Lãi suất thấp chưa ngấm đến DN niêm yết

(ĐTCK-online) Lãi suất cho vay đã giảm, nhất là khi Ngân hàng Nhà nước quyết liệt đưa trần lãi suất huy động về 14%/năm. Tuy nhiên, để cảm nhận tác động tích cực từ chính sách này, theo các doanh nghiệp, vẫn cần thêm thời gian.
Hiệu ứng từ chính sách giảm lãi suất phải chờ sang năm 2012 mới biểu hiện rõ Hiệu ứng từ chính sách giảm lãi suất phải chờ sang năm 2012 mới biểu hiện rõ

Đầu tháng 9, CTCP Đầu tư Thương mại DIC (DIC) nhận được thông báo từ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), chính thức nới lãi suất cho DIC thêm 1%, từ mức 18,5%/năm của tháng 8 xuống 17,5%/năm.

BIDV cũng đã triển khai hạ từ 1-2%/năm lãi vay cho hầu hết khách hàng, tùy thời hạn vay và tùy những mối quan hệ giữa ngân hàng với doanh nghiệp. Cơ bản, mặt bằng lãi cho vay mà BIDV cũng như những ngân hàng có vốn nhà nước chiếm đa số khác như Vietcombank, Vietinbank áp dụng đã về dưới 19%/năm.

Tuy nhiên, trao đổi với ĐTCK, các doanh nghiệp cho biết, tác động từ chính sách hạ lãi suất vẫn chưa ngấm đến doanh nghiệp. Đơn cử, với những đơn vị mà niên độ tài chính kết thúc vào cuối tháng 9 như CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA), dù hưởng lãi vay thấp hơn mức 17-19%/năm thì cũng không thể ghi nhận sự biển chuyển lạc quan. Lý do là mức lãi "ưu đãi" trong 1 tháng không thể làm thay đổi các con số tài chính quý và năm của HLA.

Với CTCP Bao bì Nhựa Sài Gòn (SPP), việc triển khai chính sách hạ lãi vay ở thời điểm tháng 9 rất khó tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Công ty ngay năm 2011. Bởi theo phân tích của ông Dương Quốc Thái, Tổng giám đốc SPP, đa phần doanh nghiệp đều phải sớm tính liệu dòng tiền hoạt động trong những tháng cuối năm. Do đó, tháng 7- 8 thường là thời gian doanh nghiệp vay mạnh. Từ quý IV, doanh nghiệp sẽ ít vay hơn.

Tuy nhiên, tất cả những khoản vay cũ, được ký từ 8 tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp vẫn phải trả theo mức lãi cao trên 19%/năm. Do đó, một số doanh nghiệp cho biết, dù các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất, hiệu ứng từ chính sách điều chỉnh lãi suất phải chờ sang năm 2012 mới biểu hiện rõ.

Có một điều khá đặc biệt mà phóng viên ĐTCK phát hiện khi thực hiện bài viết này, đó là không thiếu những doanh nghiệp được hưởng lãi suất dưới 19%/năm cả trong những thời điểm lãi vay tăng trên 22%/năm. Cụ thể, theo chia sẻ của đại diện một công ty dược ở Đồng Tháp, chưa bao giờ doanh nghiệp này vay vượt 18,5%/năm. Các công ty như Bibica (BBC), Thủy sản An Giang (AGF) cũng đi vay với lãi suất tương tự. Ông Nguyễn Văn Ký, Tổng giám đốc AGF khẳng định: "lãi vay không phải là vấn đề đau đầu của AGF".

Thực tế, AGF không phải tự nhiên được hưởng lãi vay ưu đãi. Để có thể vay tiền với mức lãi thấp hơn thị trường 2-3%/năm, AGF phải ký một thỏa thuận đồng ý bán ngoại tệ cho ngân hàng. Vì thế, một cách trùng hợp, những doanh nghiệp vô tư trước diễn biến lãi VND hoặc là những doanh nghiệp vay ngoại tệ chủ yếu, hoặc là những đơn vị xuất khẩu. Nhờ nguồn ngoại tệ thu về, doanh nghiệp có cái để trao đổi với ngân hàng.

Với những doanh nghiệp chịu tác động mạnh bởi lãi vay, bà Lê Thị Thúy Nga, Giám đốc Tài chính CTCP Đầu tư Thương mại DIC (DIC) đánh giá, nếu có điều chỉnh lãi vay ở mức độ rộng hơn, chưa hẳn đã giúp doanh nghiệp bớt khó khăn. Bởi khi các yếu tố đầu vào như giá nguyên vật liệu, giá điện, xăng tăng và dự báo còn tăng, giảm lãi suất một vài phần trăm không mang nhiều ý nghĩa.

Theo tính toán của DIC, chỉ tính từ tháng 10 năm ngoái, giá đầu vào clinker đã tăng 50%. Vì thế, dù đã điều chỉnh giá xuất khẩu 5-6 lần nhưng lợi nhuận của DIC vẫn bị ảnh hưởng. Không chỉ thế, do phải điều chỉnh giá bán liên tục, DIC đành chịu mất một số khách hàng và chấp nhận sản lượng tiêu thụ sụt giảm. Sản lượng tiêu thụ của DIC giờ chỉ còn 70.000-80.000 tấn/tháng, ước đem về 3 triệu USD/tháng trong khi theo kế hoạch, lẽ ra DIC phải xuất khẩu trên 100.000 tấn/tháng, với doanh thu 5 triệu USD.

Ở mặt hàng xi măng, dù DIC đã hạ giá thành hết mức, chấp nhận lời ít thì theo bà Nga, sức tiêu thụ vẫn rất chậm. Diễn biến này theo đúng dự báo, rằng nếu bất động sản khó, không chỉ bất động sản "chết" mà những ngành "ăn theo" bất động sản như vật liệu xây dựng (xi măng, gạch, thép, gỗ…) trang trí nội thất... cũng "ốm" theo. Nói như những người trong nghề, nên nhìn bất động sản trong sự tổng thể để có chính sách hợp lý hơn.

Xa hơn, câu chuyện hạ lãi suất chỉ có ý nghĩa khi hài hòa lợi ích giữa ngân hàng, doanh nghiệp và thị trường.

Ngọc Thủy
Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ