Giải mã cú rơi sâu của VN-Index

(ĐTCK) Chỉ số VN-Index đánh mất mốc tâm lý quan trọng 1.000 điểm, xu hướng giảm chiếm ưu thế trong tuần qua. Dù đã xuất hiện những cảnh báo về đợt điều chỉnh, nhưng thị trường vẫn có phần bất ngờ trước đà sụt giảm mạnh như trong phiên 21/3. 
Giải mã cú rơi sâu của VN-Index

Phiên giao dịch 21/3, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam “bốc hơi” tới 73.000 tỷ đồng khi VN-Index giảm 20,52 điểm. Trong đó, có đến hơn 16 điểm được đóng góp từ khoảng 10 cổ phiếu có vốn hoá lớn trên thị trường, bao gồm nhóm cổ phiếu Vingroup (VRE, VIC, VHM); nhóm dầu khí (GAS, PLX); nhóm ngân hàng (BID, CTG, VPB, TCB) và các cổ phiếu vốn hoá lớn khác như VNM, MSN...

Diễn biến đi xuống của thị trường trùng với thời điểm đáo hạn hợp đồng phái sinh F1903. Do đó, nhiều nhà đầu tư cho rằng, chính biến động từ thị trường phái sinh đã ảnh hưởng mạnh tới thị trường cơ sở.

Nhiều chuyên gia thừa nhận, mức độ giảm điểm có phần hơi bất ngờ, nhưng nguyên nhân xuất phát từ chính thị trường cơ sở, chứ không phải do tác động của thị trường phái sinh. Việc thị trường rớt điểm mạnh chỉ đơn giản trùng hợp với ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh, không loại trừ khả năng nhà đầu tư tổ chức nào đó tái cơ cấu danh mục trong phiên này.

Nhiều người cảm thấy bất ngờ là bởi thị trường giảm điểm trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, dòng tiền ngoại vẫn chảy vào thị trường chứng khoán thông qua các quỹ ETF. Ðặc biệt, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất và đưa ra tín hiệu sẽ không thực hiện đợt nâng lãi suất nào nữa trong năm nay.

Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, yếu tố có tác động tiêu cực đến diễn biến thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua, đang có tín hiệu tích cực. Chưa kể, mặt bằng định giá P/E VN-Index hiện chỉ dao động quanh 17 lần - mức trung tính. Tổng hoà các yếu tố này, khó có thể coi thị trường chứng khoán trong nước đã tăng nóng để có thể xuất hiện điều chỉnh sốc.

Nhà đầu tư có thể hơi thất vọng với phiên giảm điểm như trên, nhưng thực tế mức giảm này chưa phải là nhiều. Thị trường đã tăng từ 860 điểm lên hơn 1.000 điểm, tương ứng tăng 150 điểm, thì việc giảm vài chục điểm sau đó là hoàn toàn bình thường. Ðiều này cũng đã được chứng minh nhiều lần trong quá khứ.

Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, ông Trần Quang Khải, Phòng Tư vấn khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định, đã xuất hiện một số cơ sở để cho rằng trong ngắn hạn, VN-Index đã lập đỉnh ở 1.015 điểm và đang bước vào chu kỳ giảm. Thị trường đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu, ngành khác nhau như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, khu công nghiệp, thuỷ sản, dệt may, thép; các nhóm cổ phiếu cao su, dầu khí, điện nước... đa phần đã hoặc đang tăng (dĩ nhiên có sự phân hoá). Tức thị trường đã xoay vòng hết các nhóm ngành.

Còn nếu phân theo nhóm vốn hoá cổ phiếu, thì bluechip đã tăng dữ dội, sóng midcap đã có và vừa qua sóng penny cũng đã nổi lên. Theo ông Khải, thường khi penny "nổi sóng" mà thị trường đã gần đỉnh con sóng thì sau đó sẽ giảm điểm. Nhìn vào các cổ phiếu có tác động lớn khiến thị trường giảm điểm cho thấy, doanh nghiệp không có nhiều thông tin mới, quá tích cực để cổ phiếu chạy nhanh như vậy, nên khi đã tăng lên vùng giá trên 10 - 20% thì bắt buộc có điều chỉnh.

Ông Khải cũng lưu ý, yếu tố dẫn dắt con sóng từ đầu năm đến nay là động thái mua ròng của khối ngoại. Khối này gần như mua ròng trong 2 tháng đầu năm, sang tháng 3 vẫn còn mua ròng nhưng lượng mua đã giảm đi, số phiên bán ròng tăng lên. Ðặc biệt, chứng chỉ quỹ VFMVN30 ETF được khối ngoại mua ròng mạnh, Quỹ liên tục phát hành lớn, có những ngày phát hành đến 6 - 10 triệu chứng chỉ quỹ (tương ứng 100 - 150 tỷ đồng). Nhưng hoà chung với xu hướng khối ngoại, vẫn phát hành mới, nhưng giá trị ngày nhỏ dần, gần đây chỉ mua trung bình gần 2 triệu chứng chỉ quỹ/ngày.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Hồng Khanh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán VIS, để thị trường tiếp tục đi lên, cần có những đợt điều chỉnh tương đối để tìm điểm cân bằng. Tín hiệu phân kỳ đã phát đi từ tuần trước nữa, nhưng tuần vừa qua rõ nét hơn, đến phiên 21/3 thì hình thành xu hướng giảm xuống. Trong ngắn hạn, đây là điều cần thiết, nhất là khi các thông tin vĩ mô đang lần lượt được công bố ra thì sẽ phản ánh thực chất thị trường hơn.

Ông Khanh dự báo, VN-Index có thể dao động quanh mốc 950 - 970 điểm thì sẽ tích luỹ trở lại. Dự báo cho cả năm 2019, vị này cho rằng, thị trường sẽ không quá u ám.

Ông Ðỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết thì cho rằng, sự giảm điểm không đáng lo ngại vì tập trung ở các cổ phiếu trụ - nhóm đã đưa thị trường lên. Mặt bằng giá cổ phiếu vẫn đang ổn định. Nhà đầu tư cần nhìn nhận rõ rằng, thị trường hiện không tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, có chăng vấn đề nằm ở nhóm cổ phiếu trụ đã “căng quá” nên buộc phải điều chỉnh. Khi về đến mức định giá  phù hợp thì “đâu lại vào đấy”.

Trong trung hạn, theo ông Ngọc, có nhiều yếu tố hỗ trợ cho thị trường chứng khoán như việc Fed không thắt chặt tiền tệ như dự kiến, Ngân hàng Trung ương châu Âu có khả năng duy trì lãi suất 0% hoặc bơm thêm tiền; Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Trung Quốc đang thực hiện bơm thêm tiền ra nền kinh tế. Các yếu tố này giúp xoá bỏ phần nào những lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ của ngân hàng trung ương các nền kinh tế lớn.

“Chỉ cần không thu hẹp đã là thông tin rất tốt”, ông Ngọc nói và dự báo, VN-Index sẽ kiểm nghiệm lại vùng hỗ trợ mạnh 960 - 970 điểm, sau đó có thể đi lên mốc 1.050 điểm trong quý II.

Thận trọng hơn, chuyên gia Công ty Chứng khoán Rồng Việt cho rằng, trong 1 - 2 tháng tới, thị trường không quá tích cực, do thị trường chứng khoán trong nước và toàn cầu đã tăng mạnh trong quý I, nên các nhịp điều chỉnh (khi xuất hiện) sẽ mạnh. Hiệu ứng "Sell in May" cũng không thể loại trừ.

Trong mùa đại hội cổ đông, các doanh nghiệp cần thận trọng xem xét như HPG, REE, FMC… Mặt khác, cổ phiếu các công ty được dự báo hưởng lợi từ chiến tranh thương mại đã tăng nhiều (thủy sản, dệt may, khu công nghiệp…). Về vĩ mô, tăng trưởng GDP quý I theo Bộ Kế hoạch và Ðầu tư dự báo có thể đạt khoảng 6,58% (thấp hơn so với kịch bản đề ra). Giá điện tăng 8,36% từ 20/3/2019 sẽ làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp.

Chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt khuyến nghị, nhà đầu tư tránh mua các cổ phiếu đã tăng nóng, đặc biệt là penny; đồng thời, hạ tỷ lệ margin, tăng tỷ trọng tiền mặt trong danh mục. Nhà đầu tư cũng không nên vội vàng giải ngân bắt đáy, chỉ nên nắm giữ những cổ phiếu mình thực sự hiểu rõ và tin tưởng và đừng quên theo dõi sát động thái mua - bán của khối ngoại.           

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ