Khống chế dư nợ cho vay cầm cố: Thị trường CK sẽ bị tác động

Ngày 28.5, NHNN đã ban hành Chỉ thị số 03 nhằm kiểm soát chặt hoạt động cho vay đầu tư, kinh doanh CK với nội dung quan trọng là hạn mức cho vay đầu tư CK của các NH không được quá 3% trên tổng dư nợ. Nếu chỉ thị này được áp dụng ngay, hoạt động vay cầm cố chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và nguồn tiền đổ vào TTCK sẽ giảm.
Khống chế dư nợ cho vay cầm cố: Thị trường CK sẽ bị tác động

Cho vay cầm cố "lên đời"

Mặc dù đã được hình thành và phát triển cách đây 7 năm, nhưng nghiệp vụ cho vay cầm cố CP của các NH mới thực sự phát triển trong 2 năm trở lại đây. Nhu cầu vay vốn mua CK của NĐT luôn tăng cao vào những thời điểm thị trường tăng nóng. Đặc biệt, trong thời gian ngắn trở lại đây, doanh số cho vay cầm cố CP tại các NH liên tục tăng trưởng mạnh. Chẳng hạn như NHTMCP Á Châu (ACB) trong quý I/2007 đã tăng 30% so với quý IV/2006.

Theo ông  Bùi Tấn Tài - Phó TGĐ, kiêm GĐ khối khách hàng cá nhân ACB - hạn mức vốn cho vay cầm cố CK của ACB đến thời điểm này đã đạt trên dưới 90%. Ông Tài cho biết, mặc dù thời gian gần đây thị trường CP có sự sụt giảm, nhưng lượng khách hàng đến ACB cầm cố vay tiền mua thêm vẫn không giảm.

Một số NH cổ phần khác mặc dù không cho biết chính xác về tổng số dư nợ cho vay cầm cố, nhưng trên thực tế đến thời điểm này cũng đã gần chạm mốc cho phép. Điều này cho thấy, vay cầm cố chính là mảng tín dụng đầy tiềm năng vẫn chưa được khai thác hết và TTCK phát triển là cơ hội tốt để mảng dịch vụ này phát triển.

Tuy nhiên, do đây là loại hình tính dụng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên NHNN luôn lên tiếng cảnh báo các NH phải hết sức thận trọng khi thực hiện nghiệp vụ trên. Theo NHNN, những tháng đầu năm 2007, vốn tín dụng có xu hướng tăng trưởng ở mức cao hơn so với cùng kỳ các năm trước và mục tiêu cả năm, có thể ảnh hưởng không thuận lợi đối với kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, cho vay để đầu tư, kinh doanh CK có nguy cơ rủi ro do TTCK đang điều chỉnh.

Trong khi đó, việc thu thập thông tin từ thị trường để đánh giá, quản trị rủi ro vẫn còn bất cập nên cần thiết phải  khống chế dư nợ vốn cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư, kinh doanh CK ở mức dưới 3% tổng dư nợ tín dụng của NH.

Gấp quá!

Sau khi chỉ thị được ban hành, nhiều NH đã lên tiếng phản đối và tỏ ra bức xúc. Theo lý giải của các NH, vay cầm cố CK cũng là một trong những nghiệp vụ tín dụng cho vay. Nếu NH có sự kiểm soát chặt chẽ về tài sản đảm bảo, mục đích sử dụng vốn và khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ thì không lý do gì phải hạn chế.

Trên thực tế, trong thời gian qua nghiệp vụ cho vay cầm cố đã phát triển một cách an toàn. Các NH thực hiện nghiệp vụ cho vay cầm cố vẫn đảm bảo được rủi ro vì hạn mức cho vay tối đa cũng chỉ đạt 50% thị giá CP đang giao dịch trên thị trường tại thời điểm vay.

TGĐ một NHTMCP tại TPHCM cho biết, ông  rất đồng tình với quan điểm của NHNN là phải kiểm soát chặt chẻ rủi ro trong cho vay cầm cố CK. Tuy nhiên, nếu bị khống chế ở mức 3% trên tổng dư nợ và buộc phải thực hiện sau 15 ngày kể từ khi chỉ thị có hiệu lực thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến TTCK.

Nguyên nhân là hiện một số NH có doanh số cho vay cầm cố nhiều chắc chắn đã chạm mức 3% trên tổng dư nợ. Chính vì vậy, NH sẽ phải nhanh chóng thu hồi nợ của NĐT để tránh vượt quá mức dư nợ theo quy định. NĐT phải nhanh chóng bán CP để trả nợ NH và điều này sẽ ảnh hưởng đến luồng tiền của NĐT chuyển vào TTCK.

"Về mặt lâu dài thì chỉ thị trên có thể là quy trình đúng nhưng nếu áp dụng ngay thì quả thực rất khó khăn cho cả NH, NĐT và TTCK. Vì vậy, theo tôi để giám sát và kiểm soát được luồng tiền cho vay cầm cố cần phải có lộ trình, không thể thực hiện trong ngày một ngày hai" - vị TGĐ trên nhấn mạnh.

Ông Huỳnh Anh Tuấn - Trưởng phòng môi giới CTCK ACBS - cũng cho hay, nếu thực sự dư nợ tín dụng của các NH đã gần chạm ngưỡng 3% trên tổng dư nợ thì sẽ rất khó khăn cho TTCK, bởi luồng tiền của NĐT "đỗ" vào thị trường sẽ bị hạn chế.

Trước đây, lượng tiền vào thị trường còn hạn chế nhưng sau khi được các NH tiếp sức thông qua nghiệp vụ cho vay cầm cố đã ngày một tăng thêm.

Theo ông Tuấn, trong thời gian tới, lượng cung CK sẽ tăng mạnh và chủ yếu là những loại hàng hóa chất lượng cao và nhiều đợt IPO lớn cũng được thực hiện. Để có được những loại hàng hóa tốt, NĐT phải có sự chuẩn bị số vốn lớn. Như vậy, nếu hạn chế luồng tiền của NĐT theo hình thức trên e rằng cầu sẽ khó đáp ứng được cung dẫn đến thị trường sẽ mất tính ổn định và nhiều khả năng sẽ điều chỉnh.


Lao Động

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ