KLS:Cắt dịch vụ chứng khoán, tập trung hoạt động đầu tư

(ĐTCK-online) Nếu ĐHCĐ ngày 19/3/2011 thông qua, CTCP Chứng khoán Kim Long sẽ chuyển đổi mô hình hoạt động từ công ty chứng khoán sang công ty cổ phần tập đoàn, hướng vào nghiệp vụ đầu tư và cắt bỏ toàn bộ các dịch vụ kinh doanh chứng khoán.
KLS:Cắt dịch vụ chứng khoán, tập trung hoạt động đầu tư

Trong cuộc trao đổi với báo chí chiều này hôm nay, 2/3, lãnh đạo CTCP Chứng khoán Kim Long cho biết: trong định hướng phát triển kinh doanh của mình năm 2011, Kim Long sẽ cắt toàn bộ các mảng kinh doanh dịch vụ chứng khoán như: môi giới, tư vấn, bảo lãnh và chỉ tập trung vào mảng đầu tư. Tuy nhiên, đây mới chỉ là nội dung Hội đồng quản trị Công ty đưa ra, còn thực hiện hay không sẽ do các cổ đông quyết định tại cuộc họp ngày 19/3/2011.

 

Cắt bỏ nghiệp vụ không sinh lời

Theo Nghị quyết HĐQT được thông qua ngày 1/3/2011, Kim Long sẽ đổi tên từ CTCP Chứng khoán Kim Long sang tên mới là CTCP Tập đoàn Kim Long. Theo đó, thay vì 4 nghiệp vụ của một công ty chứng khoán là: môi giới, tư vấn, tự doanh, bảo lãnh phát hành; Kim Long sẽ chuyển sang hoạt động với 6 nhóm lĩnh vực chủ yếu là: Đầu tư tài chính và nguồn vốn, lĩnh vực bất động sản, dịch vụ liên quan đến bất động sản, công nghệ thông tin. Dịch vụ thương mại và các loại dịch vụ khác.

Theo ông Hà Hoài Nam , Chủ tịch HĐQT, lý do quan trọng để Kim Long không hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán nữa là: 3 hoạt động dịch vụ là môi giới, tư vấn, bảo lãnh phát hành vốn khá tốn kém về chi phí, nhân sự; nhưng lại không mang lại hiệu quả tài chính. Trong khi đó, hoạt động đầu tư của công ty khi ở hình thức công ty chứng khoán sẽ phải chịu nhiều ràng buộc, từ tỷ lệ tham gia vào một doanh nghiệp đến công khai danh mục… Chưa kể, ngay cả đến việc nhập lệnh khi mua bán cổ phiếu trong phiên cũng phải theo nguyên tắc ưu tiên lệnh của nhà đầu tư. Chính vì vậy, theo ông Nam , việc cắt bỏ những nghiệp vụ không sinh lời sẽ giúp Công ty làm ăn hiệu quả hơn trong tương lai.

Về lý do đưa ra danh mục tới 6 nhóm ngành nghề kinh doanh, trong đó có tới 24 hoạt động kinh doanh chi tiết, thậm chí bao gồm cả: Dịch vụ lưu trú ngắn ngày, buôn bán máy vi tính, thiết bị ngoại vi và phầm mềm hay quảng cáo, tư vấn quản lý… ông Nam cho rằng, đây chỉ là việc nhằm hỗ trợ cho Kim Long thời gian tới thuận tiện hơn trong việc sát cánh cùng các doanh nghiệp khác nhau trong nhiều ngành nghề. “Do Công ty có rất nhiều cổ đông, nên nếu không xin nhiều ngành nghề như vậy, sau này, mỗi lần muốn thêm nghiệp vụ kinh doanh, lại phải mất tới 3 tháng mới có thể xin xong ý kiến cổ đông thì sẽ rất tốn kém và mất thời gian”, ông Nam cho biết.

Cũng xoay quanh vấn đề định hướng ngành nghề kinh doanh, Kim Long cho rằng, mình sẽ tập trung chủ đạo là hoạt động đầu tư, một ngành nghề cốt lõi từ trước tới nay. Ngoài ra, do đã làm việc và tư vấn nhiều cho các doanh nghiệp bất động sản nên Công ty sẽ chuyển sang làm cả mảng này. Tuy nhiên, khi hỏi về việc đã có những dự án nào khả thi, ông Nam cho biết là: do cổ đông còn chưa quyết định có thông qua hay không thì việc xác định dự án đầu tư lúc này là quá sớm.

 

Mua cổ phiếu quỹ nếu giá KLS về dưới 9.000 đồng

Ngay từ ngày hôm qua, 1/3, khi thông tin về việc Kim Long sẽ chuyển đổi nghiệp vụ kinh doanh được lan truyền trên thị trường, nhiều nhà đầu tư đã e ngại về khả năng Kim Long sẽ đóng cửa luôn công ty chứ không chỉ là việc chuyển đổi nghiệp vụ kinh doanh. Nhiều ý kiến nhận định, chính thông tin này của Kim Long đã làm cho tâm lý thị trường trở nên hoang mang trong phiên giao dịch sáng ngày hôm nay.

Trả lời về việc có bao nhiêu khả năng cổ đông sẽ thông qua kế hoạch này của Kim Long, ông Nam cho biết, đến thời điểm này, Công ty chưa thể nói trước điều gì. Theo danh sách cổ đông đã chốt, Kim Long có tới 28.000 cổ đông, trong đó, ngoại trừ ông Nam là cổ đông lớn, tất cả các cổ đông còn lại đều là cổ đông nhỏ (dù có cả nhà đầu tư tổ chức).

Cũng theo ông Nam, cổ đông nội bộ nắm khoảng 30% vốn điều lệ Công ty, và nếu tính cả anh em, bạn bè thì có khoảng 40% vốn điều lệ được nắm giữ bởi những người quen biết. Để quyết định trên được thông qua thì cần tối thiểu 75% của 65% số cổ đông hiện hữu biểu quyết, tương đương 48,75% vốn điều lệ. Như vậy, việc Kim Long có thay đổi được chiến lược kinh doanh hay không vẫn chưa thể có hồi kết!

Quay trở lại vấn đề nếu nhà đầu tư yêu cầu thoái vốn, ông Nam cho rằng: nếu thoái vốn thì sẽ… rất tiếc. Tính theo con số tiền mặt trong tài khoản gửi tiết kiệm, (chưa bao gồm khoảng 200 tỷ đồng cổ phiếu đầu tư ngắn hạn), thì trong trường hợp này, Kim Long có thể chia cho nhà đầu tư khoảng 9.000 đồng/cổ phiếu. “Nếu giá cổ phiếu xuống dưới mức này, Công ty sẽ thực hiện mua cổ phiếu quỹ”, ông Nam cho biết.

Trên thực tế, những e ngại về khả năng thoái vốn của nhà đầu tư không phải không có cơ sở, bởi khi chấp nhận đầu tư vào Kim Long, khi quyết định thông qua kế hoạch tăng vốn lên 2.025 tỷ đồng, nhà đầu tư vẫn coi Kim Long là công ty chứng khoán chứ không phải là công ty đầu tư (mà nếu  Kim Long chuyển đổi mô hình hoạt động, thì Kim Long không khác bao nhiêu so với một quỹ đầu tư – ngoài sự khác biệt là nếu muốn có lãi, ít nhất công ty phải có một giao dịch tất toán khoản đầu tư).

 

Chuyển hướng, hiệu quả có tăng lên?

Một câu hỏi đặt ra là: nếu chuyển hướng, hoạt động kinh doanh của Kim Long liệu có thực sự đảm bảo? Trả lời câu hỏi của ĐTCK online là: nếu các cổ đông thông qua phương án chuyển đổi, Kim Long dự kiến kế hoạch doanh thu, lợi nhuận thế nào? Ông Nam cho biết, tình hình kinh doanh sẽ vẫn phải phụ thuộc vào thị trường, Công ty chỉ cố gắng kinh doanh có lãi!

Tuy nhiên, ông Nam ví von rằng: một cái xe đang chất nhiều đồ, khi ném bớt đồ đi thì đương nhiên sẽ chạy nhanh hơn. Theo ông Nam, Công ty hiện có khoảng 100 nhân viên, chi phí hoạt động bình thường của Kim Long khoảng 6 tỷ đồng/tháng, chủ yếu là chi phí cho hạ tầng. Nếu cắt bỏ các nghiệp vụ dịch vụ kinh doanh chứng khoán, Kim Long sẽ tiết kiệm được tiền chi phí mặt bằng (do phải có sàn rộng, tầng 1); chi phí đường truyền mạng, hệ thống công nghệ thông tin. Khoảng 30 nhân viên đang làm môi giới, lưu ký sẽ được điều chuyển: hoặc theo hướng ở lại và có khoảng 10 tháng để học tập, tự đào tào chuyên môn để thích nghi hoạt động mới; hoặc chuyển việc.

Theo ông Nam, điều buồn nhất lúc này là… có tiền mà không được làm gì, bởi nếu đầu tư, trong bối cảnh TTCK như hiện tại thì sẽ thua lỗ, mà gửi tiết kiệm thì lại là việc “cực chẳng đã”, nhưng đem tiền đi đầu tư dự án thì không được phép. Hai tháng đầu năm 2011, tiền lãi gửi tiết kiệm của Công ty đạt trên 22 tỷ đồng/tháng, nhưng khoản trích lập dự phòng hiện khoảng 40 tỷ đồng.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ