Khan hiếm tiền lẻ, người tiêu dùng hứng chịu

Vào thời điểm cận và sau Tết Nguyên đán, người tiêu dùng đã rơi vào tình trạng khủng hoảng khan hiếm tiền lẻ. Ngay cả các siêu thị cũng dùng kẹo caosu trả lại khách hàng để thay thế tiền lẻ. Còn tại các chợ thì người tiêu dùng đã bị "đội" giá bởi không có tiền trả lại nên người bán tính chẵn tiền.
Dịch vụ đổi tiền mới, lẻ đang hút khách thời điểm hiện nay Dịch vụ đổi tiền mới, lẻ đang hút khách thời điểm hiện nay

 

Kể từ ngày các cơ quan thực hiện việc trả lương qua thẻ ATM thì tình trạng khan hiếm tiền lẻ đã bắt đầu xuất hiện. Theo chị Vũ Bích Ngà - cán bộ Bộ NNPTNT cho biết, mệnh giá thấp nhất mà chị rút tiền qua thẻ ATM của Ngân hàng Ngoại thương VN là 50.000 đồng, nhưng để rút được tiền mệnh giá này là cực kỳ hiếm hoi.

 

Theo phản ánh của bạn đọc thì việc trả tiền qua thẻ ATM thực sự gây ra sự khan hiếm tiền lẻ. Tại địa bàn Hà Nội thì Ngân hàng Ngoại thương VN cũng chỉ có 4 máy được lắp đặt trên đường Trần Quang Khải là được rút tiền mệnh giá thấp (20.000 - 10.000 đồng). Chính vì vậy, khách hàng khi rút tiền đều phải chấp nhận rút riền mệnh giá từ 50.000 đồng trở lên.

 

Bà Nguyễn Thị Bình (phường Phương Liệt, Đống Đa, Hà Nội) bức xúc: Thời gian gần đây, khi đi chợ tôi thấy có điều không bình thường khi những người bán hàng toàn tính chẵn tiền hàng. Hoá ra do khan hiếm tiền lẻ, không có tiền trả lại khách hàng tiền lẻ như 1.000 đồng; 2.000 đồng... thế là họ tính chẵn luôn cho tiện cả đôi bên (!).

 

Chị Mai Hà bày tỏ: Tôi hết sức bực mình, ngay cả hệ thống siêu thị cũng rơi vào tình trạng khan hiếm tiền lẻ, luôn bắt khách hàng phải nhận kẹo thay thế tiền lẻ. Đây là hành vi ép khách hàng, nhưng chẳng lẽ vì đôi ba ngàn mà to tiếng là điều không ai muốn , nhưng rõ ràng khách hàng phải chuốc sự bực mình.

 

Do khan hiếm tiền lẻ, thị trường đổi tiền lẻ lại diễn ra khá sôi động, người dân đành phải chấp nhận để có tiền lẻ phải mất một số tiền chênh lệch. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khi ngân hàng cũng kêu hiếm tiền lẻ thì thị trường tự do lại khá dồi dào tiền lẻ, điều đáng nói là tiền lẻ từng xấp nguyên xêri.

 

Bà Phạm Thị Thái cho rằng có hiện tượng tiếp tay của cán bộ ngân hàng thì thị trường đổi tiền tự do mới sôi động như vậy. Cầm xấp tiền mệnh giá 10.000 đồng mới cứng thì tôi biết ngay nó từ đâu ra, trong khi tôi trực tiếp vào điểm giao dịch của Ngân hàng Công thương Việt Nam nằm trên đường Hàng Bồ (Hà Nội) xin được đổi tiền lẻ thì cán bộ ở điểm giao dịch này cho biết hiện không còn tiền lẻ. Người đổi tiền tự do tiết lộ rằng không có "đây" thì còn lâu bà mới đổi được tiền lẻ từ ngân hàng.

 

Điều đáng nói là chất lượng tiền xu quá kém, nhiều đồng xu mệnh giá 5.000 đồng; 2.000 đồng và 1.000 đồng đã hoen mờ và chỉ được nhận dạng qua kích thước, nhiều người bán hàng đã từ chối nhận tiền xu bị hoen ố khiến người mua "dở khóc dở cười" khi đang phải sở hữu những đồng tiền mà không thể tiêu được.

 

Theo tiết lộ của một cán bộ ngân hàng, trong thời gian qua, tiền có mệnh giá lớn từ 50.000 đồng trở lên được phát hành nhiều, trong khi tiền có mệnh giá nhỏ dường như rất hiếm. Được biết, Ngân hàng Nhà nước có chủ trương không phát hành tiền xu mà trở lại phát hành tiền giấy thay thế. Như vậy, những đồng tiền xu chất lượng kém, bị hoen ố thì người dân muốn đổi thì được đổi ở đâu, có mất phí không? Việc đổi tiền lẻ cho khách hàng tại các điểm giao dịch cũng cần phổ biến rộng rãi để tránh tình trạng khan hiếm tiền lẻ như hiện nay.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,176.77 -16.24 -1.38% 164,369 tỷ
HNX 221.25 -4.94 -2.23% 1,894 tỷ
UPCOM 87.27 -0.88 -1.01% 539 tỷ