Không lo thị trường chứng khoán “mất lái”

(ĐTCK) Lãi suất trái phiếu chính phủ xuống thấp (trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất về 3% - PV), có phải là chỉ báo cho việc TTCK có dấu hiệu bong bóng? 
Không lo thị trường chứng khoán “mất lái”

Câu hỏi này được nêu lên trong một diễn đàn dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp và trở thành vấn đề thời sự trong bối cảnh chỉ số chứng khoán Việt Nam đang chịu sự điều chỉnh mạnh sau khi đạt đỉnh mới 1.200 điểm mới đây.

Ông Ngô Thế Triệu, Giám đốc Ðầu tư Công ty Quản lý quỹ Eastpring Investments - Công ty đang quản lý 2,8 tỷ USD tài sản tại Việt Nam cho rằng, lãi suất trái phiếu Việt Nam giảm thấp không phải là dấu hiệu bất thường nếu nhìn trong chu kỳ dài hạn.

Tại nhiều thị trường quốc tế, lãi suất trái phiếu chính phủ đã sụt giảm mạnh kể từ năm 2008 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng phản ứng của Việt Nam trong câu chuyện này lại khá chậm.

Theo quan sát của ông Triệu, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam bắt đầu giảm từ năm 2011 và đến nay, trái phiếu kỳ hạn 10 năm có lãi suất 4,3-4,5%/năm. Mức lãi suất này vẫn cao hơn lạm phát năm gần nhất (năm 2017 là 3,6%). Ðiều đáng lo, theo ông Triệu, là trong tương lai, lạm phát có tăng không?

“Theo tôi, trong vòng 3-5 năm tới, lạm phát tại Viêt Nam sẽ dao động từ 3-5%/năm và khó có thể tăng đột biến. Ở mức lạm phát này, nếu Chính phủ duy trì được giá trị tiền đồng thì cơ hội đầu tư vào Việt Nam vẫn rất lớn, môi trường đầu tư vào Việt Nam đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, ông Triệu nói.

Cũng quản lý khối tài sản hàng tỷ USD, bà Lê Lệ Hằng, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Sài Gòn (SSIAM) cho rằng, TTCK Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng, nhưng có nhiều điểm cần phải cải thiện.

Ðể đánh giá mức độ đắt, rẻ của chứng khoán Việt Nam, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp niêm yết cần thực thi chung quy chuẩn kế toán, kiểm toán quốc tế. Khi chưa cùng một quy chuẩn kế toán, kiểm toán, thì việc đánh giá và so sánh TTCK Việt Nam trong tương quan với quốc tế chỉ có giá trị tham khảo.

Theo bà Hằng, nhà đầu tư nước ngoài đang có nhiều sự quan tâm tới TTCK Việt Nam, vì thế, các doạn nghiệp rất cần thực thi việc công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh. Hiện tại, TTCK có khoảng 1.500 doanh nghiệp trên sàn, nhưng số doanh nghiệp công bố thông tin bằng tiếng Anh chỉ vài chục. Ðây là điểm yếu cần khắc phục để tạo sự bình đẳng trong tiếp nhận thông tin cho nhà đầu tư.

Thật khó để trả lời trọn vẹn câu hỏi có hay không dấu hiệu bong bóng, nhưng trong góc nhìn dài hạn, ông Dominic Scriven - Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital - đơn vị đang quản lý 2 tỷ USD tài sản cho rằng, TTCK luôn có nhiều cơ hội và chính ông, khi nhìn lại hơn 20 năm đầu tư tại Việt Nam, cũng nhận thấy không có gì đáng tiếc.

“Bỏ 1 USD đầu tư vào năm 1995, đến nay, chúng tôi thu về được 8,5 USD. Như vậy, mức lãi suất bình quân tại TTCK Việt Nam là 12-13%/năm. Ðây là kết quả phản ánh đúng cơ hội và rủi ro khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Dominic Scriven nói.

Sau khi đạt 1.200 điểm, VN-Index đang chịu sự điều chỉnh mạnh, có phiên mất liền 40-45 điểm khiến tâm lý nhà đầu tư cá nhân rất dao động. Tuy nhiên, nhà đầu tư chuyên nghiệp lại nhìn thị trường bằng cái nhìn dài hạn và khi các nhà quản lý hàng tỷ USD đứng vững thì nỗi lo TTCK “mất lái” là khó có thể xảy ra.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ