Góc nhìn khác về việc trả cổ tức theo thị giá

(ĐTCK-online) Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp có quy định, việc tính giá cổ phiếu trả cổ tức phải theo giá thị trường, thay vì mệnh giá như hiện tại mà theo bình luận của một số chuyên gia, là để tránh hiện tượng làm giá và mục tiêu "nghĩ đến sự phát triển lâu dài của DN". Tuy nhiên, có thực quy định này có ý nghĩa như thế?

Chia cổ tức bằng CP: DN được và mất gì?

Khoản 2 Điều 26 của dự thảo Nghị định quy định: Giá trị của CP được sử dụng để thanh toán cổ tức phải được tính theo giá trị trường tại ngày quyết định chi trả cổ tức; và mỗi cổ đông được nhận số cổ phiếu có giá trị tương đương với số cổ tức như trường hợp công ty chi trả cổ tức bằng tiền mặt.

Trên thực tế, việc chia cổ tức bằng CP của DN giống như cách DN bỏ một phần tiền từ túi bên trái (vốn được đánh dấu bằng chữ "Lợi nhuận") sang túi bên phải (được ghi là “Vốn góp cổ phần”)! Do đó, nghiệp vụ chia cổ tức bằng CP chỉ là một hình thức khẳng định chắc chắn: DN được cổ đông đồng ý cho giữ cổ tức lại để tái đầu tư, mà không có bất kỳ một dòng tiền mới nào vào - ra DN. Sự khác biệt lớn nhất cho DN sau nghiệp vụ này là số CP tăng lên, tức áp lực làm đẹp báo cáo tài chính trong các năm tiếp theo cũng tăng lên. Do đó, nếu tính giá trị CP chia cổ tức theo giá nào thì DN cũng chẳng có gì thay đổi trong cơ cấu tài chính (cái khác là tỷ lệ chia cổ tức của DN và cách điều chỉnh giá trên thị trường)! Nhưng nhìn ở góc độ tích cực, áp lực này cũng khiến DN phải chịu sức ép tăng hiệu quả kinh doanh, nên nếu cho rằng có thể ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển lâu dài của DN là chưa chuẩn xác.

Trong khi đó, việc chia cổ tức bằng tiền của DN lại làm giảm đi một lượng tiền tương ứng. Điều này sẽ là bình thường nếu DN không có nhu cầu huy động vốn mới để tiếp tục đầu tư, nhưng với các DN có ý định mở rộng kinh doanh, rõ ràng, đây không phải là hướng lựa chọn tối ưu.

 

NĐT lợi - thiệt gì?

Câu hỏi đặt ra là, giữa chia cổ tức bằng CP và chia cổ tức bằng tiền mặt, phương án nào NĐT được lợi hơn?

Trên thực tế, nguyên tắc quan trọng trong việc điều chỉnh giá ngày giao dịch không hưởng quyền trên TTCK là đảm bảo giá trị vốn hóa tại một thời điểm không đổi! Tức là, nếu trả cổ tức bằng CP, thì khi tăng số CP sở hữu lên theo một tỷ lệ nhất định, giá tham chiếu cũng bị điều chỉnh theo. Trường hợp trả cổ tức bằng tiền mặt, giá trên thị trường cũng bị điều chỉnh giảm đúng bằng mức chi trả cổ tức.

Nếu nói rằng, việc trả cổ tức bằng CP sẽ gây ra một rủi ro lớn là yếu tố làm giá trên thị trường, điều này đúng với TTCK thời gian vừa qua. Tuy nhiên, mọi hoạt động đầu cơ đều có giai đoạn nhất định. Sau mỗi giai đoạn "quá độ" đó, giá CP có xu hướng tìm về điểm cân bằng và đương nhiên, những người vì quá ham thích CP chia thưởng có thể sẽ chịu rủi ro với số CP này, vì không ai có thể khẳng định chắc chắn, sau khoảng 2 tháng (thời gian kể từ ngày chốt quyền đến ngày CP về tài khoản), giá CP sẽ giữ nguyên như lúc cao trào! Chính vì vậy, hành động "làm giá" thiếu yếu tố hỗ trợ căn bản, về lâu dài sẽ không còn nhiều giá trị.

 

Phản ứng và… lách luật

Giả thiết rằng, việc chia cổ tức bằng CP ghi nhận theo giá thị trường là hợp lý và sẽ được thông qua. Xin ghi nhận một trường hợp… khó xử.

Một DN có vốn điều lệ 10 tỷ đồng được giao dịch ở mức giá 8.000 đồng/CP, do năm 2009 làm ăn lỗ. Tuy nhiên, quỹ lợi nhuận chưa phân phối của DN vẫn đủ để chia cổ tức (3,2 tỷ đồng), các quỹ còn lại là 0,5 tỷ đồng (tương đương tổng vốn chủ sở hữu của DN là 13,7 tỷ đồng. Khi đó, nếu áp dụng theo quy định trên, liệu DN có được chia cổ tức bằng CP theo tỷ lệ 10:4 không? Khi đó, số tiền tính theo giá thị trường vẫn đủ để DN thực hiện chia cổ tức như trên, nhưng nếu cho chia thì rõ ràng, tính theo mệnh giá 10.000 đồng/CP, DN đang có vốn góp cổ phần (13,2 tỷ đồng), thấp hơn so với tổng giá trị cổ phiếu tính theo mệnh giá (14 tỷ đồng)! Điều này, trong một vài trường hợp cụ thể sẽ gây ảnh hưởng nhất định, đơn cử khi DN thực hiện thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh.

Ngoài ra, với một số trường hợp giá CP quá cao, ban lãnh đạo DN hoàn toàn có thể dùng chiêu chia cổ tức bằng CP này để có nhiều… CP lẻ (do tỷ lệ chia quá thấp), để được mua lại giá hời!

Ngược lại, nếu vẫn muốn tăng số CP cho cổ đông hiện hữu, DN có thể "lách" bằng chia CP thưởng, lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối hoặc thực hiện chia tách CP!

Tất nhiên, người làm luật có lý của mình và thị trường cũng có lý của họ. Nhưng quy định này trong dự thảo Nghị định chắc sẽ khó nhận được sự đồng ý của đông đảo DN và NĐT.       

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ