Hệ số P/E và EPS

Trong việc phân tích để đưa ra các quyết định đầu tư chứng khoán của mình, nhà đầu tư thường gặp và nghe tới các chỉ số P/E và EPS. Đây là 2 chỉ số phân tích khá quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu kỹ hơn về 2 hệ số này để biết rõ hơn về bản chất và tâm quan trọng của chúng trong phân tích chứng khoán.

P/E (Price to Earning Ratio): Hệ số giá trên thu nhập mỗi cổ phiếu

Đây là một trong những chỉ số phân tích quan trọng trong quyết định đầu tư chứng khoán của nhà đầu tư. Thu nhập từ cổ phiếu sẽ có ảnh hưởng quyết định đến giá thị trường của cổ phiếu đó. Hệ số P/E đo lường mối quan hệ giữa giá thị trường (Market Price - P) và thu nhập của mỗi cổ phiếu (EPS) và được tính bởi công thức: P/E = P/EPS.

Trong đó, giá thị trường P của cổ phiếu là giá mà cổ phiếu đang được mua bán ở thời điểm hiện tại; thu nhập của mỗi cổ phiếu EPS là phần lợi nhuận ròng sau thuế mà công ty chia cho các cổ đông thường trong năm tài chính gần nhất.

Hệ số P/E cho thấy, giá cổ phiếu hiện tại cao hơn thu nhập từ cổ phiếu đó bao nhiêu lần, hay nhà đầu tư phải trả giá cho một đồng thu nhập bao nhiêu. Hệ số P/E được tính cho từng cổ phiếu và tính trung bình cho tất cả cổ phiếu.

Thông thường, nếu hệ số P/E cao thì nhà đầu tư cho rằng, công ty đang có cơ hội tăng trưởng, thu nhập là tương đối ổn định, an toàn và tỷ suất vốn hoá thị trường tương đối thấp; dự đoán công ty có tốc độ tăng trưởng trung bình và sẽ trả cổ tức cao. Nhưng cũng cần lưu ý rằng, hệ số P/E cao có thể không phải do giá cổ phiếu cao, mà vì thu nhập thấp.

Ngoài ra, hệ số P/E cũng phụ thuộc vào một số lĩnh vực đặc thù. Chẳng hạn, lĩnh vực ngân hàng, tài chính, chứng khoán, công nghệ tin học, viễn thông, công nghệ sinh học, các ngành sản xuất công nghiệp kỹ thuật cao thường được chấp nhận hệ số P/E cao hơn các lĩnh vực khác. Mặt khác, việc đánh giá hệ số P/E trong mua bán chứng khoán thường chỉ phù hợp với mục đích đầu tư dài hạn.

 

EPS (Earning Per Share): Hệ số lợi nhuận (thu nhập) trên mỗi cổ phiếu

Đây là phần lợi nhuận mà công ty phân bổ cho mỗi cổ phần thông thường đang được lưu hành trên thị trường. EPS được sử dụng như một chỉ số thể hiện khả năng kiếm lợi nhuận của doanh nghiệp, thường được tính bởi công thức:

EPS = (Thu nhập ròng - cổ tức cổ phiếu ưu đãi)/lượng cổ phiếu bình quân đang lưu hành.

Vì lượng cổ phiếu thường xuyên thay đổi theo thời gian nên khi tính EPS, để chính xác hơn, người ta sử dụng lượng cổ phiếu lưu hành bình quân trong kỳ. Tuy nhiên, trên thực tế người ta thường hay đơn giản hoá việc tính toán bằng cách sử dụng số cổ phiếu đang lưu hành vào thời điểm cuối kỳ.

EPS được chia làm hai loại: EPS cơ bản (biểu thị thu nhập với cơ cấu cổ phần hiện thời) và EPS điều chỉnh (có tính đến ảnh hưởng của việc tăng thêm số cổ phiếu do việc thực hiện các quyền mua cổ phiếu ngắn hạn và dài hạn, quyền lựa chọn cũng như những công cụ khác có thể làm tăng số lượng cổ phiếu). EPS là bộ phận chủ yếu cấu thành tỷ lệ P/E, đồng thời hệ số này cũng được coi là biến số quan trọng trong việc tính toán và so sánh giá cổ phiếu.

Ví dụ, hai doanh nghiệp có cùng tỷ lệ EPS nhưng một trong hai có thể có ít cổ phần hơn, tức là doanh nghiệp này sử dụng vốn hiệu quả hơn. Nếu như các yếu tố khác là cân bằng thì doanh nghiệp có ít cổ phần hơn sẽ tốt hơn doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể lợi dụng các kỹ thuật tính toán để đưa ra EPS hấp dẫn, do đó nhà đầu tư không nên dựa vào một thước đo tài chính duy nhất, mà nên kết hợp với các bản phân tích tài chính và các hệ số tài chính khác.

Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội
Bộ phận Tư vấn và Phân tích, CTCK Hà Nội

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ