Hướng doanh nghiệp đến nấc thang quản trị cao hơn

(ĐTCK) 237 doanh nghiệp quy mô lớn trên sàn UPCoM đã được chấm điểm công bố thông tin và minh bạch 2019. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội (HNX) cho biết, số lượng doanh nghiệp chấm nhiều hơn, trong đó có nhiều doanh nghiệp mới lên sàn, nhưng điểm đáng mừng là điểm trung bình năm nay cao hơn năm 2018. 
Năm 2019 là năm thứ hai, HNX thực hiện chương trình chấm điểm trên UPCoM. HNX giữ nguyên các tiêu chí chấm như năm 2018 (gồm 65 tiêu chí) để có căn cứ đánh giá sự tiến bộ của doanh nghiệp. Năm 2019 là năm thứ hai, HNX thực hiện chương trình chấm điểm trên UPCoM. HNX giữ nguyên các tiêu chí chấm như năm 2018 (gồm 65 tiêu chí) để có căn cứ đánh giá sự tiến bộ của doanh nghiệp.

Chọn ra 10 doanh nghiệp để vinh danh trong tổng số 237 doanh nghiệp được chấm điểm năm nay trên sàn UPCoM, xin ông chia sẻ cụ thể cách chấm điểm và chọn lựa doanh nghiệp? Tại sao chương trình chấm chỉ dành cho doanh nghiệp trên UPCoM, mà không dành cho doanh nghiệp trên toàn HNX, thưa ông?

Tại HNX, từ năm 2012, chúng tôi đã dành nhiều nỗ lực đưa câu chuyện quản trị công ty đến các doanh nghiệp trên sàn.

Theo đó, chương trình chấm điểm đã được thực hiện liên tục cho các doanh nghiệp niêm yết trên HNX từ năm 2012 đến năm 2017, trước khi 2 Sở giao dịch thống nhất việc sử dụng phương pháp chấm điểm này áp dụng cho các doanh nghiệp niêm yết trên cả 2 Sở.

Từ năm 2018, tất cả các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam được chấm điểm chung trong khuôn khổ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết hàng năm, vì thế, HNX quyết định thực hiện chương trình chấm điểm công bố thông tin và minh bạch trên sàn UPCoM. Bước đầu là áp dụng với các doanh nghiệp quy mô lớn (vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng trở lên) và áp dụng bộ tiêu chí đánh giá nhiều hơn về tính tuân thủ. 

Năm 2019 là năm thứ hai, HNX thực hiện chương trình chấm điểm trên UPCoM. Chúng tôi giữ nguyên các tiêu chí chấm như năm 2018 (gồm 65 tiêu chí) để có căn cứ đánh giá sự tiến bộ của doanh nghiệp.

Cách làm của HNX cũng được thực hiện như năm 2018, đó là đánh giá doanh nghiệp được thực hiện bởi Trường đại học Kinh tế Quốc dân, là đơn vị đánh giá độc lập đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đánh giá các chương trình quản trị công ty. Nguồn dữ liệu được công bố công khai bởi doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nếu các dữ liệu không thể thu thập được từ các nguồn được công bố công khai kể trên, thì tiêu chí này được coi như “không có” hoặc “không thực hiện” và sẽ được tính là 0 điểm. Vì thế, kết quả chấm điểm là hoàn toàn khách quan, minh bạch, bản thân doanh nghiệp cũng có thể tự chấm điểm cho mình, nếu soi vào bộ 65 tiêu chí mà HNX xây dựng.

Về tổng thể, kết quả đánh giá của năm 2019 có những điểm gì đáng chú ý?

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Sở GDCK Hà Nội.

Ðiểm đáng mừng là điểm trung bình của các doanh nghiệp năm 2019 đạt 61,40% điểm, cao hơn mức 59,75% của năm 2018.

Trong số này có 126/237 doanh nghiệp có điểm cao hơn mức trung bình. Các doanh nghiệp thuộc rổ UPCoM Large có điểm trung bình cao hơn, đạt 61,48% điểm, trong khi các doanh nghiệp không thuộc rổ đạt 61,42% điểm.

Các doanh nghiệp tập trung nhiều hơn vào thực hiện các tiêu chí tuân thủ với tỷ lệ đạt điểm dành cho các tiêu chí tuân thủ là 61,61% (năm 2018 là 59,99%).

Trong khi đó, việc thực thi các tiêu chí mang tính thông lệ tuy đã có cải thiện, nhưng vẫn còn thấp, chỉ đạt 40,72% (năm 2018 đạt 39,75%).

Kết quả chấm cũng cho thấy, các doanh nghiệp có tỷ lệ nắm giữ của Nhà nước cao có xu hướng thực hiện công bố thông tin tốt hơn.

Ðiểm chấm của doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực với kết quả kinh doanh được đo bằng ROE và ROA, đánh giá của thị trường đối với doanh nghiệp (được đo bằng chỉ số TobinQ, TobinQ1 và giá cổ phiếu). Mỗi 1% tăng của điểm công bố thông tin và minh bạch đồng nghĩa với việc ROA tăng 0,08% và ROE tăng 0,17%.

Ðây là dẫn chứng tốt để khuyến khích và thúc đẩy doanh nghiệp thực thi tốt hơn các quy định, thông lệ về công bố thông tin và minh bạch.

Các doanh nghiệp có chức danh chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc tách biệt có kết quả trung bình đạt 63,28% điểm (năm 2018 đạt 61,68%), tốt hơn so với các doanh nghiệp có chủ tịch kiêm nhiệm tổng giám đốc, năm nay chỉ đạt 50,24% điểm (năm 2018 đạt 51,04%).

Ngoài ra, các doanh nghiệp có công bố quy chế nội bộ về quản trị công ty có điểm trung bình là 65,83% điểm (năm 2018 là 64,30%), cao hơn so với các doanh nghiệp không có hoặc không công bố (56,77%).

Các kết quả chi tiết của mùa chấm năm nay đang và sẽ được HNX chuyển đến doanh nghiệp và công khai trên toàn thị trường.

Ðiều chúng tôi mong muốn nhất là từ những kết quả cụ thể này và sự khuyến khích, vinh danh của Sở, các doanh nghiệp quy mô lớn sẽ tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong việc công bố thông tin và minh bạch, doanh nghiệp sẽ có thêm niềm tin từ nhà đầu tư, từ đối tác và từ đó lan tỏa giá trị ra toàn thị trường.

Cùng với việc công bố bản báo cáo đánh giá chương trình chấm điểm năm nay, HNX sẽ có những hoạt động nào tiếp theo để khuyến khích, đốc thúc các doanh nghiệp đại chúng minh bạch, nhất là khi sàn UPCoM có gần 1.000 doanh nghiệp, thưa ông?

Thực tế, các tiêu chí được sử dụng để chấm điểm cho doanh nghiệp UPCoM hiện nay đều được chúng tôi xây dựng dựa trên góc nhìn của nhà đầu tư, đánh giá trên 4 khía cạnh trọng yếu, đó là quyền và đối xử công bằng với các cổ đông và các chức năng sở hữu cơ bản; đảm bảo vai trò của các bên có quyền lợi liên quan trong quản trị công ty; minh bạch và công bố thông tin; trách nhiệm của hội đồng quản trị và ban kiểm soát.

Khi nhìn rõ hơn những điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp, chúng tôi tiếp tục thực hiện các hội thảo, các buổi đào tạo dành cho doanh nghiệp trên các địa bàn khác nhau, để giúp doanh nghiệp cải thiện điểm yếu và phát huy điểm mạnh.

Chúng tôi cũng thường xuyên hiện đại hóa cổng giao tiếp thông tin với doanh nghiệp, để vừa giám sát, vừa giúp các doanh nghiệp thực thi chuẩn mực nghĩa vụ công bố thông tin trên thị trường.

Bên cạnh nỗ lực từ phía Sở, chúng tôi mong rằng, các nhà đầu tư đại chúng sẽ sát sao và nhiệt tình hơn trong giám sát và tương tác với doanh nghiệp, cũng như với Sở, góp thêm những tiếng nói, những câu chuyện thực tế để mỗi mùa chấm điểm có thể bổ sung, làm mới một số tiêu chí.

Những nỗ lực này nhằm thúc đẩy doanh nghiệp vượt điểm tuân thủ, tiến đến đạt điểm trong các tiêu chí chấm theo thông lệ công bố thông tin, quản trị tiên tiến.

Một trong những nội dung HNX làm năm nay là đưa câu chuyện về chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đến các doanh nghiệp đại chúng. Liệu việc này có quá sớm không và trên con đường tương lai, chương trình chấm điểm doanh nghiệp dự kiến sẽ có những điểm mới gì?

Báo cáo tài chính được thực hiện theo chuẩn mực quốc tế là câu chuyện các doanh nghiệp quy mô lớn đang và rất cần quan tâm, vì theo lộ trình dự kiến, năm 2023, IFRS sẽ được áp dụng rộng rãi tại Việt Nam.

Xuất phát từ suy nghĩ như vậy, chúng tôi đã đưa câu chuyện về IFRS thành một chủ điểm tại Hội nghị các doanh nghiệp đại chúng năm nay, với mong muốn các doanh nghiệp sẽ có sự chủ động và chuẩn bị tốt mọi mặt cho việc áp dụng một quy chuẩn kế toán mới, hòa nhập với nền kinh tế khu vực và toàn cầu.

Về các điểm mới trong chương trình chấm điểm cho các năm tới, điểm chúng tôi muốn làm là nâng dần các tiêu chí thông lệ lên trong tổng số tiêu chí chấm, để từng bước hướng doanh nghiệp đến các nấc thang quản trị cao hơn.

Công tác tổ chức chấm điểm cũng dự kiến được nâng tầm để đủ sức đưa ra những đánh giá chuẩn mực và hữu ích cho doanh nghiệp, cho thị trường.

Hiện tại, chỉ các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn mới phải công bố báo cáo tài chính hàng quý, còn các doanh nghiệp đại chúng khác thực thi nghĩa vụ công bố báo cáo theo năm.

Trong tương lai, chúng tôi mong muốn mở rộng phạm vi chấm điểm doanh nghiệp đại chúng trên quy mô toàn thị trường, tuy nhiên, đây là việc cần thời gian và cần sự đồng bộ của quy định pháp lý.

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ