Khoảng trống dịch vụ chứng khoán

(ĐTCK-online) Từ cuối năm 2006, việc ra đời các CTCK mới đã làm cho nhiều người liên tưởng: thành lập CTCK giống như tìm ra được mỏ vàng. Tuy nhiên, việc TTCK đi xuống đã làm cho hiệu quả hoạt động của các CTCK có sự phân biệt rõ ràng. Nếu CTCK không tự đưa cho mình một cách tiếp cận thị trường cũng như việc tác động đến hành vi "tiêu dùng" dịch vụ của nhà đầu tư thì việc duy trì và tăng trưởng doanh thu sẽ khó lòng đạt được so với mục tiêu đã đề ra.
Nếu không có chiến lược hoạt động cũng như quản trị tốt, khó khăn trong duy trì nguồn thu của các CTCK là khó tránh khỏi. Nếu không có chiến lược hoạt động cũng như quản trị tốt, khó khăn trong duy trì nguồn thu của các CTCK là khó tránh khỏi.

Với các CTCK, khoản thu nhập đầu tiên mà ai cũng thấy là phí giao dịch của khách hàng. Tính trung bình mỗi ngày, cả hai sàn giao dịch Hà Nội và TP. HCM có tổng giá trị giao dịch đạt gần 1.000 tỷ đồng, tương ứng với mức phí giao dịch vào khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Như vậy, khi lượng CTCK tăng lên, thu nhập từ thu phí giao dịch của mỗi công ty sẽ vì thế mà giảm đi. Bên cạnh đó, khoản thu không kém phần quan trọng đã làm cho lợi nhuận của các CTCK tăng lên đột biến, đó chính là khoản thu tự doanh. Tuy nhiên, trên thực tế, phần thu quan trọng này khó được đảm bảo chắc chắn. Hoạt động tư vấn tài chính, bảo lãnh phát hành… cũng mang lại nguồn thu tương đối cao, nhưng chỉ có CTCK "gạo cội" trên thị trường mới có thể kiếm lời được. Một nhân tố không nhỏ ảnh hưởng đến hai nguồn thu sau chính là uy tín công ty và trình độ nhân sự. Với sự khan hiếm về nhân sự chất lượng cao trong lĩnh vực còn khá mới mẻ này, cuộc chiến tìm kiếm và giữ chân người tài của các CTCK hơn lúc nào hết trở nên khó khăn và khốc liệt hơn. Chính vì vậy, nếu không có chiến lược hoạt động cũng như quản trị tốt, khó khăn trong duy trì nguồn thu của các CTCK là khó tránh khỏi.

Với quy mô thị trường hẹp, khối lượng CTCK mới thành lập tăng nhanh hơn quy mô thị trường như hiện nay, sự cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ sẽ ngày càng trở nên gay gắt hơn nếu chỉ thu hẹp trong phạm vi cung cấp dịch vụ giao dịch. Điều này trở nên đặc biệt quan trọng với các CTCK mới thành lập. Như nhận định của ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty Chứng khoán Sài Gòn, trong thời gian tới, TTCK sẽ chứng kiến sự thua lỗ của nhiều CTCK mới. Nhận xét này là hoàn toàn có cơ sở vì khả năng thu hút nhà đầu tư mở tài khoản cũng như cung cấp các dịch vụ khác như tư vấn phát hành, tư vấn tài chính… của các công ty này là rất khó khăn, do chưa có uy tín. Theo xu hướng trên thế giới, thu nhập từ việc bảo lãnh phát hành và cung cấp thông tin sẽ dần chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập từ cung cấp dịch vụ của CTCK.

Mảng cung cấp thông tin và phân tích chuyên sâu hiện có thể coi là bỏ ngỏ vì khâu triển khai không mấy tốt, thông tin bị đánh giá là chưa chính xác và cập nhật. Nếu triển khai tốt, đây sẽ là nguồn thu khổng lồ cho các CTCK. Hầu như thông tin nhà đầu tư nhận được chủ yếu là thông tin sơ cấp từ nhiều nguồn khác nhau, chủ yếu là miễn phí như: trang web của UBCKNN, các CTCK, các phương tiện truyền thông khác. Các dịch vụ cung cấp thông tin có tính phí cũng đã phát triển nhưng chưa ở mức độ cao và không mấy phổ biến. Tuần trước, Vietstock đã đưa ra thông tin về phần mềm Meta Stock version 9.0 nhằm cung cấp thông tin cập nhật sử dụng trong việc tính lỗ - lãi, hỗ trợ ra quyết định. Đây là một dịch vụ mới hầu như chưa có đối thủ cạnh tranh và hứa hẹn mang lại mức lời lớn, dù mức phí chỉ 80.000 đồng/tháng.

Một cách khác để tăng doanh thu cho các CTCK là mở rộng hoạt động kinh doanh giải trí và dịch vụ đi kèm. Điển hình, có thể kể đến là CTCK Tân Việt. Tọa lạc ở một vị trí đắc địa, có tầm nhìn đẹp hướng ra Hồ Tây, cộng với cách bài trí khoa học phục vụ cho nhà đầu tư, Tân Việt còn thêm một lợi thế nhờ quán cà phê chứng khoán. Và dù trong điều kiện thị trường có ảm đạm với lượng giao dịch kém thì Công ty cũng đảm bảo có thêm nguồn thu tương đối ổn định từ quán cà phê này. Tuy nhiên, cách thức kinh doanh như của Tân Việt tính đến thời điểm này vẫn chưa phổ biến. Bên cạnh đó, việc kinh doanh diễn biến chỉ số chứng khoán cũng là một cách chơi khá phổ biến ở các TTCK đã phát triển trên thế giới, tuy nhiên, đến thời điểm này, dịch vụ trên vẫn chưa được triển khai ở Việt Nam.

Tăng giá trị gia tăng cho khách hàng của các CTCK còn thể hiện ở việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ tiện ích như: giao dịch qua mạng, giao dịch qua điện thoại, kiểm tra tài khoản online… giúp cho khách hàng chủ động hơn trong mọi tình huống. Và gia tăng dịch vụ cho khách hàng nhằm tăng lợi thế cạnh tranh của một số CTCK chính là việc áp dụng cung cấp miễn phí cho từng đối tượng khách hàng.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ về những khoảng trống trong cung cấp dịch vụ trên TTCK. Ngoại trừ hoạt động tự doanh, nếu CTCK chỉ trông chờ chủ yếu vào thu phí giao dịch mà không chú trọng đến các dịch vụ hỗ trợ thì nguy cơ bị cạnh tranh gay gắt và giảm hiệu quả kinh doanh là khó tránh khỏi. TTCK dù đã hoạt động được gần 7 năm nhưng chỉ thực sự phát triển từ hơn một năm qua và vì vậy sẽ còn rất nhiều cơ hội cho CTCK bổ sung các dịch vụ mới. Thành công không đồng nghĩa với sự theo sau ổn định, mà quan trọng là phải biết phát hiện và khơi dậy nhu cầu mới còn tiềm ẩn của thị trường.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ