EU bỏ ưu đãi thuế quan đặc biệt với giày da Việt Nam

Uỷ ban Châu Âu (EC), hôm 13/6 thông báo bãi bỏ Quy chế ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) đối với mặt hàng giày da VN nhập khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU), kể từ 1/1/2009.
Ông Sean Doyle - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EC tại VN. Ông Sean Doyle - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EC tại VN.

Ra khỏi GSP, giày da VN sẽ phải gánh chịu mức thuế cao hơn tại thị trường EU. Đây sẽ là cú sốc cho ngành công nghiệp xuất khẩu (XK) chủ lực này, đồng thời, tác động tới đời sống của ít nhất 1 triệu công nhân trong lĩnh vực giày da.

 

Ông Sean Doyle (ảnh) - Đại sứ, Trưởng phái đoàn EC tại VN - khẳng định: "Việc xét duyệt lại GSP cho thấy, ngành giày dép VN có sức cạnh tranh mạnh trên thế giới". Tổng kim ngạch XK giày da VN sang EU năm 2007 tăng 10,6%, đạt tổng giá trị 2,17 tỷ USD, so với 1,96 tỷ USD năm 2006.

 

Quy chế GSP được thiết lập năm 1971, tạo cho các nước đang phát triển sự ưu đãi thuế quan đơn phương để khuyến khích XK. Quy chế quy định rằng, khi XK giày da của VN chiếm trên 15% tổng giá trị XK của giày da đến từ tất cả các nước được hưởng GSP, VN được coi là đạt được một mức độ cạnh tranh nhất định và không cần thiết được hưởng ưu đãi nữa.

 

Theo ông Sean Doyle, 3 năm trước, EC đã định bãi bỏ GSP đối với giày da VN vì đã vượt 15%. Tuy nhiên, XK giày dép của VN vào EU chiếm hơn 50% tổng giá trị hàng XK được hưởng GSP của VN vào EU. Nếu bãi bỏ GSP, kinh tế VN sẽ bị tác động mạnh. Do đó, EC đã thêm điều khoản mới, cho phép các ngành hàng dù đã thỏa mãn hạn mức 15% vẫn được hưởng GSP, nếu giá trị XK của ngành hàng đó chiếm ít nhất 50% tổng giá trị hàng XK được hưởng GSP.

 

"Hiện XK giày dép của VN vào EU chiếm 19% tổng XK giày dép của tất cả các nước hưởng GSP của EC và không còn chiếm 50% tổng giá trị XK được hưởng GSP của VN (49,1%). VN đã không còn quá phụ thuộc vào XK giày dép nữa. Đó là lý do để EC loại giày dép VN khỏi danh sách" -  ông Sean Doyle nói. Ông nhấn mạnh, chỉ duy nhất ngành giày dép VN "tốt nghiệp" GSP, các mặt hàng khác vẫn tiếp tục được hưởng lợi.

 

Trả lời câu hỏi: "Vì sao EC lại ra quyết định đúng thời điểm nền kinh tế VN đang gặp nhiều khó khăn. Hành động này có mâu thuẫn với mục tiêu xoá đói giảm nghèo mà EC đang tiến hành tại VN?" - Đại sứ Sean Doyle cho biết: "Chúng tôi có những mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở VN và chỉ quan ngại tới những nhóm người thiểu số tại vùng sâu, vùng xa và những người nghèo thành thị. Chúng tôi không lo lắng đối với ngành giày dép đã có sức cạnh tranh nhất định của VN".

 

Đại sứ Sean Doyle bác bỏ lập luận cho rằng, XK giày dép của VN vào EU giảm sút chỉ còn 49,1% tổng giá trị XK được hưởng GSP là do EU áp thuế chống bán phá giá vào mặt hàng này.

 

Ông nói: "Thuế chống bán phá giá chỉ ảnh hưởng tới 20% trong toàn bộ giày dép XK. Năm 2007, thị phần của giày dép bị áp thuế chống bán phá giá vẫn duy trì ở mức cố định 20%. Điều này chứng tỏ rằng không có sự sụt giảm về XK của những hàng hóa bị áp thuế và sự giảm sút liên tục của toàn bộ sản phẩm giày da XK là do khả năng cạnh tranh của các ngành hàng khác đã tăng lên.

 

Để giúp đỡ VN tránh những tác động xấu do hậu quả của quyết định trên, ông Sean Doyle cho hay, EC sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho VN 10 triệu euro để nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại quốc tế và góp 20 triệu euro cho Chương trình tín dụng hỗ trợ xóa đói giảm nghèo tại VN.

 

Đại sứ cho biết, hai bên cần tìm giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Đó chính là Khu vực Tự do thương mại (FTA) EU-ASEAN hiện đang trong quá trình đàm phán.

 

"FTA là công cụ thích hợp hơn, hiện đại hơn đối với cơ cấu thương mại ngày càng tinh vi và tốc độ phát triển nhanh chóng của VN" - Trưởng phái đoàn EC nói. Ông cho hay, hiện EU và ASEAN đã đàm phán được 2 vòng và vòng 3 sẽ được tổ chức ở Manila trong 10 ngày tới. Tuy nhiên, ông thừa nhận vẫn còn rất nhiều khác biệt.

 

Chủ tịch Hiệp hội Da giày VN Nguyễn Đức Thuấn: Năng lực cạnh tranh ngành da giày VN sẽ thiệt hại 100 triệu USD

 

Hiệp hội Da giày VN cùng các cơ quan nhà nước từ nhiều tháng nay đã rất nỗ lực đàm phán và vận động về vấn đề này với Tổng vụ châu Âu, nhưng phía EU vẫn thông qua việc bãi bỏ GSP đối với giày da xuất xứ từ VN.

 

Việc bãi bỏ GSP sẽ làm suy giảm lợi thế cạnh tranh của mặt hàng giày da VN so với các nước khác trong khu vực, do bình quân mỗi đôi giày của VN khi XK sang thị trường EU sẽ phải tăng giá do chịu thuế từ 3,5 - 5% trong khi các quốc gia XK giày khác không phải chịu loại thuế này.

 

Nếu so với kim ngạch XK da giày năm 2007 khoảng 2,2 tỷ USD thì lợi thế cạnh tranh của ngành da giày VN sẽ bị thiệt hại khoảng 100 triệu USD. Việc áp mức thuế này sẽ làm cho một số đối tác nước ngoài đưa đơn hàng đến những quốc gia khác, gây thiệt hại cho ngành công nghiệp da giày của VN cũng như ảnh hưởng đến việc làm của 1 triệu lao động ngành da giày.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ