Hạn chế giao dịch lướt sóng ngắn hạn

(ĐTCK) Cho rằng, rủi ro giảm điểm trong ngắn hạn của thị trường sẽ còn tiếp tục, các CTCK khuyến nghị NĐT nên hạn chế lướt sóng.
Hạn chế giao dịch lướt sóng ngắn hạn

ĐTCK lược trích báo cáo nhận định thị trường của một số CTCK cho phiên giao dịch ngày 29/2.

 

Rủi ro thị trường có thể giảm tiếp là không nhỏ

(CTCK BIDV - BSC)

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 6,19 điểm (-1,44%) xuống 422,22 điểm; HNX-Index giảm 2,07 điểm (-2,99%) xuống 67,09 điểm. Tổng khối lượng giao dịch trên cả 2 sàn tăng vọt với hơn 120 triệu cổ phiếu trên HSX và 135 triệu cổ phiếu trên HNX, trong đó HBB (Habubank) xác lập khối lượng khớp lệnh kỷ lục với hơn 40 triệu cổ phiếu (230 tỷ đồng). Khối ngoại tiếp tục mua ròng trên cả 2 sàn với giá trị mua ròng 114,5 tỷ đông trên HSX và 30 tỷ đồng trên HNX.

Liên tục tăng mạnh với khối lượng lớn, việc thị trường điều chỉnh sâu trong phiên hôm nay không quá bất ngờ. Thị trường hiện tại sẽ cần thêm những thông tin mới tích cực từ góc độ vĩ mô nếu muốn tiếp tục được xu hướng tăng điểm.

Xét trên góc độ kỹ thuật, hỗ trợ ngắn hạn của HNX-Index ở mức 65 điểm. Điều đó có nghĩa là trong phiên 29/2, nếu thị trường tiếp tục giảm sâu, nhiều khả năng lực cầu bắt đáy có thể sẽ mạnh trở lại giúp thị trường có 1 đợt phục hồi kỹ thuật.

Ngưỡng hỗ trợ này tương đương với vùng 410-415 điểm của VN-Index. Tuy vậy, hành động mua vào bắt đáy như trên khó có khả năng mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà đầu tư T+4, trong khi đó rủi ro thị trường có thể giảm tiếp là không nhỏ. Do đó, chúng tôi cho rằng đứng ngoài và quan sát là lựa chọn nên được ưu tiên vào thời điểm này.

 

Hạ bậc xu hướng ngắn hạn xuống mức giảm

(CTCK Woori CBV)

Thị trường quay trở lại trạng thái điều chỉnh khi kết thúc  phiên giao dịch 28/02/2012 chỉ số VN-Index giảm 6,19 điểm (1,44%) xuống 422,22 điểm. Khối lượng cổ phiếu được chuyển nhượng khoảng 121.715 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch 1.726 tỷ đồng.

Tương tự chỉ số HNX-Index giảm 2,07 điểm (0,43%) xuống 67,09 điểm, khối lượng chuyển nhượng khoảng 135,7 triệu cổ phiếu tương đương với giá trị giao dịch là 1.020 tỷ đồng.

Về phương diện kỹ thuật, phiên giao dịch ngày 28/02/2012 đóng cửa với diễn biến suy giảm đối với cả 2 sàn kèm khối lượng gia tăng rất mạnh. Đây là dấu hiệu cảnh báo khả năng phân phối đỉnh ngắn hạn nếu như phiên giao dịch ngày mai vẫn tiếp tục giảm.

Do đó, chúng tôi hạ bậc xu hướng ngắn hạn xuống mức giảm, tuy nhiên vẫn giữ nguyên bậc tăng đối với xu hướng trung hạn. Việc cơ cấu lại danh mục đầu tư vẫn là sự lựa chọn hợp lý trong những phiên sắp tới.

 

Thị trường sẽ tiếp tục điều chỉnh trong 1-2 phiên tới

(CTCK Chợ Lớn - CLSC)

Trên đồ thị kỹ thuật, các chỉ số có phiên điều chỉnh đầu tiên với KLGD tăng mạnh. So với phiên trước, KLGD khớp lệnh tăng 37,4% tại HOSE và tăng 86% tại HNX.

Chúng tôi cho rằng, các chỉ số có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong 1-2 phiên tới trước khi tăng điểm trở lại. Thông thường, quá trình điều chỉnh diễn ra trong 2-3 phiên.

Theo đó, HNX-Index có thể lùi về mức 65.5-66 điểm. Mức điểm tương ứng với đường viền cổ của mẫu hình vai đầu vai ngược, cũng là mức thoái lùi Fibo Retra 38.2%.

Tương tự, VN-Index có thể điều chỉnh về mức 415-420 điểm. Rõ ràng chúng ta cần chờ đợi phản ứng của thị trường tại các mức điểm nói trên.

Tuy nhiên, chúng tôi đang kỳ vọng thị trường vẫn có thể tăng điểm trở lại. Các mục tiêu giá 70.5 đến 75 điểm cho HNX-Index và 432-445 điểm cho VN-Index.

 

Áp lực điều chỉnh có thể vẫn còn

(CTCK Vietcombank - VCBS)

Sau phiên tăng điểm hưng phấn vào đầu tuần, áp lực điều chỉnh đã hiện rõ trong phiên giao dịch ngày 28/2, đóng cửa cả HNX và VN-Index đều trượt giảm mạnh với sự suy yếu của phần đông các cổ phiếu.

STB trên sàn HOSE và HBB trên sàn Hà Nội tiếp tục là hai cổ phiếu tâm điểm trong phiên với việc bật tăng mạnh với khối lượng giao dịch lên tới hàng triệu đơn vị từ sớm, tuy nhiên về cuối phiên chỉ STB giữ được mức giá trần.

Áp lực cung chốt lãi đã được bên nắm giữ cổ phiếu đẩy lên cao, tỏ ra ý đồ thoái lui an toàn, trong khi đó ở chiều ngược lại bên cầm tiền vẫn tỏ ra tích cực với việc mạnh dạn tham gia bắt đáy rất nhộn nhịp. Tính thanh khoản của thị trường nhảy vọt với sự bủng nổ của cả về khối lượng lẫn giá trị giao dịch trên hai sàn.

Theo chúng tôi, sau một đợt tăng khá dài và nóng thì phiên điều chỉnh như vậy là cần thiết. Điểm đáng khích lệ là dòng tiền đang phát đi tín hiệu tích cực, ủng hộ cho thị trường với kỳ vọng vào những chuyển biến khả quan hơn của nền kinh tế vĩ mô.

Do đó, chúng tôi tiếp tục bảo lưu quan điểm tích cực với thị trường chứng khoán. Áp lực điều chỉnh có thể vẫn còn, nhưng đồng thời điều đó cũng có thể sẽ tạo cơ hội tốt để các nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục, hiện tại chúng tôi tiếp tục đặc biệt khuyến nghị các cổ phiếu có cơ bản tốt và tính thanh khoản từ mức khá trở lên.

 Hạn chế giao dịch lướt sóng ngắn hạn  ảnh 1

Tránh mua đuổi giá

(CTCK ACB - ACBS)

VN-Index tiếp tục mở cửa tăng nhẹ ngày 28/2. Tuy nhiên, áp lực chốt lời mạnh kéo chỉ số này giảm mạnh và đóng cửa trong sắc đỏ.

Mô hình Engulfing được hình thành, bao phủ hai phiên giao dịch trước đó, cho thấy bên bán đã kiểm soát được thị trường. Khối lượng giao dịch ở mức cao nhất từ cuối năm 2010 cũng cho thấy áp lực bán mạnh.

Chỉ báo RSI(14) vừa cắt xuống dưới mức quá mua, cho thấy tín hiệu bán. Trong các phiên tới, VN-Index nhiều khả năng sẽ mất điểm. Chỉ số này có thể quay về vùng hỗ trợ 380-390.

Chỉ số VN30-Index nhận được sự hỗ trợ mạnh từ mức tăng trần của STB. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng STB sẽ điều chỉnh giảm trong các phiên tới. Như vậy, nhiều khả năng VN30-Index cũng sẽ mất điểm và có thể quay về vùng hỗ trợ 430-440.

Sau khi mở cửa với một gap-up và tiến sát đến vùng kháng cự 70-72, chỉ số HNX-Index đảo chiều và lao dốc trước áp lực bán rất lớn ngày hôm qua. Khối lượng giao dịch lên mức kỷ lục từ trước tới nay.

Tương tự VN-Index, với việc hình thành mô hình Engulfing của HNX-Index cùng dấu hiệu quá mua của chỉ báo RSI(14), nhiều khả năng HNX-Index sẽ mất điểm trong các phiên tới.

Với các dấu hiệu hình thành, có thể thấy vùng kháng cự 70-72 sẽ là rào cản rất mạnh đối với các đợt sóng hồi phục, nếu có, trong thời gian tới của HNX-Index.

Một phần giao dịch kỷ lục ngày hôm qua đến từ giao dịch cổ phiếu HBB với hơn 40 triệu cp. Hiện HBB đang giao dịch gần vùng kháng cự 5.700-6.200 nên có thể kích thích làn sóng bán chốt lời. Tuy nhiên, khối lượng giao dịch mạnh trong các phiên gần đây là rất đột biến nhưng không mang ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật. Do đó, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư tránh mua đuổi giá.

 

Hạn chế giao dịch lướt sóng ngắn hạn

(CTCK EuroCapital)

Như đã dự báo về khả năng sớm xuất hiện sự điều chỉnh mạnh của thị trường trong các bản tin trước. Phiên giao dịch 28/2 thể hiện lượng bán ra chốt lời tăng áp đảo trên hai sàn giao dịch. Nhưng cũng có thể thấy lượng cầu vẫn hấp thụ khá tốt lượng cung cổ phiếu, đặc biệt vào thời điểm cuối phiên giao dịch trên sàn HNX.

Theo phân tích kỹ thuật, hai chỉ số đang tiến tới vùng hỗ trợ trong ngắn hạn và với lực cầu duy trì hiện tại, khả năng tồn tại nhịp tăng giá tiếp theo của hai chỉ số vẫn khá cao. Tuy nhiên, đỉnh giá ngày 28/2 sẽ trở thành vùng kháng cự mạnh của thị trường trong ngắn hạn, thậm chí vùng giá này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định xu thế trung hạn tiếp theo của thị trường.

Các phiên giao dịch tiếp theo, chúng tôi tiếp tục khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Trong trường hợp thị trường “test” đỉnh giá và không vượt được vùng giá ngày hôm nay, nhà đầu tư có thể  chốt lời toàn bộ chứng khoán ngắn hạn trong tài khoản.

 

Rủi ro giảm điểm tiếp của 2 chỉ số hiện tại là cao

(CTCK Mirae Asset)

Lực bán mạnh như cảnh báo của chúng tôi đã xuất hiện khiến thị trường giảm điểm sâu. Sự giằng co giữa cung và cầu đã kết thúc từ giữa phiên giao dịch, chúng tôi nhận thấy rủi ro của sự phân phối đỉnh xuất hiện khi bên bán tiếp tục bán mạnh vào cuối phiên bất chấp giá cổ phiếu đã giảm mạnh.

Chúng tôi cho rằng, đỉnh ngắn hạn của 2 chỉ số đã được tạo tại 430 (VN-Index) và 70 (HNX-Index). Rủi ro giảm điểm tiếp của 2 chỉ số hiện tại là cao, NĐT không nên nóng vội bắt đáy, hành động bán ra nên bình tĩnh thực hiện. Chúng tôi lưu ý vùng 410 - 415 của VN-Index và 64 - 65 của HNX-Index có thể xuất hiện sự hồi phục kỹ thuật..

 

Áp lực cung lớn sẽ vẫn tái diễn

(CTCK Rồng Việt - VDSC)

Trong phiên giao dịch 28/2, thị trường đột ngột đảo chiều với áp lực xả hàng rất mạnh, có thể nói, những phiên tăng điểm liên tiếp trong thời gian vừa qua đã giúp nhà đầu tư đạt được một mức lợi nhuận khá trong tài khoản và phiên 28/2 là thời cơ để họ tranh thủ chốt lời.

Tuy nhiên, lực cầu bắt đáy cũng không nhỏ giúp thanh khoản trên cả hai sàn thiết lập mức kỷ lục của hơn một năm qua. Điều đáng ngại chính là hoạt động bán ra đồng loạt của NĐT với khối lượng lớn và với lượng cổ phiếu khổng lồ đã được chuyển nhượng ở các phiên trước, áp lực nguồn cung này khả năng sẽ vẫn tái diễn.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, mặc dù nhịp điều chỉnh khá sâu, nhưng vẫn khá thấp so với mức tăng điểm của các chỉ số trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, thanh khoản đạt mức cao kỷ lục cho thấy sự hưng phấn của bên mua còn đủ lớn để hấp thu nguồn cung ngày càng trở nên dồi dào hơn. Sau diễn biến của phiên 28/2, người mua ít nhiều sẽ cẩn trọng hơn nếu muốn giải ngân ở các mức giá cao.

 

Không nên tiếp tục mua vào

(CTCK FPT - FPTS)

Như đã nhận định, lượng cung từ số lượng lớn cổ phiếu về tài khoản đã trở thành lực cản đối với đà tăng điểm của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 28/02.

Áp lực bán tăng cao do tâm lý chốt lời ngắn hạn của người cầm cổ đã khiến cho VN-Index không thể duy trì sắc xanh đến cuối phiên. Trong khi đó, thanh khoản thị trường đột ngột tăng mạnh lên mức kỷ lục với 122 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng tương đương giá trị giao dịch 1.726 tỷ đồng.

Nhìn chung, diễn biến phiên giao dịch hôm nay mang đến tín hiệu của một phiên phân phối đỉnh ngắn hạn khi VN-Index đã tăng được hơn 22% kể từ đầu năm 2012 đến nay.

Dòng tiền vào thị trường sau khi phát tín hiệu ủng hộ cho xu thế tăng trung hạn trong các phiên giao dịch trước đã nhanh chóng trở lại trạng thái giằng co. Bất chấp sức cầu vào thị trường vẫn khá dồi dào, áp lực bán không ngừng gia tăng tại nhóm cổ phiếu đầu cơ và bluechips cho thấy tâm lý đầu tư đã bắt đầu có sự dao động mạnh. Nhà đầu tư ngắn hạn không còn duy trì được sự hưng phấn cần thiết và thay vào đó là trạng thái thận trọng, ngại rủi ro khi VN-Index tiến dần lên các ngưỡng kháng cự mạnh trung và dài hạn.

Bên cạnh đó, những kỳ vọng của nhà đầu tư vào thông tin hỗ trợ tích cực cũng đã phần nào phản ánh được vào diễn biến của VN-Index trong nhịp tăng điểm vừa qua. Vì vậy, nếu không có sự xuất hiện của những yếu tố tích cực đủ mạnh thì khả năng cao sẽ có một nhịp điều chỉnh ngắn hạn để kiểm tra lại xu thế chính của VN-Index.

Mặc dù thị trường đã tạo lập mặt bằng giá mới quanh ngưỡng 400 điểm nhưng rủi ro VN-Index có thể điều chỉnh giảm về khu vực 390 - 400 điểm vẫn cần được đặc biệt lưu ý. Phiên giao dịch tiếp theo, nhà đầu tư ngắn hạn nên thận trọng quan sát diễn biến thị trường và không nên tiếp tục mua vào để tránh rủi ro T+4.

 

Nhịp tăng của thị trường chưa kết thúc

(CTCK VNDirect - VND)

Đóng cửa phiên 28/2, hai chỉ số giảm điểm tạo nến đen dài với khối lượng lớn. Nhịp điều chỉnh này đã được chúng tôi cảnh báo trong các bài nhận định gần đây, đi kèm với khuyến nghị hạn chế mua đuổi vì rủi ro T+ cao.

Các mã tăng nóng trong giai đoạn vừa rồi, bất kể sàn HOSE hay HNX hầu hết bị bán về giá sàn cho thấy lực chốt lời mạnh. Điều này cũng khá dễ hiểu khi mà đa số những mã này đã tăng trên 50% trong hai nhịp tăng vừa rồi.

Chúng tôi không cho rằng phiên 28/0 là phiên phân phối đỉnh và nhịp tăng của thị trường đã kết thúc. Đây chỉ là nhịp nghỉ của thị trường để tích lũy thêm dòng tiền và nhịp điều chỉnh này có thể sẽ kéo dài hơn so với nhịp điều chỉnh từ 10/2 đến 14/2.

Khuyến nghị chốt lời cổ phiếu tăng nóng bên HNX và nắm giữ cổ phiếu trên HOSE cho đến khi xuất hiện hiện tượng bán tháo đã được chúng tôi gửi đến quý vị trong các bản tin trước. Quyết định giải ngân trở lại sẽ được tính đến nếu lực cầu thị trường các phiên tới thể hiện tốt, đà giảm dịu dần.

 

Trong ngắn hạn, NĐT tạm thời nên đứng ngoài thị trường

(CTCK Dầu khí - PSI)

Thị trường đã xuất hiện phiên điều chỉnh mạnh đầu tiên sau 6 phiên tăng nóng. Phiên 28/2, sàn Hà Nội điều chỉnh khá mạnh khi giảm tới 3% trên chỉ số, đồng thời thanh khoản tăng đột biến tới 132,8 triệu đơn vị.

Mô hình mà chỉ số hai sàn tạo nên là dạng mẫu đảo chiều Bearish Engulfing và đi kèm với một số tín hiệu không tích cực. Thanh khoản hai sàn tăng rất mạnh trong phiên hôm nay cho thấy áp lực bán về cuối phiên là rất lớn.

Diễn biến này cũng khiến công cụ kĩ thuật dòng tiền (MFI) tạo một đỉnh thứ hai và xác nhận lại trạng thái phân kì âm (negative divergence), đồng thời cho tín hiệu giảm giá ngắn hạn.

Mặc dù vậy, phiên 28/2 giao dịch của khối ngoại vẫn chưa thể hiện chiều hướng tiêu cực khi họ mua ròng 5,8 triệu đơn vị trên HOSE (trong đó giao dịch với cổ phiếu MBB chỉ chưa tới 1 triệu).

Trong ngắn hạn, NĐT tạm thời nên đứng ngoài thị trường để quan sát diễn biến tiếp theo nếu chỉ số hai sàn tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ ngắn hạn 410 điểm với VN-Index, và 65 điểm với HNX-Index.

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ