Không ưu đãi thuế đối với trái phiếu chính phủ

(ĐTCK-online) Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã kiến nghị với Ban soạn thảo Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) miễn thuế đối với hoạt động chuyển nhượng và lợi tức trái phiếu chính phủ (TPCP). VAFI cho rằng, nếu không đánh thuế vào TPCP sẽ góp phần giảm lãi suất huy động vốn, tạo điều kiện để Chính phủ huy động vốn đầu tư cho các chương trình, dự án trọng điểm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã trao đổi với ĐTCK xung quanh nội dung này.
Ông Phùng Quốc Hiển. Ông Phùng Quốc Hiển.

Ông có thể cho biết quan điểm của Ủy ban Tài chính - Ngân sách về đề xuất của VAFI?

Về quan điểm chung, Ủy ban thống nhất với Ban soạn thảo là giảm thuế suất thuế TNDN trên diện rộng và hạn chế tới mức tối đa đối tượng được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế theo hướng thu hẹp đối tượng được miễn thuế, giảm thuế, hưởng thuế suất thuế TNDN ưu đãi (10% hoặc 20%). Ưu đãi thuế chỉ tập trung vào những lĩnh vực thực sự then chốt, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế quốc dân.

Chúng tôi không chỉ nhận được ý kiến đóng góp xây dựng Luật Thuế TNDN của VAFI, Hội nhà báo Việt Nam, mà còn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân, DN. Tất cả ý kiến đều tập trung vào nội dung đề nghị ưu đãi thuế cho ngành hàng, lĩnh vực nào đó. Chúng tôi đang cân nhắc, nghiên cứu quan điểm của VAFI, Hội nhà báo Việt Nam xung quanh đề nghị miễn, giảm thuế TNDN cho các cơ quan báo chí, hoạt động đầu tư vào TPCP của DN, tổ chức. Hầu hết ý kiến của các thành viên Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra Dự án Luật Thuế TNDN (Ủy ban Tài chính - Ngân sách) đều cho rằng, không nên miễn thuế cho hoạt động đầu tư vào TPCP.

 

Còn quan điểm của cá nhân ông thì sao?

Một số quan điểm cho rằng, không nên đánh thuế đối với hoạt động đầu tư vào TPCP, nếu có thì đánh ở mức thuế ưu đãi (10% hoặc 20%), bởi đầu tư vào TPCP có lợi nhuận thấp, các tổ chức tham gia mua TPCP là cho Chính phủ vay tiền để đầu tư vào các công trình, dự án lâu thu hồi vốn hoặc cho Chính phủ vay để bù đắp bội chi ngân sách… Nhưng tôi cho rằng, mọi hoạt động đầu tư phải bình đẳng, nếu đầu tư vào TPCP không có lợi nhuận hoặc lợi nhuận thấp hơn so với kênh đầu tư khác, chắc chắn NĐT không tham gia, song thực tế cho thấy, NĐT cả trong và ngoài nước rất tích cực tham gia đấu thầu TPCP.

 

Nhưng thưa ông, việc huy động vốn từ TPCP hiện đang gặp khó khăn?

Thị trường tiền tệ biến động mạnh nên việc có ít NĐT tham gia đấu thầu TPCP, nhiều phiên đấu thầu không thành công cũng là chuyện bình thường, không vì những diễn biến nhất thời của thị trường mà thay đổi cả bản chất của một sắc thuế. Tôi nghĩ rằng, nếu việc huy động TPCP trong quý I/2008 không đạt mục tiêu đã đề ra cũng là việc bình thường, vì đây là giai đoạn Chính phủ thắt chặt chi tiêu để kiềm chế lạm phát. Trong giai đoạn này, Chính phủ chỉ đầu tư vào các công trình trọng điểm, có hiệu quả, không huy động TPCP bằng mọi giá để đầu tư dàn trải.

 

Nếu đánh thuế đối với TPCP thì chẳng khác nào lấy tiền từ túi nọ bỏ sang túi kia, bởi Nhà nước thu thuế thì lại phải trả lãi suất cao hơn?

Có người lý luận, nếu không đánh thuế TNDN với TPCP thì Chính phủ chỉ phải trả lãi suất 8 - 9%/năm, còn nếu đánh thuế thì phải trả 10 - 11%/năm. Với ngân sách, việc đánh thuế không có tác dụng. Đối với hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, Nhà nước đánh thuế TNDN và giá trị gia tăng, nhưng người tiêu dùng lại là Nhà nước, nhiều người cho rằng, việc đánh thuế chẳng khác nào lấy tiền túi nọ bỏ sang túi kia, việc đánh thuế không làm tăng thu ngân sách. Lập luận này nghe ra có vẻ hợp lý, nhưng nghiên cứu kỹ thì thấy không hợp lý, vì nguyên tắc của thuế ngoài việc tạo nguồn thu cho ngân sách còn bảo đảm bình đẳng và tính liên hoàn của các sắc thuế. Theo nguyên tắc này, Chính phủ mặc dù là người tiêu dùng lớn nhất nhưng cũng phải bình đẳng như mọi đối tượng khác trong việc nộp thuế, dù phải xuất tiền ngân sách ra để nộp thuế.

 

Vậy tại sao Luật Thuế thu nhập cá nhân lại không thu thuế thu nhập đối với cá nhân đầu tư vào TPCP, thưa ông?

Thông lệ quốc tế thường không thu thuế thu nhập cá nhân đối với hoạt động đầu tư vào TPCP song lại thu thuế TNDN đối với DN, tổ chức. Hội nhập kinh tế, một trong những yêu cầu đặt ra là xây dựng các sắc thuế của Việt Nam phải tương đồng với thông lệ quốc tế. Hơn nữa, do việc huy động TPCP thông qua bán lẻ tại hệ thống Kho bạc Nhà nước hiệu quả thấp, chi phí lớn nên Bộ Tài chính đã và sẽ chủ trương không huy động TPCP thông qua kênh bán lẻ, tức là cá nhân không có cơ hội đầu tư vào TPCP.

 

Hiện tại, đầu tư vào TPCP phải chịu thuế TNDN 10%. Với mức thuế suất này, Bộ Tài chính đang phải huy động TPCP với lãi suất 8,5%, nếu nâng thuế suất lên 25% thì lãi suất huy động sẽ được đẩy lên trên 10%. Điều này sẽ không tạo điều kiện để TPCP là công cụ điều tiết thị trường?

TPCP là khoản vay của Nhà nước để bù đắp bội chi, đầu tư vào chương trình, dự án quan trọng, nếu phải trả lãi suất cao sẽ góp phần hạn chế đầu tư dàn trải, đầu tư kém hiệu quả, tạo áp lực để Chính phủ giảm bội chi ngân sách. Trong cơ chế thị trường thì lãi suất TPCP cũng phải vận hành theo lãi suất thị trường, nếu không đánh thuế thì lãi suất trái phiếu không phản ánh lãi suất thị trường. Theo tôi, việc đánh thuế với TPCP là hợp lý bởi những lý do như tôi đã nói, nhưng quan trọng nhất, Chính phủ - người tiêu dùng lớn nhất đồng thời là NĐT lớn nhất cũng phải bình đẳng với mọi thành phần kinh tế.

Mạnh Bôn thực hiện.
Mạnh Bôn thực hiện.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.02 -6.16 -0.48% 108,400 tỷ
HNX 243.11 -0.8 -0.33% 977 tỷ
UPCOM 91.55 0.07 0.07% 353 tỷ