Khuyến khích ĐTCK sẽ góp phần ổn định vĩ mô

(ĐTCK-online) TTCK phát triển sẽ khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, làm cho áp lực giá cả trên thị trường hàng tiêu dùng giảm xuống.

Ngày 1/3 vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó có nội dung yêu cầu các tổ chức tín dụng cần giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất, nhất là lĩnh vực BĐS, chứng khoán; đến thời điểm 31/12/2011, tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với tổng dư nợ tối đa là 16%.

Một gói giải pháp tài chính - tiền tệ quyết liệt, nhất quán để ổn định vĩ mô trong thời điểm hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, với nội dung ở trên, quan niệm về "sản xuất" và "phi sản xuất" cần được tiếp cận theo đúng bản chất của nó. Chúng ta biết rằng, Việt Nam đã chấp nhận quan niệm "sản xuất" mới theo Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA: The System of National Accounts) từ năm 1992. Theo đó, sản xuất bao gồm cả sản xuất vật chất và sản xuất phi vật chất, tức là tất cả các hoạt động tạo ra sản phẩm vật chất và dịch vụ. Do đó, các hoạt động kinh tế tạo ra dịch vụ như ngành chứng khoán (dịch vụ tài chính), ngành kinh doanh BĐS tạo ra dịch vụ giao dịch BĐS, ngành du lịch tạo ra dịch vụ du lịch, ngành quản lý nhà nước tạo ra dịch vụ quản lý nhà nước… đều tạo ra giá trị sản xuất và góp phần làm tăng GDP. Như vậy, BĐS và chứng khoán không phải là các hoạt động "phi sản xuất" để hệ thống ngân hàng điều chỉnh hoạt động cho vay.

Cũng cần hiểu thêm rằng, trong rổ chỉ số CPI hiện có nhiều nhóm dịch vụ được cho là "phi sản xuất". Và những ngành "phi sản xuất" theo quan niệm từ thời bao cấp nếu làm ăn hiệu quả thì cần khuyến khích và nên cho vay vốn, chứ không nên cắt giảm. Thực tế, ngành dịch vụ đang phát triển rất nhanh và ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong GDP. Ở nước Mỹ hiện nay, ngành dịch vụ đóng góp hơn 90% GDP và con số này ở Việt Nam là gần 50%.

Xin đề cập cụ thể đến một ngành là ngành chứng khoán. Không biết, có phải do quan niệm ngành chứng khoán không phải là ngành sản xuất mà có khá nhiều chính sách gây "thắt cổ chai" đối với hoạt động của ngành này?

Với chính sách tiền tệ, Chỉ thị 03  của NHNN trước đây đã khiến thị trường bị tổn thương trong một thời gian dài, bây giờ Chỉ thị 01 lại nói rõ, cần thắt chặt cho vay chứng khoán!

Trên thế giới, chính sách thuế với ngành chứng khoán được áp dụng rất linh hoạt để hỗ trợ thị trường. Như ở Mỹ, giai đoạn khủng hoảng như năm 2008, nước này đã miễn thuế chứng khoán. Còn ở ta vừa thu trùng (trùng giữa hai phương pháp, chứ không trùng giữa các đối tượng), vừa thu sai. Ví dụ theo phương pháp 1, thu 20% khoản lãi đầu tư là hợp lý. Nhưng nhà quản lý thuế không tạo điều kiện để thực thi phương pháp này (phương pháp đưa ra nhưng không thể thực thi), nên nhà đầu tư buộc phải dùng phương pháp thu khoán 0,1% giá trị bán và thực tế là hầu hết nhà đầu tư chứng khoán bị lỗ trong năm 2010 và mấy tháng đầu năm nay, nhưng đều phải đóng thuế. Một điều bất cập nữa là khi gửi tiết kiệm có lãi thì không bị đánh thuế, nhưng mua cổ phiếu có cổ tức lại bị thu thuế thu nhập cá nhân trên số cổ tức. Vậy đâu là chính sách khuyến khích TTCK?

Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên nhìn TTCK trên tổng thể nền kinh tế. Khi TTCK phát triển, đối tượng hưởng lợi nhiều nhất là Nhà nước với khoản thuế từ các đơn vị trong ngành chứng khoán; thu thuế nhà đầu tư; đặc biệt là thu chênh lệch giá khi cổ phần hoá. Chỉ cần thị trường ấm dần lên, tạo thuận lợi cho việc cổ phần hoá các DNNN như MobiPhone tới đây và các ngân hàng, tổng công ty trước đó, Nhà nước có thể thu về hàng ngàn tỷ đồng thặng dư vốn phát hành.

Chính vì vậy, có thể nói TTCK phát triển sẽ là tiền đề để thực hiện chính sách cổ phần hoá. Đồng thời, khi TTCK có thể khuyến khích người dân bỏ vốn thì đây sẽ là kênh huy động vốn rất hiệu quả cho đầu tư phát triển trên phương diện nhà nước cũng như DN mà ngành ngân hàng không thể đảm đương. Chỉ tính riêng năm 2010, kênh huy động vốn qua TTCK đã đưa về khoảng 117.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển.

Trong thời điểm áp lực lạm phát cao như hiện nay, TTCK phát triển sẽ khuyến khích nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư, làm cho áp lực giá cả trên thị trường hàng tiêu dùng giảm xuống, là yếu tố hút tiền (không khác gì các giải pháp rút tiền khỏi lưu thông của ngân hàng) và là giải pháp tốt giảm thiểu lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Thiết nghĩ, nước ta nên thành lập một ủy ban theo mô hình Ủy ban Giám quản của Trung Quốc để điều hành tổng thể hệ thống tài chính - ngân hàng - chứng khoán trong một thể thống nhất trên quyền lợi chung.

TS. Tôn Tích Quý
TS. Tôn Tích Quý

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ