Hậu quả của việc khống chế dư nợ cho vay ĐTCK: Lo lắng và hoang mang!

Cùng với hiện tượng “đỏ sàn” - giá cổ phiếu (CP) giảm - nhiều phiên liên tục trong thời gian gần đây, sự “đóng băng” trên thị trường OTC không chỉ khiến nhiều nhà đầu tư mà cả các tổ chức tín dụng, các công ty chứng khoán (CK)... lo lắng.

Một trong những “thủ phạm” gây ra hiện tượng này là qui định hạn chế dư nợ cho vay kinh doanh CK (không vượt mức 3% tổng dư nợ của tổ chức tín dụng) vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Chúng tôi ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, các ngân hàng và nhà đầu tư...

Ông Bùi Tấn Tài (Phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB): Đáng lẽ phải cân nhắc kỹ

Trong thời gian tới, ACB không có khả năng tiếp tục cho vay lĩnh vực này, do dư nợ cho vay kinh doanh CK của ACB đã vượt quá tỉ lệ 3% tổng dư nợ. Khách hàng phản ứng và ngân hàng cũng gặp những khó khăn nhất định là điều không tránh khỏi. Quy định của NHNN tất nhiên phải tuân thủ thực hiện, nhưng lẽ ra chính sách này phải được cân nhắc kỹ trước khi ban hành.

Tôi cho rằng cho vay kinh doanh CK là một dạng cho vay đặc biệt mà hầu hết ngân hàng đều có “kịch bản” để xử lý khi gặp sự cố, đảm bảo an toàn. Do đó, NHNN phải khảo sát, xem xét từng ngân hàng để đưa ra mức khống chế dư nợ lĩnh vực này một cách phù hợp chứ không thể “cào bằng”. Ngoài ra, NHNN cũng nên cân nhắc thời điểm áp dụng, có lộ trình hợp lý để các ngân hàng có thời gian điều chỉnh.

Ông Võ Hữu Tuấn (Phó giám đốc Công ty Chứng khoán Bảo Việt chi nhánh TP.HCM): Coi chừng “kinh nghiệm xương máu”

Nhiều ngân hàng đã và đang bắt đầu ngưng cho vay kinh doanh CK theo qui định của NHNN. Do đó, trong thời gian tới cung CK trên thị trường tăng lên, do nhiều người bị buộc phải bán CP bằng mọi giá để trả nợ ngân hàng khi khoản vay đáo hạn, dẫn đến cung CK trên thị trường tăng và giá CK rớt... Trong thuật ngữ chuyên môn, người ta gọi hiện tượng này là “ép bán” (force sell). Thị trường CK VN đã từng có “kinh nghiệm xương máu” về hiện tượng “ép bán” cách nay hơn hai năm, khiến giá CP trên sàn mất khoảng 40%.

Ngay cả CP của Bảo Việt hiện nay cũng đang chịu áp lực rất lớn bởi quy định này, khi hạn chót đóng tiền mua cổ phần đợt đấu giá vừa qua đang đến gần mà ngân hàng lại ngưng cho nhà đầu tư CK vay tiền khiến họ buộc phải bỏ cọc không mua cổ phần Bảo Việt.

Ông Phan Vũ Tuấn (Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán quốc tế VN - VISecurities): Cơ hội đầu tư CK bị thu hẹp

Theo tôi biết, nhiều ngân hàng cổ phần hiện nay đều có dư nợ cho vay kinh doanh CK đã vượt mức 3% tổng dư nợ, cho nên việc khống chế tỷ lệ này dưới 3% (nếu được triển khai) chắc chắn sẽ gây tác động rất lớn đến thị trường CK trong thời gian tới. Bởi lẽ nguồn vốn đầu tư bị hạn chế, cơ hội tiếp tục đầu tư vào thị trường CK của nhiều nhà đầu tư bị thu hẹp do đồng vốn ít đi. Cầu CK trên thị trường giảm, trong khi ở chiều ngược lại, cung CK trên thị trường sẽ tăng mạnh do nhiều nhà đầu tư bán CP để trả nợ ngân hàng.

Khi một khối lượng tiền rất lớn rút khỏi thị trường sẽ gây tác động xấu đến giá cả CP trên sàn cũng như ngoài sàn. Doanh thu và lợi nhuận của các công ty CK phụ thuộc vào khối lượng giao dịch của nhà đầu tư, nếu khối lượng giao dịch giảm, chắc chắn doanh thu và hiệu quả hoạt động của các công ty này cũng sẽ giảm theo. NHNN không nên “áp đặt” ngay quy định này khiến tất cả các đối tượng chịu tác động không kịp trở tay.

Ông Huy Nam (Chuyên gia CK): NHNN dựa vào đâu vậy?

Tôi cho rằng trong phạm vi quyền hạn của mình và tùy vào đánh giá mức độ rủi ro đối với hoạt động cho vay kinh doanh CK của các ngân hàng trong hệ thống, NHNN có thể đưa ra những chính sách ngăn ngừa rủi ro, trong trường hợp này là khống chế dư nợ cho vay kinh doanh CK. Thời điểm mà NHNN đưa ra quy định này cũng không quá “nhạy cảm”, thị trường không quá “nóng” cũng không quá “lạnh”, nên dù có tác động cũng không gây tác động lớn.

Tuy nhiên, điều tôi băn khoăn là chẳng biết NHNN đã thực hiện việc thu thập số liệu cho vay lĩnh vực này đối với từng tổ chức tín dụng hay chưa, nếu có sự tổng hợp số liệu rồi thì việc phân loại các tổ chức này có được thực hiện không... Ngoài ra, một câu hỏi cũng khiến dư luận không thể không quan tâm là con số 3% dựa trên cơ sở nào để đưa ra...

Ông Lâm Hữu Hạnh (Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông): Đảo lộn tất cả kế hoạch

Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch kinh doanh cho tất cả các loại hình, từ cho vay mua nhà trả góp, mua xe trả góp, cho vay lĩnh vực xuất nhập khẩu cho đến lĩnh vực kinh doanh CK... Trong đó, theo kế hoạch của chúng tôi, mức dư nợ cho vay kinh doanh CK trong năm nay dự kiến khoảng 15% tổng dư nợ. Thế nhưng, việc NHNN đưa ra quy định khống chế tỷ lệ cho vay kinh doanh CK dưới mức 3% tổng dư nợ đã làm đảo lộn tất cả kế hoạch của chúng tôi và làm cho lợi nhuận của đơn vị chúng tôi bị giảm mạnh.

Anh Huỳnh Đức Hùng (nhà đầu tư sàn ACBS): Mức khống chế quá thấp

Tôi không hiểu tại sao NHNN lại khống chế dư nợ cho vay kinh doanh CK với tỷ lệ khá thấp như vậy. Quy định này không những hạn chế khả năng xoay xở đồng vốn của những nhà đầu tư, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý thị trường. Nhà đầu tư buộc phải dè dặt hơn khi quyết định giao dịch CP.

Ông Trần Phương Bình (Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á): Ảnh hưởng xấu đến nhiều đối tượng

Cũng như nhiều tổ chức tín dụng khác, Ngân hàng Đông Á hiện có dư nợ cho vay kinh doanh CK vượt quá tỷ lệ 3%. Do đó, chúng tôi đã bắt đầu ngưng thực hiện các hợp đồng mới, đồng thời thông báo đến khách hàng về việc không gia hạn các hợp đồng vay đáo hạn. Dù muốn hay không, chúng tôi cũng phải tuân thủ đúng quy định của NHNN, nhưng quả thật chúng tôi cũng rất lúng túng khi có nhiều khách hàng phản ứng gay gắt. Quy định này của NHNN đã ảnh hưởng đến nhiều đối tượng, trong đó có ngân hàng.

Trong thực tế, hầu hết các khoản cho vay kinh doanh CK đều đã được các ngân hàng tính toán biện pháp đảm bảo an toàn. Hơn nữa, lãi suất cho vay lĩnh vực này cũng cao hơn mức lãi suất cho vay trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác. Một khi tỷ lệ cho vay này bị khống chế ở mức thấp, hiệu quả kinh doanh của nhiều ngân hàng sẽ bị giảm.

Ngoài ra, hầu hết ngân hàng đều có chính sách cho CBCNV vay vốn để mua cổ phần ở những doanh nghiệp cổ phần hóa. Nếu việc khống chế cho vay kinh doanh CK cũng bao gồm khoản tín dụng này, chúng tôi càng gặp khó khăn hơn. Tóm lại, theo tôi, nếu thấy cần thiết, NHNN cũng có thể đưa ra chính sách can thiệp nhưng cần phải có thời gian, thông báo lộ trình rõ ràng để chúng tôi không rơi vào tình huống bị động.


TT

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.51 -0.1 -0.01% 130,118 tỷ
HNX 227.31 -0.55 -0.24% 1,163 tỷ
UPCOM 88.16 -0.21 -0.24% 452 tỷ