Kiếm tiền tỷ từ xử lý cổ phiếu lẻ

(ĐTCK) HAG công bố bán cổ phiếu lẻ cho 1 cá nhân với giá bằng mệnh giá, giúp cá nhân này có cơ hội thu lãi nhiều tỷ đồng.
Kiếm tiền tỷ từ xử lý cổ phiếu lẻ

Lâu nay, cổ phiếu lẻ trong các đợt phát hành ra công chúng, cổ phiếu bị từ chối quyền mua thường được cổ đông ủy quyền cho HĐQT DN xử lý. Tuy nhiên, mới đây, việc CTCP Tập đoàn Hoàng Anh (HAGL, mã HAG) công bố bán cổ phiếu lẻ cho 1 cá nhân với giá bằng mệnh giá, giúp cá nhân này có cơ hội thu lãi nhiều tỷ đồng, khiến nhiều người bất ngờ và đặt ra câu hỏi, đâu là cách xử lý cổ phiếu lẻ hài hòa lợi ích hơn?

HAGL: mua cổ phiếu lẻ lãi… 23 tỷ đồng

Ngày 31/5/2013, HAGL công bố Nghị quyết HĐQT về việc xử lý số cổ phiếu lẻ và số cổ phiếu chưa chào bán hết phát sinh từ đợt chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Theo nghị quyết này, đợt phát hành cổ phiếu của HAGL cho cổ đông hiện hữu đến hết ngày 22/5/2013 còn dư 1.947.818 cổ phiếu chưa phát hành hết (do làm tròn cổ phiếu lẻ và chưa chào bán hết). Toàn bộ số cổ phiếu này đã được HĐQT thực hiện chào bán cho cổ đông Võ Thị Mỹ Hạnh, với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu.

Đây là quyết định hoàn toàn hợp lệ, bởi trong Nghị quyết ĐHCĐ bất thường (lấy ý kiến bằng văn bản) ngày 4/1/2013 thông qua đợt phát hành này, ĐHCĐ đã đồng ý ủy quyền cho HĐQT quyết định đối tượng chào bán, giá chào bán với nguyên tắc giá chào bán không được thấp hơn giá chào bán cho cổ đông hiện hữu. Mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu mà cổ đông Võ Thị Mỹ Hạnh mua vừa đúng bằng với giá bán cổ phiếu của Công ty cho cổ đông hiện hữu.

Kiếm tiền tỷ từ xử lý cổ phiếu lẻ ảnh 1

Cá nhân một cổ đông được hưởng lợi lớn từ đợt bán cổ phiếu lẻ của HAG khiến các cổ đông khác thắc mắc

Sẽ không có gì gây thắc mắc cho công chúng đầu tư nếu như thị giá của HAGL ở thời điểm xử lý cổ phiếu lẻ không cách quá xa giá mà HĐQT bán cổ phiếu lẻ. Nhưng, trường hợp này lại khác. Trong khoảng thời gian 1 tháng gần đây, giá cổ phiếu HAG của HAGL liên tục duy trì ở mức từ 21.000 - 23.000 đồng/cổ phiếu, tức bằng 210-230% giá “bán lẻ” cho Võ Thị Mỹ Hạnh. Nếu lấy mức bình quân là 22.000 đồng/cổ phiếu, tức chênh lệch giữa giá mua (10.000 đồng/cổ phiếu) và thị giá lên tới 12.000 đồng/cổ phiếu, việc mua vào hơn 1,947 triệu cổ phiếu mang lại cơ hội cho người được mua số tiền chênh lệch lên tới hơn 23,3 tỷ đồng.

Trên thực tế, giá tham chiếu cổ phiếu HAG tại ngày giao dịch không hưởng quyền là 24.600 đồng/cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc, các cổ đông (lướt sóng) thực hiện quyền mua cổ phiếu phát hành thêm thật ra đã phải mua cổ phiếu cổ phiếu HAG ở mức 24.600 đồng/cổ phiếu, chứ không phải mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo số tiền nộp về DN, do mức giá chênh lệch điều chỉnh vào giá cổ phiếu thời điểm nắm giữ. Vì thế, dù không bị thiệt hại gì từ quyết định trên của HĐQT, nhưng nhiều cổ đông HAG cảm thấy bất ngờ, khi một cá nhân bỗng nhiên được hưởng khoản chênh lệch quá lớn từ đợt phát hành cổ phiếu.

 

Tìm cách hài hòa hơn để xử lý cổ phiếu lẻ

Trong trường hợp của HAGL, mức chênh lệch giữa giá bán cổ phiếu và thị giá chỉ khoảng 12.000 đồng/cổ phiếu, nhưng người mua cổ phiếu lẻ đã đạt được mức lãi (tạm tính) đến hàng chục tỷ đồng. Nếu đây là đợt phát hành của những DN có thị giá lớn như CTCP Sữa Việt Nam (VNM, thị giá trên 130.000 đồng/cổ phiếu), CTCP Traphaco (TRA, thị giá gần 90.000 đồng/cổ phiếu), Tập đoàn Vingroup - CTCP (thị giá khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu), hay CTCP Tập đoàn Masan (MSN, thị giá xấp xỉ 110.000 đồng/cổ phiếu)…, giả sử cũng phát hành giá 10.000 đồng/cổ phiếu, có lượng cổ phiếu lẻ do làm tròn lớn và xử lý bán cho 1 cá nhân thì số tiền mà cá nhân được hưởng có thể sẽ lớn hơn rất nhiều con số một vài chục tỷ đồng.

Về lý, HĐQT có quyền quyết định xử lý cổ phiếu lẻ theo sự ủy quyền của ĐHCĐ và thực tế, các DN khi phát hành đều trao quyền này cho HĐQT. Nếu chênh lệch giữa thị giá và giá phát hành không quá lớn, hoặc khối lượng cổ phiếu lẻ dôi dư sau khi phát hành là nhỏ thì việc ủy quyền như vậy không gây băn khoăn cho cổ đông và nhà đầu tư.

Tuy nhiên, khi chênh lệch giữa giá chào bán và thị giá cổ phiếu quá lớn, người được mua cổ phiếu lẻ không bị ràng buộc về thời hạn nắm giữ, có thể được nhận một khoản lãi đáng kể thì việc chọn bán số cổ phiếu này cho ai, bán giá nào, rất cần sự cân nhắc của HĐQT để giữ sự hài hòa quyền lợi của DN và cổ đông. Theo nhiều ý kiến từ thị trường, HĐQT có thể cân nhắc chọn phương án đấu giá quyền mua cổ phiếu lẻ để đảm bảo quyền mua bình đẳng cho mọi nhà đầu tư và nguồn tiền thu về cho DN là lớn nhất. Một cách khác để xử lý cổ phiếu lẻ này là nên chọn bán cho Công đoàn DN để lợi nhuận thu được từ giao dịch loại này được sử dụng để hỗ trợ người lao động trong công ty.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ