Giải mã bức tranh thị phần sàn phái sinh quá lệch

(ĐTCK) Bức tranh thị phần môi giới phái sinh ngày càng thay đổi mạnh, dần tập trung vào một vài công ty.
Giải mã bức tranh thị phần sàn phái sinh quá lệch

Năm 2017, thị trường chứng khoán có 7 công ty chứng khoán tham gia thị trường phái sinh, trong đó Công ty Chứng khoán SSI giữ vị trí số 1 về thị phần môi giới sản phẩm này, với tỷ lệ 28,28%.

Sang năm 2018, có 10 công ty chứng khoán tham gia cung cấp dịch vụ phái sinh, trong đó Công ty Chứng khoán VNDIRECT dẫn đầu về thị phần môi giới với tỷ lệ 23,92%, theo sau là Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) với tỷ lệ 22,4%, Công ty Chứng khoán MB (MBS) với tỷ lệ 16,57%, SSI lùi xuống vị trí thứ 4 với tỷ lệ 14,53%, xếp thứ 5 là Công ty Chứng khoán VPS với tỷ lệ 13,61%.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, VPS vượt lên dẫn đầu với thị phần 51,82%, bỏ xa các vị trí sau đó của VNDIRECT (12,57%), MBS (10,65%), HSC (7,29%), SSI (6,8%)…

Giải mã bức tranh thị phần sàn phái sinh quá lệch ảnh 1

Top 10 thị phần môi giới chứng khoán phái sinh quý II/2019.

Sự dịch chuyển mạnh mẽ về thị phần môi giới cho thấy cuộc đua mới của các công ty chứng khoán và bức tranh thị phần hiện quá lệch, tập trung vào một vài công ty, nhất là công ty áp dụng chính sách miễn giảm phí giao dịch.

Ở giai đoạn ban đầu của thị trường phái sinh, nhiều công ty chứng khoán miễn phí giao dịch, sau đó bắt đầu thu phí từ cuối năm 2017. Tuy nhiên, một số công ty hiện vẫn đang áp dụng chính sách miễn giảm phí như VPS. Việc miễn giảm phí cùng với sự “soán ngôi” của VPS trong mảng môi giới chứng khoán phái sinh đặt ra câu hỏi, liệu phí môi giới có phải là “chìa khóa” cạnh tranh đối với khối công ty chứng khoán trong mảng này?

Nhiều nhà đầu tư cho biết, giao dịch phái sinh đang chịu nhiều loại phí, bao gồm phí giao dịch, phí dịch vụ (nộp cho sở giao dịch), phí quản lý vị thế nếu nắm giữ chứng khoán qua đêm và phí quản lý tài sản ký quỹ (hai loại phí này nộp cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán). Do đó, công ty chứng khoán hỗ trợ phí giao dịch là một “điểm cộng” thu hút nhà đầu tư, nhất là khi công ty tính số tiền ký quỹ ban đầu ở mức thấp.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chiến lược thị trường, Khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) nhận xét, trong bối cảnh chi phí đầu tư cao, chính sách miễn giảm phí của công ty chứng khoán giúp hoạt động đầu tư chứng khoán phái sinh trở nên hấp dẫn hơn.

Với những nhà đầu tư có tần suất giao dịch nhiều, chi phí tiết kiệm được là không nhỏ. Vì vậy, không tính đến các yếu tố khác thì dưới góc độ khách hàng, công ty chứng khoán duy trì chính sách miễn phí giao dịch chiếm thị phần môi giới áp đảo là điều dễ hiểu. Tất nhiên, các công ty chứng khoán có phí giao dịch cao hơn vẫn có khả năng giữ chân khách hàng bằng các tiện ích của hệ thống giao dịch hay chất lượng tư vấn.

Theo ông Vũ Đức Long, Giám đốc kinh doanh Khối tư vấn đầu tư VPS, công ty dẫn đầu thị phần môi giới chứng khoán phái sinh là hiện thực hóa từ định hướng và tầm nhìn dài hạn của Ban lãnh đạo cùng các sản phẩm dành cho chứng khoán phái sinh trong việc hỗ trợ nhà đầu tư tiếp cận thị trường này.

Bên cạnh việc tư vấn, giúp nhà đầu tư hiểu, sử dụng sản phẩm phái sinh thì điều quan trọng là tiết kiệm chi phí đầu tư. Ngoài phí giao dịch, xu hướng cạnh tranh trong thời gian tới của các công ty chứng khoán là hạ tầng công nghệ, vì nhà đầu tư rất quan tâm đến sự ổn định và thuận tiện, tiện ích trong giao dịch.               

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ