JVC: Sóng gió chưa qua

(ĐTCK) Thị trường chưa hết xôn xao khi đầu tháng 8/2018, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an triệu tập 12 lãnh đạo Công ty cổ phần Thiết bị Việt Nhật (JVC) để phục vụ công tác điều tra, liên quan đến đơn tố cáo của Công ty cổ phần Thiết bị y tế Triết Tôn Tiên (Triết Tôn Tiên).
JVC: Sóng gió chưa qua

Nội dung tố cáo và phản hồi của JVC

Theo đơn tố cáo của Triết Tôn Tiên, JVC bán cho Triết Tôn Tiên một số máy móc, thiết bị với tổng giá trị gần 120 tỷ đồng. Triết Tôn Tiên đã chuyển khoản khoảng 50% và xuất hóa đơn cho JVC trong giai đoạn 2013 - 2015, nhưng không nhận được hàng.

Số hàng không giao đã được JVC cho một số bệnh viện, phòng khám thuê lại. Bởi lẽ, số seri máy móc, thiết bị những nơi này đang sử dụng có cùng số seri với sản phẩm mà JVC ký hợp đồng bán cho Triết Tôn Tiên.

Đáp lại lời tố cáo, phía JVC cho biết, thứ nhất, sau khi nhận được công văn của Cơ quan An ninh điều tra, Công ty đã tiến hành rà soát các giao dịch giữa JVC và Triết Tôn Tiên, JVC nhận thấy có rất nhiều khoản chuyển tiền qua lại giữa hai bên.

Trong các giao dịch giữa 2 công ty có Hợp đồng số 0112201206 và Hợp đồng số 200601 do ông Lê Văn Hướng (Giám đốc JVC) và bà Đặng Thập Nương (Giám đốc Triết Tôn Tiên - mẹ vợ ông Hướng) ký vào tháng 12/2012 và tháng 6/2014, với tổng giá trị 2 hợp đồng là 136,09 tỷ đồng.

Theo đó, JVC bán cho Triết Tôn Tiên các thiết bị gồm máy cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp, máy siêu âm, máy X-quang.

Tuy nhiên, JVC không thấy có các chứng từ chuyển tiền của Triết Tôn Tiên để thực hiện hợp đồng, mà chỉ có các chứng từ Triết Tôn Tiên thanh toán công nợ cho JVC và cho đến nay, việc thanh toán công nợ của Triết Tôn Tiên cho JVC vẫn chưa đủ.

Công nợ tại thời điểm tháng 4/2015 là 125 tỷ đồng (đã được Triết Tôn Tiên xác nhận). JVC liên tục có yêu cầu Triết Tôn Tiên trả nợ, nhưng công ty này không thực hiện nghĩa vụ.

Thứ hai, JVC thực hiện bán, hoặc sử dụng các tài sản của JVC là đúng quy định pháp luật. JVC có đầy đủ hồ sở pháp lý để chứng minh các tài sản này là sở hữu hợp pháp của Công ty và việc sử dụng tài sản là toàn quyền do JVC quyết định. Các khách hàng của JVC ký kết hợp đồng sử dụng tài sản với JVC có thể yên tâm khai thác theo quy định pháp luật.

Thứ ba, các cáo buộc của Triết Tôn Tiên đối với các lãnh đạo JVC là sai sự thật, vì tại thời điểm năm 2015, các cá nhân đó chưa làm việc tại Công ty, không biết và không ký kết bất kỳ hợp đồng nào với Triết Tôn Tiên. Các hợp đồng giữa hai bên đều do Ban giám đốc cũ của JVC, người đại diện theo pháp luật là ông Lê Văn Hướng, ký kết và thực hiện tại thời điểm đó. 

Biến cố năm 2015

Năm 2015, giá cổ phiếu JVC bất ngờ lao dốc không phanh, từ trên 20.000 đồng/cổ phiếu xuống dưới 5.000 đồng/CP (hiện tại có giá hơn 3.000 đồng/CP).

Nguyên nhân dần hé lộ khi ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc JVC giai đoạn đó bị Cơ quan điều tra bắt giam với tội danh lừa dối khách hàng. Biến cố này đẩy JVC vào khủng hoảng, bởi uy tín doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, Công ty công bố khoản lỗ lên đến nghìn tỷ đồng trong năm 2015.

Tại thời điểm 1/4/2015, báo cáo tài chính của JVC ghi nhận một khoản tiền mặt gần 500 tỷ đồng và tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng trị giá hơn 285 tỷ đồng, nhưng trong báo cáo tài chính sau đó, các khoản này “biến mất”.

Khoản lớn nhất lên đến 403 tỷ đồng chính là tiền ứng trước, tiền bảo lãnh và thanh toán hộ cho Triết Tôn Tiên (315 tỷ đồng) và Công ty TNHH Thương mại Hướng Đông (88 tỷ đồng).

Đây đều là những công ty liên quan đến các thành viên của Ban giám đốc JVC cũ hoặc thành viên mật thiết trong gia đình họ. Hai khoản bảo lãnh này đều chưa được Đại hội đồng cổ đông phê duyệt và đã phải trích lập dự phòng 100%.

Trên báo cáo tài chính của JVC hiện tại, Công ty có khoản phải thu từ Triết Tôn Tiên tổng giá trị hơn 343 tỷ đồng và được liệt vào danh sách nợ xấu, giá trị có thể thu hồi bằng 0 và thời gian quá hạn không xác định được. 

Kỳ vọng thông tin từ cuộc họp ngày 27/9 tới

Vấn đề khá “lạ” là một thời gian rất lâu sau khi ký kết hợp đồng, đến nay Triết Tôn Tiên mới lên tiếng tố cáo JVC.

Trong khi đó, người gây ra sóng gió cho JVC trong quá khứ - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Văn Hướng đang bắt đầu “cuộc chơi” mới, với việc tham gia vào 2 doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế tương tự JVC.

Đáng chú ý là thương vụ của gia đình ông Hướng vào Công ty cổ phần Sản xuất Kinh doanh dược và trang thiết bị y tế Việt Mỹ (AMV), hiện bà Đặng Nhị Nương là Chủ tịch Hội đồng quản trị AMV và ông Lê Văn Hướng đang làm tư vấn chiến lược tại công ty này.

Ngày 27/9/2018, JVC sẽ tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Nhiều cổ đông JVC kỳ vọng sẽ nhận được thông tin rõ ràng hơn về tranh chấp với Triết Tôn Tiên cũng như kế hoạch hoạt động trong cuộc họp tới, nhất là khi Công ty vừa có sự thay đổi nhân sự cấp cao: ông Nguyễn Thế Hướng thay thế ông Phạm Quang Huy làm Chủ tịch Hội đồng quản trị; bà Vũ Thị Thúy Hằng thay thế ông Ngô Thanh Sơn làm Tổng giám đốc.

Khá lạ nữa là vụ JVC với lình xình liên quan đến ông Lê Văn Hướng (ông này đã bị Cơ quan An ninh điều tra khởi tố, bắt tạm giam, sau đó được tại ngoại) cho đến nay không được cập nhật công bố thông tin gì tới nhà đầu tư.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ