Kỷ cương cho tiền đồng

Nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi “tại sao đồng Việt Nam mất giá” có lẽ luôn là nỗi lo canh cánh của giới hữu trách. Phân tích dưới đây nêu lên đôi điều liên quan đến khía cạnh điều hành và chính sách, với thiển ý để tìm lại tư thế cho đồng Việt Nam.
Tiền đồng Việt Nam đang thường xuyên bị cạnh tranh của nhiều loại ngoại tệ và vàng ngay cả trong thanh toán nội thương Tiền đồng Việt Nam đang thường xuyên bị cạnh tranh của nhiều loại ngoại tệ và vàng ngay cả trong thanh toán nội thương

Thứ nhất, dù muốn hay không đồng Việt Nam trong thực tế cũng gắn khá chặt, nếu không muốn nói là được neo vào đồng đô la Mỹ. Thực tế này là khó tránh, do đồng tiền giao dịch quốc tế và thanh toán ngoại thương của Việt Nam chủ yếu là đô la Mỹ, hay thông qua đô la Mỹ (lấy nó làm cơ sở tính toán).

 

Mặt khác, về nội thương, giá cả hàng hóa và dịch vụ trong nước trước đây được yết hay phiên ra đô la Mỹ, nghĩa là cũng lấy đô la Mỹ làm cơ sở tính toán. Song song với thông lệ ngang giá đó, tỷ giá đô la Mỹ và đồng Việt Nam lại được điều hành theo hướng ổn định có linh hoạt. Gọi là linh hoạt, nhưng việc điều chỉnh tỷ giá thường không theo kịp biến động của thị trường mà là sự đuổi bắt từng lúc theo tính toán chủ quan (chủ trương ổn định) của Chính phủ. Chút dích dắc nằm ở chỗ này.

 

Sẽ chưa là vấn đề lớn nếu nề nếp thanh toán nội tệ trong giao dịch nội thương ở ta đã chặt chẽ (vấn đề sẽ được đề cập ở phần sau) và đồng đô la Mỹ không bị mất giá sâu. Chẳng may, thực tế lại không như vậy. Nỗ lực ổn định dai dẳng trước những khó khăn nội tại đã tạo ra tình trạng căng thẳng và tích tụ dồn nén. Vấn đề trở nên gay gắt hơn với các biến động bất thường của đồng đô la Mỹ trên thị trường ngoại hối gần đây.

 

Cao điểm có lẽ là từ 3/11/2010. Sau hai năm giữ lãi suất ở mức 0-0,25% (từ tháng 12-2008) và thực hiện gói ứng cứu thanh khoản 1.700 tỷ đô la (từ tháng 11/2008), Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) đã quyết định bơm thêm 600 tỷ đô la vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Biện pháp can thiệp vĩ mô này tuy được gọi bóng bẩy là nới lỏng định lượng, thực chất là cú xả van mạnh tay tiếp sức cho chủ trương hạ thấp giá trị đồng đô la tại Mỹ và trên thị trường tài chính thế giới.

 

Kế hoạch này tuy kéo dài đến tháng 6/2011 nhưng ngay lập tức (thực tế là từ trước tháng 11/2010) đồng tiền nhiều nước trên thế giới đã tăng giá mạnh. Riêng đồng Việt Nam, chẳng những không tăng, không đứng yên (đứng yên đã có nghĩa là giảm), mà lại liên tục chịu áp lực mất giá. Tại sao?

 

Kỷ cương thanh toán một khi được xác lập, ngoài mục đích phục vụ cho việc điều hành tiền tệ, điều tiết lạm phát và tỷ giá, còn là thông điệp chuyển tải sự khẳng định về tư thế chủ nhà và chủ quyền quốc gia.

 

Trước tiên, nói một cách trực tiếp và đơn giản, đồng tiền Việt Nam được so giá (mark to market) dựa vào đô la Mỹ, nên khi đồng đô la Mỹ mất giá sâu thì nó khó đứng vững. Mặt khác, khi đô la Mỹ giảm giá thì hàng hóa tính bằng đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn, và điều này làm cho nhu cầu đô la tăng lên.

 

Tại Việt Nam, cùng với động lực kinh tế yếu, đô la Mỹ cũng đồng thời là loại tài sản đầu cơ hay cất giữ giá trị được ưa chuộng. Cầu đô la Mỹ do vậy luôn vượt xa cung. Tình trạng cầu cao và cung không đáp ứng kéo dài này đã làm tăng cơn khát ngoại tệ vốn đã âm ỉ thường trú trong nền kinh tế, đẩy giá đô la Mỹ ở thị trường tự do lên cao suốt từ những tháng cuối năm 2010 đến đầu năm 2011.

 

Trong khi đó, tỷ giá chính thức lại không (hay không thể) điều chỉnh được do nó cần được “ổn định” trong thời điểm nhạy cảm cuối kỳ kế hoạch 2010. Nếu không quá câu nệ vào các con số kế hoạch thì sự thể đáng lẽ đã phải khác! Việc gác lại năm sau này đã làm cho cả hệ thống nóng lên và tình hình thêm phức tạp khi các ngân hàng thương mại ra tay kiếm lợi chênh lệch lãi suất (carry trade). Cuối cùng thì ngày N cũng đến.

 

Ngày 11/2/2011, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh giá đồng Việt Nam giảm hơn 9,3% so với trước đó, từ 18.932 lên 20.693 đồng ăn một đô la. Tuy vậy, bước chính thức công nhận này nếu được cho là cần thiết thì cũng chỉ có giá trị thời vụ. Sự lo âu mất giá vẫn còn đó…

 

Thứ hai, đồng Việt Nam hầu như chưa được bảo vệ đúng mức, chưa nhận được vai trò độc tôn trong thanh toán nội địa như đáng lẽ nó phải có. Đồng bạc Việt Nam do không được khẳng định tư thế “làm chủ” nên thường đứng trước khả năng bị lấn sân, dễ rơi vào tình trạng kém ổn định. Tác hại của tình trạng đô la hóa chủ yếu nằm ở chỗ này.

 

Thật vậy, ít có nơi đâu như Việt Nam, đô la Mỹ được dùng thoải mái trong giao dịch và chi trả. Đô la còn “chính thức” được luật lệ “thừa nhận” trong việc góp vốn làm ăn hay mua cổ phần (Luật Doanh nghiệp).

 

Nhưng không phải chỉ có đô la Mỹ, hàng chục đồng tiền mạnh khác cùng với vàng đã tham gia sâu vào phương tiện thanh toán nội thương, trực tiếp và thường xuyên cạnh tranh “một cách bất chính” với tiền đồng. Thực trạng “cho phép” lưu hành hào phóng và việc sử dụng đại trà các “sản phẩm thay thế” lâu nay như vậy làm cho tiền đồng bị lép vế là điều chẳng lạ. Thực trạng này đồng thời cũng khuyến khích việc giữ tài sản bằng ngoại tệ và vàng, tiền đồng càng trở nên yếu thế và mất giá.

 

Việc thanh toán bằng ngoại tệ và vàng bên cạnh tiền đồng vừa làm cho tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng lên, vừa tạo ra bối cảnh tiền tệ không kiểm soát được (hiện nay lượng ngoại tệ nằm trong dân là 10 tỷ hay 100 tỷ đô la không xác định được). Đây là mầm mống gây lạm phát, làm vô hiệu hay gây trở ngại cho việc thực hiện các chính sách tiền tệ vĩ mô, đặc biệt là về mặt điều tiết. Một chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát bằng cách siết cung tiền đồng có thể không đạt hiệu lực mong đợi nếu các chủ thể trong nền kinh tế quay sang dùng vàng và ngoại tệ để giao dịch.

 

Có thể liên hệ tình trạng bất kham này với việc chống ngập. Chống ngập mà chỉ khóa được có một van chính, trong khi các van khác vô tư xả nước vào thì khó hết ngập. Thực tế này có thể kiểm chứng được vào các giai đoạn căng thẳng thanh khoản, tình trạng của năm 2008 và hiện nay (2011) là ví dụ. Vào những giai đoạn tiền đồng bị siết chặt này, ngoại tệ và vàng đã lập tức trám vào chỗ trống. Khi đô la và vàng được chiếu cố hay trọng dụng (vì bất cứ lý do gì) thì sự vận động của chúng sẽ trở nên phức tạp và giá cả sẽ tăng theo…

 

Như vậy, sự rối rắm ở đây là về nề nếp thanh toán (hay phương tiện thanh toán) chứ không đơn thuần là việc sở hữu hay mua bán ngoại tệ và vàng. Vấn đề thanh toán liên quan đến kỷ cương phép nước, còn việc sở hữu và mua bán thuộc khía cạnh quyền về tài sản. Đây là hai mặt của một vấn đề cần được phân biệt và xem xét kỹ. Việc tổ chức và pháp lý mua bán, cất giữ các tài sản đặc biệt này là nội dung khác, không thuộc bài này.

 

Kỷ cương thanh toán một khi được xác lập, ngoài mục đích phục vụ cho việc điều hành tiền tệ, điều tiết lạm phát và tỷ giá, còn là thông điệp chuyển tải sự khẳng định về tư thế chủ nhà và chủ quyền quốc gia. Khi trên lãnh thổ Việt Nam chỉ dùng đồng Việt Nam, thì khách đến Việt Nam sẽ phải mua tiền đồng để chi dùng. Và khi có hàng triệu người mua như vậy thì nhiều tỷ đô la sẽ được kiểm soát và đồng Việt Nam sẽ có giá…


Huy Nam/TBKTSG

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ