Hướng dẫn giao dịch repo: Đừng chặt quá hoá.... vô hiệu

(ĐTCK-online) Dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch mua - bán lại chứng khoán (gọi tắt là repo) của CTCK vừa được Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra lấy ý kiến là bước tiến quan trọng trong việc chính thức hóa các giao dịch repo, vốn lâu nay vẫn phát triển mạnh tại các CTCK. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, một số quy định trong dự thảo dường như vẫn cứng nhắc và bó hẹp.
Với quy định hạn mức repo giới hạn không quá 5 tỷ đồng/NĐT, CTCK có thể phải san sẻ khách hàng của mình. Với quy định hạn mức repo giới hạn không quá 5 tỷ đồng/NĐT, CTCK có thể phải san sẻ khách hàng của mình.

Trong năm 2008, nhiều CTCK, ngân hàng đã rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do những rắc rối phát sinh từ các hợp đồng ủy thác đầu tư (chủ yếu là cổ phiếu khi IPO) và các hợp đồng repo, cầm cố. Trong quy định của các hợp đồng này, đa phần các bên thiếu điều khoản xử lý khi giá cổ phiếu giảm. Do đó, khi giá cổ phiếu giảm liên tục, thậm chí về mức thấp hơn so với mức giá CTCK/tổ chức tài chính cho vay, NĐT sẵn sàng “bỏ của chạy lấy người” nhưng CTCK, tổ chức tài chính cũng không thể giải quyết được (đòi NĐT nộp thêm tiền hoặc bán cổ phiếu thanh lý hợp đồng). Do đó, điểm tiến bộ nhất của dự thảo chính là quy định các điều khoản cần phải có trong hợp đồng mua - bán lại chứng khoán. Bên cạnh đó, các quy định liên quan đến tỷ lệ an toàn tài chính của CTCK, khối lượng mua repo tối đa tính trên số chứng khoán do 1 DN phát hành… Đây chính là những điểm mới trong dự thảo Thông tư, có thể giúp chuẩn mực hóa các quy định liên quan đến hoạt động repo, hạn chế những tác động tiêu cực có thể xảy ra khi thị trường diễn biến không thuận lợi.

Tuy nhiên, bên cạnh các điểm tích cực trên, vẫn còn một số vấn đề cần xem xét trong dự thảo. Trước hết là quy định liên quan đến chứng khoán được repo. Theo dự thảo, chứng khoán được repo bao gồm: trái phiếu niêm yết, cổ phiếu, trái phiếu của DN chưa niêm yết. Tuy nhiên, điều kiện được repo với cổ phiếu, trái phiếu chưa niêm yết (gọi tắt là chứng khoán chưa niêm yết) lại quy định quá chặt. Theo đó, chứng khoán chưa niêm yết phải đáp ứng điều kiện: DN phát hành có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm, vốn điều lệ thực góp tối thiểu 50 tỷ đồng, không có lỗ lũy kế tính đến thời điểm báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất, tỷ lệ ROE của 2 năm gần nhất tính đến thời điểm giao dịch mua - bán chứng khoán có kỳ hạn là trên 10%, đã đăng ký công ty đại chúng với UBCK.

Vẫn biết rằng, với quy định như trên, “chất lượng” của chứng khoán sẽ được cải thiện, đảm bảo an toàn hơn cho các CTCK khi tham gia giao dịch repo. Bên cạnh đó, yêu cầu DN phát hành chứng khoán phải đã thực hiện đăng ký công ty đại chúng với UBCK sẽ góp phần làm tăng tính minh bạch cho TTCK. Nhưng với quy định như dự thảo Thông tư, sẽ có nhiều loại chứng khoán, đặc biệt là chứng khoán của các tổ chức tài chính lớn (không do 4 ngân hàng quốc doanh phát hành hoặc do công ty không đại chúng phát hành) sẽ không được repo. Ngoài ra, quy định DN phát hành có thời gian hoạt động tối thiểu 5 năm đã làm hạn chế đáng kể lượng chứng khoán được giao dịch repo, do đa phần DN của Việt Nam vẫn là DN trẻ.

Quy định ROE phải không thấp hơn 10% trong 2 năm liên tiếp, trước thời điểm giao dịch repo được ký, sẽ là rào cản quan trọng khiến chứng khoán nhiều DN không được repo. Tuy nhiên, có nhất thiết phải quy định cứng như vậy không khi mà giá cả luôn phản ánh một cách tương đối chính xác hiệu quả kinh doanh của DN, nên tỷ lệ repo của những doanh nghiệp kinh doanh yếu có thể thấp hơn theo thoả thuận của các bên tham gia. Một ví dụ điển hình là cổ phiếu REE (đã niêm yết), dù năm 2008 bị lỗ nhưng vẫn được chú ý của NĐT do kỳ vọng lợi nhuận năm 2009 và nhiều đơn vị đầu năm 2009 đã sẵn sàng chấp nhận cầm cố (do là cổ phiếu niêm yết) với tỷ lệ lên tới 80% thị giá. Cơ quan quản lý có thể hạn chế rủi ro cho các thành viên thị trường bằng cách quy định tỷ lệ cầm cố linh hoạt theo “chất lượng” chứng khoán hơn là quy định “cứng” về ROE và thời gian hoạt động như trên.

Một quy định nữa của dự thảo cũng không nhận được nhiều ý kiến ủng hộ từ phía các CTCK là quy định liên quan đến hạn mức của giao dịch repo cho mỗi khách hàng. Theo quy định hiện tại, tổng giá trị mua chứng khoán của CTCK trong các giao dịch mua - bán lại đối với một khách hàng cá nhân không được vượt quá 1% vốn chủ sở hữu CTCK và không quá 5 tỷ đồng; đối với khách hàng là tổ chức không vượt quá 3% và 20 tỷ đồng. Qua tìm hiểu của ĐTCK, không ít khách hàng cá nhân có mức đầu tư cả trăm tỷ đồng trên thị trường. Với quy định hạn mức repo giới hạn không quá 5 tỷ đồng, CTCK rõ ràng có thể phải san sẻ khách hàng của mình cho đối tác (hoặc đối thủ cạnh tranh) nếu không muốn lách luật.

Thị trường ghi nhận những cố gắng minh bạch và chuẩn mực hóa hoạt động repo của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, các thành viên vẫn đang chờ đợi những điều khoản cởi mở hơn khi Thông tư chính thức được ban hành, để quy định mới không đồng nghĩa với việc “thu hẹp” hoạt động repo, vốn là nhu cầu tất yếu của các bên tham gia thị trường cũng là để  tránh tình trạng không tuân theo được nên buộc phải… lách luật.      

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ