Khớp lệnh liên tục: Bất cập từ hệ thống

Gần đây đã có nhiều phản ánh của nhà đầu tư (NĐT) về những bất cập liên quan đến phương thức giao dịch khớp lệnh liên tục tại sàn TPHCM.

Những vấn đề được  nêu lên là có nhất thiết phải thực hiện hai đợt khớp lệnh định kỳ trong khi sàn Hà Nội không thực hiện và việc lệnh mua của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) tự huỷ có thể sẽ làm méo mó diễn biến cung cầu thị trường.

 

Hiện nay quy trình chuyển từ khớp lệnh định kỳ sang liên tục gần như lập tức nên không có độ trễ để tính toán. Ngoài ra rủi ro hệ thống tính toán sai lệch hoặc chậm trễ làm ảnh hưởng tới toàn bộ phiên giao dịch là bài toán phải cân nhắc và yếu tố cẩn trọng, an toàn được đặt lên trên.

 

Theo phản ánh của NĐT, quy trình giao dịch hiện tại sẽ huỷ lệnh mua của NĐTNN nếu lệnh đó không được khớp hoặc chỉ khớp một phần trong khi lệnh bán vẫn được hiện lên trên hệ thống. Điều này có khả năng "bóp méo" cung cầu vì NĐT sẽ lầm tưởng lượng bán nhiều hơn lượng mua.

 

Thực tế HoSE và UBCKNN đều đã biết điều này, nhưng đây là lỗi kỹ thuật, chưa thể khắc phục ngay. HoSE hiện đang sử dụng hệ thống phần mềm của Thái Lan và được cấu hình lại để thực hiện cả chức năng khớp lệnh liên tục. Trong tương lai gần, HoSE sẽ chỉnh sửa hệ thống, tổ chức đấu thầu trang bị hệ thống kỹ thuật hiện đại, để NĐTNN và NĐTTN bình đẳng trong giao dịch.

 

Hiện tại, quy trình giao dịch của TTGDCK Hà Nội cho phép lệnh mua của NĐTNN được "treo" lại trong hệ thống. Theo ông Nguyễn Vũ Quang Trung, PGĐ TTGDCK Hà Nội (HaSTC), khi lệnh của NĐTNN được nạp vào hệ thống sẽ phải kiểm tra mức room trước và nếu hết room sẽ không được giao dịch nhưng vẫn được "chờ" vì có khả năng NĐTNN khác sẽ thực hiện bán ra. Đây là sự khác biệt về mặt kỹ thuật do hệ thống của trung tâm được xây dựng từ đầu với bài toán cho phép khả năng này xảy ra.

 

Theo một chuyên gia về TTCK, cách khớp lệnh liên tục của HoSE cũng không hoàn toàn giống với HaSTC ở thuật toán giao dịch. Giao dịch tại HoSE thực tế vẫn là khớp lệnh định kỳ nhưng khoảng thời gian rất ngắn, có thể tính bằng giây. Còn tại Hà Nội, lệnh nhập vào là được quét để so sánh với toàn bộ lệnh đối ứng sẵn có và khớp ngay nếu phù hợp.

 

Thực ra nhiều thị trường vẫn áp dụng cách của HoSE vì tiện lợi trong việc sử dụng lệnh thị trường (lệnh MP). Trong khi đó HaSTC rất khó sử dụng lệnh MP vì nếu hệ thống không đủ mạnh sẽ không xử lý được do khoảng giá phải so sánh quá lớn.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,204.97 -0.64 -0.05% 141,739 tỷ
HNX 227.57 -0.3 -0.13% 1,224 tỷ
UPCOM 88.33 -0.04 -0.04% 488 tỷ