Gọi vốn bằng trái phiếu: nên phát hành riêng lẻ hay đại chúng?

(ĐTCK) Kể từ 1/1/2018, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không quá 40%, so với mức được phép là 50% hiện hành. Dự báo, nhiều ngân hàng sẽ tiếp tục phát hành trái phiếu kỳ hạn dài để cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn.
Năm 2016, Vietcombank đã phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn kỳ hạn 10 năm Năm 2016, Vietcombank đã phát hành 8.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn kỳ hạn 10 năm

“Sứ mệnh” của trái phiếu

Trái phiếu từ lâu đã trở thành công cụ huy động vốn thường niên của nhiều ngân hàng. Ngoài sứ mệnh tăng vốn cấp 2, góp phần cải thiện hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thì trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên còn giải quyết bài toán cân đối cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn cho ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Công Thương (Vietinbank, mã chứng khoán CTG) đang dẫn đầu về số dư trái phiếu lưu hành trên 23.000 tỷ đồng, trong đó hai năm 2015, 2016 phát hành lần lượt 8.000 tỷ đồng và 5.400 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn kỳ hạn 10 năm.

Trong năm 2016, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán VCB) phát hành thành công 8.000 tỷ đồng trái phiếu tăng vốn kỳ hạn 10 năm.

Hiện tỷ trọng vốn trái phiếu so với số dư tiền gửi khách hàng còn khiêm tốn (khoảng 2% đến hơn 3% tại các ngân hàng lớn), nhưng tỷ trọng này có thể sẽ sớm được cải thiện khi hoạt động phát hành trái phiếu dự báo tiếp tục diễn ra trong năm 2017 và các năm sau đó, trong bối cảnh các ngân hàng đang có áp lực phải tăng quy mô vốn trung và dài hạn.

Theo quy định tại Thông tư 06/2016/TT-NHNN ngày 27/5/2016 của Ngân hàng Nhà nước, kể từ 1/1/2018, các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn không quá 40%, thay vì mức được phép theo quy định hiện hành là 50%. Có thể nói, đây là áp lực và cũng là động lực chính để các ngân hàng tiếp tục khai thác những thế mạnh của trái phiếu khi sản phẩm này được coi là công cụ tăng số dư huy động vốn trung và dài hạn, giúp cân đối lại cơ cấu kỳ hạn cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, khác với những sản phẩm huy động truyền thống như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi…, trái phiếu có thể mua bán, chuyển nhượng và giao dịch trên thị trường thứ cấp, thậm chí được quyền mua lại trước hạn, hay quyền bán lại trước hạn. Nếu biết vận dụng các đặc tính này thì trái phiếu không chỉ được cấu trúc phù hợp với nhu cầu của các nhà đầu tư mà còn có thể giúp giảm thiểu chi phí huy động vốn.

Ưu điểm của các hình thức phát hành

Thực tế cho thấy, lựa chọn hình thức phát hành trái phiếu riêng lẻ hay chào bán trái phiếu ra công chúng là vấn đề được các ngân hàng cân nhắc kỹ.

Thông thường, khối lượng vốn huy động trong một đợt phát hành của các ngân hàng khá lớn, có thể lên tới vài nghìn tỷ đồng hoặc lớn hơn. Trong khi đó, theo Thông tư 34/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ngày 31/12/2013, ngân hàng không được bán trái phiếu do mình phát hành trên thị trường sơ cấp cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoặc công ty con của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, trong khi đây là đối tượng nhà đầu tư cung vốn đáng kể trên thị trường trái phiếu.

Do đó, để thu hút lượng vốn lớn, trong khi vẫn phải tuân thủ quy định pháp luật về đối tượng mua trái phiếu thì hình thức chào bán trái phiếu ra công chúng có thể sẽ được nhiều ngân hàng lựa chọn.

Theo quy định, chào bán ra công chúng không hạn chế số lượng nhà đầu tư, trong khi phát hành riêng lẻ chỉ được phát hành cho dưới 100 nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp (công ty bảo hiểm, chứng khoán, quỹ đầu tư) và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.

Với lợi thế hệ thống chi nhánh rộng khắp trong cả nước, ngân hàng có thể lựa chọn chào bán trái phiếu ra công chúng để phát huy thế mạnh về mạng lưới trong việc huy động vốn từ các địa bàn khác nhau.

Chào bán trái phiếu ra công chúng còn giúp ngân hàng thuận lợi hơn khi chuyển dịch dần cơ cấu nhà đầu tư từ đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp có tổng nguồn vốn khá hạn chế sang các nhà đầu tư là cá nhân, tổ chức kinh tế có tổng nguồn vốn nhàn rỗi lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng có những ưu điểm riêng. Trước hết, thời gian phát hành riêng lẻ nhanh, thủ tục ngắn gọn. Sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận phương án phát hành thì các ngân hàng được phép triển khai phát hành trái phiếu ra thị trường và có thể kết thúc đợt phát hành trong vòng 1 tháng sau đó.

Trường hợp chào bán ra công chúng thì ngân hàng phải thực hiện thêm thủ tục đăng ký chào bán lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thời gian xử lý tại cơ quan này theo quy định là tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ.

Ngoài ra, hồ sơ, thủ tục phát hành riêng lẻ không phát sinh nhiều yêu cầu chặt chẽ như chào bán ra công chúng: yêu cầu về hồ sơ được lập theo đúng quy định, yêu cầu mở tài khoản phong tỏa tiền thu được từ chào bán trái phiếu tại một ngân hàng khác, hay phải có báo cáo kiểm toán tình hình sử dụng vốn từ đợt chào bán trước, hoặc phải thực hiện lưu ký trái phiếu nếu ngân hàng là công ty đại chúng, yêu cầu công bố thông tin…

Việc phát hành riêng lẻ thường chỉ chào bán đến một số ít nhà đầu tư với quy mô đặt mua lớn, do vậy, ngân hàng vẫn có thể đảm bảo khối lượng phát hành trong khoảng thời gian chào bán ngắn.

Do đó, khi triển khai phát hành trái phiếu đòi hỏi nhanh về thời gian, tiến độ, với khối lượng dự kiến phát hành không quá lớn (dưới 5.000 tỷ đồng) thì phương án phát hành riêng lẻ có lẽ có lợi thế hơn.

Như vậy, tùy tình hình và yêu cầu của từng đợt phát hành mà các ngân hàng cân nhắc quyết định về hình thức phát hành trái phiếu cho phù hợp, thậm chí có thể kết hợp cả chào bán ra công chúng và phát hành riêng lẻ để phát huy thế mạnh của mỗi hình thức.

An Doãn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ