Giao dịch chứng khoán sáng 11/5: Cặp đôi HAG-HNG dậy sóng, VN-Index lên gần 825 điểm

(ĐTCK) Mặc dù áp lực chốt lời gia tăng khi VN-Index thử thách mốc 820 điểm khiến chỉ số này rung lắc mạnh, nhưng lực cầu vững chắc giúp thị trường nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh và chốt phiên ở gần ngưỡng 825 điểm. Điểm đáng chú ý là cặp đôi HAG-HNG có màn lội ngược dòng khá ngoạn mục và hiện đang tăng trần cùng giao dịch sôi động.
Giao dịch chứng khoán sáng 11/5: Cặp đôi HAG-HNG dậy sóng, VN-Index lên gần 825 điểm

Sau 2 tuần liên tiếp điều chỉnh, thị trường đã có tuần giao dịch đầu tháng 5 đầy hứng khởi. Bên cạnh những tín hiệu tích cực từ nhà đầu tư ngoại khi áp lực bán ròng đã giảm đáng kể, thậm chí đã ngắt được nhịp bán ròng sau hơn 3 tháng bán ròng liên tục trong phiên cuối tuần 8/5, dòng tiền nội cũng chảy mạnh tiếp sức cho các bluechip bật cao, làm điểm tựa chính kéo VN-Index tăng vọt, vượt xa mốc 800 điểm.

Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư nội đến từ những thông tin như việc kiểm soát tốt dịch bệnh, những tín hiệu tái khởi động nền kinh tế mạnh mẽ của Chính phủ bao gồm mở cửa trở lại các địa điểm công cộng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ… cùng với những gói hỗ trợ lớn với doanh nghiệp và người dân.

Cuối tuần qua, Thủ tướng đã có cuộc gặp cộng đồng doanh nghiệp để bàn cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tại đây, nhiều giải pháp hiến kế cho công cuộc tái thiết nền kinh tế tiếp tục được gửi đến Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ ngành.

Trong đó, ông Ðặng Hồng Anh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã đưa giải pháp “khiến doanh nghiệp phải ồ lên”. 

“Nên chăng Ngân hàng Nhà nước xem xét áp trần lãi suất 1 năm với mức 5%, nếu người dân không gửi tiền, họ có thể chuyển đầu tư qua kênh chứng khoán, bất động sản, dịch vụ”, doanh nhân trẻ đề xuất.

Quay lại với xu hướng thị trường, theo ông Lê Anh Tùng, Phụ trách chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam, diễn biến tâm lý hưng phấn sẽ tiếp tục được duy trì, cộng hưởng với dấu hiệu phục hồi của TTCK thế giới sẽ giúp cho VN-Index có thể kéo dài được mạch tăng điểm trong tuần thứ 2 của tháng 5.

Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 11/5, dòng tiền vẫn khá sôi động cùng sự dẫn dắt của các bluechip, chỉ số VN-Index tiếp tục tiến bước và nhanh chóng vượt ngưỡng kháng cự 820 điểm.

Một lần nữa thị trường lại gặp khó khi thử thách vùng giá này. Áp lực bán gia tăng ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục đã khiến VN-Index cắm đầu đi xuống và thủng mốc tham chiếu. Chỉ trong hơn 20 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã để mất gần 10 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền mạnh đã giúp thị trường nhanh chóng thoát khỏi trạng thái này. Chỉ số VN-Index tiếp tục với hướng đi lên mốc 820 điểm nhờ sự hỗ trợ tích cực của phần lớn các bluechip.

Tâm điểm đáng chú ý là cặp đôi cổ phiếu của bầu Đức. Mặc dù xuất hiện lình xình ở mốc tham chiếu và sau đó điều chỉnh nhẹ nhưng HAG và HNG đã được kéo tăng trần chỉ sau khoảng thời gian khá ngắn.

Một trong những thông tin đáng chú ý là CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco), cổ đông lớn của HNG, đã trình cổ đông liên quan đến việc tái cấu trúc tập đoàn. Theo đó, Thaco dự tách công ty để thành lập pháp nhân mới là CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group) với vốn điều lệ dự kiến 19.324 tỷ đồng, để tái cấu trúc và kiểm soát theo mô hình tập đoàn.

Cụ thể, Thaco sẽ chuyển toàn bộ và Thaco Group được kế thừa, tiếp tục thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ tại các công ty, trong đó có HNG.

Sau chút thử thách và rung lắc mạnh đầu phiên, thị trường đã tìm lại hướng đi. Chỉ số VN-Index đi ngang quanh vùng giá 820 điểm trong gần 1 giờ và tiếp tục nới rộng biên độ trong 30 phút cuối phiên, lên mức cao nhất nhờ dòng tiền sôi động.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 217 mã tăng và 127 mã giảm, VN-Index tăng 10,69 điểm (+1,31%), lên 824,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 218,26 triệu đơn vị, giá trị 3.653,55 tỷ đồng, tăng 17,34% về khối lượng và 4,77% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước.

Giao dịch thỏa thuận đóp góp 60,64 triệu đơn vị, giá trị 1.123,86 tỷ đồng, trong đó đáng kể PC1 thỏa thuận hơn 23 triệu đơn vị, giá trị 414,95 tỷ đồng; VPB thỏa thuận 9,65 triệu đơn vị, giá trị hơn 205 tỷ đồng; HNG thỏa thuận 9,52 triệu đơn vị, giá trị 123,76 tỷ đồng.

Hầu hết các cổ phiếu ngân hàng đều nới rộng biên độ và nhiều mã tìm đến mức giá cao nhất như BID, VCB, STB, VPB, đáng kể TCB thiếu chút nữa có phiên tăng trần thứ 2, nhưng chốt phiên vẫn tăng gần hết biên độ 6,6% lên mức 20.150 đồng/CP.

Bên cạnh đó, một số mã lớn cũng tăng khá tốt như GAS +3,2% lên 71.800 đồng/CP, HPG +2,1% lên 23.900 đồng/CP, VHM +2,7% lên 72.800 đồng/CP, VNM +1,4% lên 106.600 đồng/CP.

Trong nhóm VN30, chỉ còn 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu là POW, REE, ROS và VJC, trong đó chỉ có duy nhất VJC có mức giảm hơn 1% (-1,6%), sau 3 phiên khởi sắc liên tiếp trước đó.

Tuy nhiên, ROS đã lấy lại vị trí dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với gần 10 triệu đơn vị. Tiếp theo đó là các mã ngân hàng gồm MBB khớp 8,19 triệu đơn vị, VPB, STB, CTG đều khớp hơn 5 triệu đơn vị.

Cặp đôi HAG và HNG tiếp tục duy trì đà khởi sắc. trong đó, HAG giữ mức giá trần 3.760 đồng/Cp với khối lượng khớp hơn 4,2 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, còn HNG cũng giữ áo tím và khớp 2,18 triệu đơn vị nhưng đã chuyển sang trạng thái dư bán trần 15.220 đơn vị.

Các mã vừa và nhỏ khác như FLC, ITA, HHS, AMD, HQC, LDG, HBC, DIG… cũng đều nhích nhẹ.

Trên sàn HNX, đà tăng cũng được nới rộng về cuối phiên nhờ lực kéo từ một số mã bluechip, cũng giúp HNX-Index tạm dừng tại mức cao nhất của phiên sáng.

Chốt phiên sáng, sàn HNX có 48 mã tăng và 43 mã giảm, HNX-Index tăng 1,2 điểm (+1,09%), lên 111,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 23,52 triệu đơn vị, giá trị 234,96 tỷ đồng, giảm 22,2% về lượng và 17,1% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,78 triệu đơn vị, giá trị 10,8 tỷ đồng.

Một số mã bluechip tăng khá tốt như ACB +1,4% lên 21.700 đồng/CP, SHB +2,4% lên 17.400 đồng/CP, DGC +1,4% lên 29.000 đồng/CP, PVS +2,5% lên 12.400 đồng/CP…

Nhóm HNX30 chỉ có 6 mã giảm là DTD, PVI, SHS, VC3, VCG, VGS với mức giảm chỉ trên dưới 1%.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, KLF dù có rung lắc và có lúc tiếp tục giảm sàn nhưng cổ phiếu này đã chốt phiên sáng trong sắc tím nhờ lực cầu gia tăng. Hiện KLF đứng tại mức giá 1.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất sàn HNX, đạt 5,56 triệu đơn vị.

Ngoài KLF, top 5 cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn HNX còn có PVS khớp 3,66 triệu đơn vị, ACB khớp 2,67 triệu đơn vị, NVB và SHB khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, sau chút điều chỉnh nhẹ đầu phiên, thị trường đã đảo chiều hồi phục

Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,41 điểm (+0,77%), lên 53,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 11,17 triệu đơn vị, giá trị 136,23 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 321 triệu đồng.

Cặp đôi LPB và BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản trên thị trường UPCoM và cũng là 2 mã duy nhất có khối lượng giao dịch trên 1 triệu đơn vị.

Cụ thể, LPB +5,48% lên 7.700 đồng/CP và khớp hơn 3 triệu đơn vị; BSR +1,64% lên 6.200 đồng/CP và khớp 2,19 triệu đơn vị.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ