Hiến kế để thị trường chứng khoán đạt mục tiêu 2020

(ĐTCK) Sự kiện được ví như “Thiên nga đen” của năm 2020 với đặc điểm là không thể dự báo đã ảnh hưởng nặng nề lên các hoạt động thương mại, đầu tư, thoái vốn và khiến các mục tiêu phát triển thị trường chứng khoán trong năm 2020 thêm thách thức. 
Hiến kế để thị trường chứng khoán đạt mục tiêu 2020

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và hiện đang diễn biến rất phức tạp, mức độ lây nhiễm nhanh và lan rộng ra toàn thế giới.

Bên cạnh thiệt hại về con người, đại dịch này đã gây ra những tổn thất nghiêm trọng cho nền kinh tế toàn cầu.

Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Các ngành du lịch, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp khi lượng khách quốc tế và nội địa giảm mạnh.

Các chi phí y tế, nguồn nhân lực tăng cao, các hoạt động giao thông vận tải, đầu tư, bán lẻ (tiêu dùng cá nhân) bị ảnh hưởng lớn; các chuỗi sản xuất, cung ứng sản phẩm, hoạt động sản xuất công nghiệp bị gián đoạn...

Tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý I và cả năm 2020 theo đánh giá của các tổ chức quốc tế cũng như theo dự báo của Tổng cục Thống kê có khả năng giảm từ 0,5 - 0,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trên nền tảng vĩ mô tiêu cực như vậy, thị trường chứng khoán đã điều chỉnh mạnh.

Chỉ số VN-Index từ vùng 990 điểm giai đoạn trước Tết Nguyên đán về rơi về vùng 875 điểm trong những ngày qua, với những kịch bản xấu cho thấy việc điều chỉnh có thể còn tiếp tục diễn ra.

Tăng hàng hóa cho thị trường

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán PSI.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất Chính phủ, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đặt ra trong năm 2020 là tăng quy mô thị trường chứng khoán, tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết.

Với ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã giảm từ 5.572.666 tỷ đồng (ở thời điểm 31/12/2019) xuống 5.432.111 tỷ đồng (31/1/2020), tương đương mức giảm -2,52%.

Để tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước, hàng hóa trên sàn chứng khoán cần được đa dạng hơn thông qua bổ sung cổ phiếu mới.

Số lượng doanh nghiệp trên sàn chứng khoán sẽ không chỉ dừng quanh con số 2.000 doanh nghiệp, mà cần phải tăng mạnh trong giai đoạn tới trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đang được MSCI và FTSE Russell đánh giá cao về các nỗ lực cải thiện các tiêu chí nâng hạng.

Có một thực tế là, hiện vẫn có sự bất cân đối giữa số lượng doanh nghiệp niêm yết mới lên HOSE và HNX.

Số lượng doanh nghiệp lên niêm yết mới trên HNX gần đây chỉ đếm trên đầu ngón tay, thấp hơn nhiều so với số lượng doanh nghiệp niêm yết mới trên HOSE.

Để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ niêm yết nhiều hơn trên sàn HNX, đối trọng với sàn HOSE (nơi có nhiều doanh nghiệp đầu ngành niêm yết), thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các văn bản hướng dẫn Luật cần sớm được ban hành và truyền thông đến đại bộ phận lãnh đạo các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các start -up để họ có các bước chuẩn bị đưa cổ phiếu lên sàn.

Cơ quan quản lý cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ lên sàn, song phải phối hợp chặt chẽ với các công ty chứng khoán - đơn vị tư vấn cổ phần hóa, tái cấu trúc và tư vấn niêm yết để đánh giá thận trọng từng doanh nghiệp chuẩn bị niêm yết.

Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cần phối hợp với các công ty chứng khoán thành viên xây dựng cẩm nang doanh nghiệp, chuẩn hóa cách thức công bố thông tin, minh bạch tình hình sản xuất - kinh doanh, tình hình tài chính của các doanh nghiệp niêm yết bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt, nhằm hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu và tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Phối hợp, hỗ trợ quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước

Theo kế hoạch, cho đến cuối năm 2020, cả nước sẽ tiến hành cổ phần hóa tại 92 doanh nghiệp nhà nước.

Từ nay đến cuối năm không còn nhiều thời gian, bối cảnh thị trường chứng khoán cũng không thuận lợi, hoạt động thoái vốn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Đáng nói là, nhiều doanh nghiệp trong diện cổ phần hóa vẫn đang bế tắc trong công tác thẩm định doanh nghiệp, đánh giá tài sản, định giá đất để phục vụ cho việc trở thành công ty đại chúng.

Để làm được điều này, chính các bộ, ban, ngành cũng phải chủ động phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán, đặc biệt là các công ty chứng khoán tư vấn cho các kịch bản triển khai cổ phần hóa, thoái vốn.

Và nhìn một cách tích cực thì đây chính là giai đoạn phù hợp cho công tác chuẩn bị, các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị hồ sơ một cách kỹ lưỡng.

Đối với từng nhóm doanh nghiệp nhà nước đặc thù theo tỷ lệ sở hữu thì kịch bản tư vấn cổ phần hóa, thoái vốn sẽ khác nhau.

Tùy vào mức độ sở hữu của nhà nước, tỷ lệ sở hữu của các cổ đông lớn hay giá trị tài sản đất mà lộ trình trở thành công ty đại chúng khác nhau.

Các quỹ đầu tư nước ngoài, các quỹ hoán đổi danh mục đang cần thêm các hàng hóa có chất lượng bổ sung vào danh sách cổ phiếu lớn trong danh mục mua vào.

Các doanh nghiệp như Viettel, Mobifone, VNPT… theo khảo sát sẽ là mục tiêu quan tâm của các quỹ đầu tư với quy mô vốn giải ngân lớn.

Đẩy mạnh thị trường chứng khoán phái sinh, hoạt động bán khống cổ phiếu

Một trong những mục tiêu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong năm 2020 là đẩy nhanh việc cơ cấu thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm; trong đó, sắp xếp lại hệ thống, bộ máy vận hành 2 sở giao dịch HOSE và HNX, với định hướng phát triển 3 mảng cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và các sản phẩm phái sinh.

Một trong những ưu tiên quan trọng đối với năm 2020 là cải thiện đồng bộ hệ thống giao dịch và thanh toán bù trừ trên thị trường chứng khoán.

Đây là bước đi đột phá, tạo nền tảng cho hệ thống giao dịch hiện đại, xử lý các lệnh mua bán nhanh cùng với việc phát triển sản phẩm “bán khống” - tương tự như trên các thị trường phát triển khác.

Đây là điều các nhà đầu tư cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước quan tâm, chờ đợi trong nhiều năm qua. Khi sản phẩm bán khống được triển khai, nhà đầu tư có thể tham gia giao dịch cả hai chiều: chiều tăng cũng như chiều giảm của thị trường.

Khi ấy, các quỹ tương hỗ, đặc biệt là các quỹ phòng hộ (hegde funds) chắc chắn sẽ xuất hiện nhiều hơn trên thị trường chứng khoán.

Việc nghiên cứu các sản phẩm phái sinh, sản phẩm tương lai, quyền chọn mới như sản phẩm phái sinh trên lãi suất trái phiếu, phái sinh hàng hóa sẽ là chất xúc tác thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các nhà đầu tư.

Triển khai thêm các bộ chỉ số cơ sở ngành

Bên cạnh việc tăng cường hàng hóa cơ sở, triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng cần có các chỉ số chứng khoán ngành, tổ chức định hạng tín nhiệm các doanh nghiệp và trái phiếu để hỗ trợ các nhà đầu tư.

Với nhu cầu đang lên của các quỹ đầu tư theo chỉ số, các quỹ phòng hộ, các quỹ ETF thì bên cạnh các bộ chỉ số mà HOSE mới tung ra từ 18/11/2019 như 3 chỉ số VN Diamond, VNFIN Lead và VNFIN Select ngày 18/11/2019 phục vụ nhu cầu đầu tư của các quỹ ETF.

Hay theo kiến nghị của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nhà đầu tư tổ chức như SMBC Nikko (Nhật Bản), cần phải xây dựng thêm các chỉ số ngành bên cạnh bộ chỉ số ngành dầu khí PVN-Index - nơi có sự góp mặt hầu hết các tổng công ty, đơn vị dầu khí lớn hoặc bộ chỉ số ngành năng lượng Energy-Index…

Nhu cầu đầu tư theo chỉ số là hiện hữu, xây dựng quy chế vận hành các chỉ số ngành cũng như nền tảng cơ sở phát triển các sản phẩm tương lai chỉ số chứng khoán sẽ là xu hướng của mọi thị trường chứng khoán phát triển.

Thị trường chứng khoán Việt Nam muốn phát triển tất yếu cũng phải đi theo con đường đó.

TS. Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty Chứng khoán PSI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 -22.67 -1.9% 191,064 tỷ
HNX 226.2 -2.63 -1.16% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 -0.48 -0.55% 623 tỷ