Lãi suất tăng, chọn gửi tiết kiệm hay đầu tư vào chứng khoán?

(ĐTCK) Nhiều mã chứng khoán trên thị trường tiếp tục suy giảm trong bối cảnh lãi suất ngân hàng có chiều hướng tăng dần.
Lãi suất tăng, chọn gửi tiết kiệm hay đầu tư vào chứng khoán?

Có thể nói lãi suất tăng từ đầu năm theo xu thế tăng lãi suất chung trên toàn thế giới sau thời gian nới lỏng tín dụng là nguyên nhân chính khiến thị trường chứng khoán (TTCK) suy giảm.

Theo Ngân hàng Nhà nước, tỷ trọng tín dụng/huy động của toàn hệ thống 5 tháng đầu năm 2019 dao động ở mức 89-90,3%, cao hơn mức bình quân 88% của năm 2018 do chỉ số này tăng mạnh ở khối các ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần (từ 82,5% bình quân năm 2018 lên 84,5-86,2% trong 5 tháng đầu năm 2019) và duy trì ở mức rất cao tại các NHTM nhà nước (93,4-95,3%).

Qua đó có thể thấy, nhu cầu huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn rất lớn, đặc biệt là ở khối các NHTM cổ phần. Lãi suất huy động thị trường duy trì trạng thái đi ngang, 4,1-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng; 5,5-7,45%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng; 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12-13 tháng.

Với mức lãi suất lên đến 9%/năm đối với chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 1 năm của một số ngân hàng, hay việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu lãi suất 13%/năm, kênh đầu tư cổ phiếu trở nên kém cạnh tranh, nhất là khi TTCK trong xu thế giảm.

Việc đầu tư chứng khoán lúc này buộc nhà đầu tư phải cân nhắc chi phí vốn khi so sánh thu nhập từ chứng khoán với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Giữa tháng 7/2019, một số ngân hàng như BIDV, Techcombank, VPBank… đồng loạt tăng lãi suất huy động. Phần lớn các ngân hàng tăng lãi suất ở kỳ hạn dài trên 12 tháng. Trong khi đó, lãi suất kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng vẫn duy trì ở mức 5-6%/năm.

Trong cái rủi có một chút may là sự đình trệ của thủ tục triển khai dự án bất động sãn đã diễn ra từ đầu năm ngoái, trước khi lãi suất bước vào giai đoạn tăng rõ rệt từ đầu năm nay khiến áp lực huy động vay vốn từ lĩnh vực bất động sản không gia tăng để tạo thêm áp lực lên thị trường vốn nói chung.

Một số doanh nghiệp bất động sản có áp lực vốn, nhưng phần nhiều hơn là các chủ đầu tư không có nhu cầu giải ngân vì không triển khai được dự án mới.

Nhu cầu vay vốn không tăng từ cả phía chủ đầu tư cũng như phía người mua. Nếu các dự án bất động sản vẫn được triển khai rầm rộ như trước, chắc hẳn thị trường sẽ chứng kiến thêm nhiều thương vụ phát hành trái phiếu.

Ở mặt bằng giá chứng khoán hiện nay, khi nhiều cổ phiếu đã giảm sâu và tỷ suất cổ tức trên/thị giá nhiều cổ phiếu đạt 7-10%, mức tăng lãi suất ở kỳ hạn dài như trên, về cơ bản, sẽ tạo áp lực tâm lý nhiều hơn là có khả năng hút vốn từ TTCK.

Lý do là các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thường giữ tiền ở trạng thái thanh khoản cao, tức có thể rút, chuyển linh hoạt, ít khi muốn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài.

Nhà đầu tư chứng khoán phần lớn có quan điểm, giai đoạn này cần theo dõi thị trường chặt chẽ để chớp lấy các cơ hội. Không ít thời điểm quá khứ đã cho thấy, khi TTCK quay trở lại đà tăng, phần lãi sẽ là vài chục phần trăm cho người kiên nhẫn và “biết chọn”.

Thế nên, lãi suất ngân hàng tăng làm nhiều người sốt ruột. Hưởng lãi đều đều hay chọn đầu tư và chờ đợi sự đột biến là chuyện của mỗi người, nhưng muốn thắng, không thể thiếu kiễn nhẫn trên TTCK Việt Nam.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ