 1997 ở châu Á.

Về biện pháp kinh tế, để có khả năng đối phó với việc rút vốn đầu tư gián tiếp từ nước ngoài, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải từng bước xây dựng quỹ dự trữ ngoại tệ, đủ khả năng chi trả nếu vốn nước ngoài ở thị trường chứng khoán rút ra. (Do đó việc nắm thông tin cập nhật về giá trị cổ phiếu do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên thị trường chứng khoán Việt Nam là rất quan trọng).

Việc mua ngoại tệ dự trữ là điều dễ thấy như NHNN đang làm. Nhưng mua dự trữ có tác dụng tăng trực tiếp lượng tiền đồng trên thị trường và đẩy mạnh lạm phát nếu như không có biện pháp thu hút tiền đồng trở lại NHNN và triệt tiêu chúng. Nói triệt tiêu là nói đến hai việc. Ngoại tệ dự trữ phải đem đầu tư ngắn hạn ở nước ngoài (để có thể rút ra ngay khi cần).

Tiền đồng phải rút về phải bằng cách bán trái phiếu cho dân và ngân hàng thương mại. Tiền này không thể đem cho vay hoặc mua trái phiếu nhà nước, vì như vậy là đẩy tiền trở lại thị trường. NHNN phải giữ tiền và chịu lỗ trả lãi. Khi làm thế, NHNN lỗ và ngân sách bù lỗ là chuyện bình thường vì đó là vai trò điều tiết của NHNN và Nhà nước nói chung.

Cho nên có thể kết luận là chống lạm phát phải là mục tiêu hàng đầu để ổn định kinh tế, tài chính và chính trị, tức là ổn định xã hội. Không thể cho rằng, nền kinh tế ổn định khi lạm phát vượt 5-6% một năm. Trên thực tế, nhiều quốc gia đã phải trả giá rất cao khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát.


Vũ Quang Việt (Cục Thống kê LHQ-New York) – LĐ

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ