Giảm chi tiêu tiền mặt để chống thất thu thuế

Ông Nguyễn Văn Ninh, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế trong cuộc trao đổi với phóng viên, đã khẳng định chính sách giảm chi tiêu tiền mặt, mở rộng chi tiêu qua tài khoản nhằm chống thất thu thuế.
Ông Nguyễn Văn Ninh Ông Nguyễn Văn Ninh

Kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển với xu thế nhanh hơn, mạnh hơn và hội nhập quốc tế sâu hơn, tội phạm trong lĩnh vực này được dự báo sẽ diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Ngành Thuế có sự chuẩn bị như thế nào, phối hợp ra sao nâng cao hiệu quả thu ngân sách Nhà nước (NSNN)?

 

Ông nhận định thế nào về xu hướng vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế thời gian tới?

 

Theo nhận định của chúng tôi, hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế được dự báo là sẽ hết sức phức tạp.

 

Ngoài những vi phạm và tội phạm về thuế thông thường như: thành lập doanh nghiệp “ma”, gian lận thương mại trong các ký kết hợp đồng kinh tế ngoại thương, buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, trốn thuế… thì sẽ xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như: gian lận hoàn thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở khu kinh tế thương mại tự do, gian lận thuế trong các ngành kinh doanh bảo hiểm, thuế nhà thầu, kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh Internet, kinh doanh tư vấn pháp luật, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ...

 

Do vậy, chính sách và cơ chế quản lý về thuế sẽ phải được hoàn thiện nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người kinh doanh, phù hợp với xu thế phát triển của đất nước, khu vực và thế giới. Đồng thời, cũng phải đảm bảo chặt chẽ để phòng ngừa, phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm và phạm tội nói trên.

 

Tình trạng chây ỳ nợ thuế của các DN hiện khá bức xúc. Ngành thuế có biện pháp “mạnh” nào để xử lý vấn đề này?

 

Số tiền nợ đọng thuế do các tổ chức và cá nhân chây ỳ từ năm 1990 (thời điểm chúng ta có Luật Thuế) đến nay vào khoảng 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây chúng ta mới chỉ tập trung vào các hành vi gian lận, trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế chứ chưa đi sâu vào hành vi chây ỳ nợ thuế.

 

Lần này trong Luật Quản lý thuế đã quy định rất rõ. Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính đang hoàn tất Thông tư về xử lý nợ đọng thuế và cưỡng chế thuế nhằm xử lý kiên quyết hơn với hành vi chây ỳ nợ thuế.

 

Trong đó, điểm mới là đưa ra một loạt các biện pháp để cưỡng chế như: Phong tỏa tài khoản, rút đăng ký kinh doanh, đình chỉ việc bán hóa đơn, kê biên tài sản và tổ chức bán đấu giá để thu hồi tiền thuế cho Nhà nước.

 

Ngoài ra còn có một số biện pháp khác buộc các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân buộc phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Nếu áp dụng các chế tài trên mà người nộp thuế vẫn không thực hiện thì sẽ tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

 

Việc thất thu thuế, nợ đọng thuế kéo dài có nguyên nhân nào từ sự yếu kém của ngành thuế không?

 

Chúng tôi cho rằng, trong lực lượng cán bộ thuế, cũng có một số cán bộ cũng chưa làm hết trách nhiệm, thậm chí là do thoái hóa, biến chất, vụ lợi.

 

Do vậy, lần này chúng tôi cũng kiên quyết xử lý thích đáng đối với những cán bộ, cá nhân để xảy ra vi phạm. Liên quan đến chính sách thuế, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu.

 

Nhưng tôi xin nhấn mạnh, chính sách này áp dụng chung trên phạm vi cả nước, không chỉ của riêng Hà Nội hay của riêng quận Đống Đa.

 

Do vậy, đối với vụ việc vi phạm tại Chi cục Thuế Đống Đa, bước đầu, tôi nhận định, sai sót ở đây liên quan đến công tác quản lý cán bộ và phẩm chất cán bộ trong phạm vi cụ thể.

 

Thực hiện cam kết gia nhập WTO, nhiều dòng thuế sẽ cắt, giảm dần. Nguồn thu ngân sách có sự đóng góp lớn từ thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Ngành Thuế có biện pháp gì để chống thất thu từ khu vực này?

 

Thời gian vừa qua, trốn thuế thu nhập cao chủ yếu xảy ra với những người như bác sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ, vận động viên và những người làm tự do có thu nhập cao.

 

Thực ra hiện nay việc quản lý chưa thật tốt. Môi trường của chúng ta hiện chủ yếu là chi tiêu bằng tiền mặt không qua hệ thống tài khoản mà nhà nước có thể kiểm soát được. Cho nên, tới đây, khi xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân thì phải có một loạt các biện pháp chặt chẽ.

 

Ngành Thuế đang phối hợp xây dựng được một hệ thống thông tin từ không chỉ người nộp thuế mà với cả các tổ chức, cá nhân khác để giúp kiểm chứng được kê khai của cá nhân nộp thuế.

 

Chẳng hạn một cuộc biểu diễn nghệ thuật thì phải kết nối giữa đơn vị tổ chức đó và cơ quan thuế. Khi đó người ca sĩ biểu diễn ở đâu, lúc nào, thu nhập bao nhiêu thì cơ quan thuế mới nắm được

 

Theo Chỉ thị mới của Thủ tướng Chính phủ, từ đầu 2008, cán bộ hưởng lương ngân sách sẽ nhận lương qua tài khoản. Tuy nhiên, vẫn còn những khoản thu nhập khác chưa được trả qua tài khoản dẫn đến việc kiểm soát không thể triệt để. Vậy ngành Thuế làm thế nào để kiểm soát chặt chẽ thu nhập?

 

Vấn đề này Chính phủ đang giao cho hệ thống ngân hàng xây dựng chế độ thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam . Chỉ khi nào chúng ta làm được việc này thì mới tạo được môi trường quản lý thuế thuận lợi.

 

Ngoài ra phải xây dựng hệ thống thông tin từ người nộp thuế đến cơ quan thuế và từ các tổ chức, cá nhân có liên quan như tôi nói ở trên. 


An ninh Thủ đô

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ