Đua nhau mua lại quyền đấu giá cổ phần PVFC

Giá khởi điểm mỗi cổ phần Công ty Tài chính Dầu khí (PVFC) trong cuộc IPO ngày mai là 51.000 đồng. Tuy nhiên, những người lỡ không đăng ký được đang lùng mua lại quyền đấu giá của người khác với giá 2.500 đồng.
Nhiều nhà đầu tư tiếc hùi hụi vì không đăng ký đấu giá PVFC. Ảnh minh họa Nhiều nhà đầu tư tiếc hùi hụi vì không đăng ký đấu giá PVFC. Ảnh minh họa

Hải, một tay lướt sóng có hạng tại Hà Nội cho hay, gần đây giới đầu tư bàn luận rất sôi nổi về vụ IPO của PVFC, một số người còn gọi cổ phiếu của công ty này là "hàng khủng". Giá của nó trên thị trường tự do cũng biến động nhanh chóng và đang dao động trong khoảng 70.000-85.000 đồng.

 

Chính vì vậy, nhiều người tiếc hùi hụi vì đã không đăng ký tham dự IPO lần này. Hải kể sau một thời gian khá dài bị thua lỗ, khi thị trường sôi động trở lại, nhiều nhà đầu tư hồ hởi lên sàn mà không để ý tới cổ phiếu OTC. Gần đây, khi nghe nói nhiều tới IPO của PVFC, họ quay lại nhưng không kịp nên đành mua lại quyền đấu giá của người khác.

 

Nhờ có mối quan hệ thân thiết với một vài công ty chứng khoán nên Hải nắm khá rõ "nội tình" của vụ này. Hải cho hay, số lượng người đăng ký mua lại quyền đấu giá rất nhiều.

 

Theo đánh giá của một số chuyên gia, sở dĩ cổ phiếu PVFC có sức hấp dẫn là vì lĩnh vực hoạt động PVFC rất tiềm năng, tình hình tài chính trước IPO cũng khá lành mạnh. Là thành viên của Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN với số vốn điều lệ ban đầu 100 tỷ đồng, hiện đã lên tới 3.000 tỷ đồng, PVFC trở thành công ty tài chính có vốn điều lệ cao nhất nước.

 

Mặc dù tăng vốn liên tục trong thời gian qua nhưng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của PVFC vẫn tăng đều qua các năm. Nếu như năm 2004 là 2,61% thì đến năm 2006 con số này đã là 11,13%. Dự kiến, doanh thu của PVFC trong năm nay là 3.000 tỷ đồng nhưng riêng 9 tháng đầu năm, doanh thu đã đạt con số 2.003 tỷ đồng.

 

Thêm vào đó, dầu khí được coi là ngành "huyết mạch" của đất nước nên sức hấp dẫn của PVFC càng lớn hơn. Thắng, một nhà đầu tư nhận định: "Bây giờ đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bất động sản hay dầu khí đang là mốt". Ngoài ra theo Thắng, việc lãnh đạo PVFC khẳng định sẽ xúc tiến đăng ký niêm yết ngay trong năm nay cũng góp phần kích thích nhà đầu tư.

 

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Xuân Quyến, Giám đốc Phòng phân tích đầu tư, Công ty chứng khoán Tân Việt, hiện nay rất nhiều nhà đầu tư đang nhìn vào giá của những cổ phiếu thuộc ngành dầu khí trên sàn để kỳ vọng vào mức giá của PVFC sau khi niêm yết. Những người này đang lầm tưởng khi cho rằng, cứ dầu khí thì giá sẽ cao.

 

Giải thích cho nhận định này, ông Quyến nêu ví dụ của PET - cổ phiếu Công ty cổ phần Dịch vụ du lịch dầu khí vừa chào sàn ngày 12/9. Chỉ sau chưa đầy 1 tháng lên sàn, PET đã tăng gấp đôi giá trị, đạt 104.000 đồng mỗi cổ phiếu vào ngày 4/10 vừa qua. "Nếu nhìn vào bản cáo bạch của PET không thấy có gì đặc biệt. Lợi nhuận cũng vẫn "chia ở thì tương lai", nhưng giá của cổ phiếu này vẫn tăng khá mạnh bởi vì kỳ vọng của nhà đầu tư quá lớn", ông Quyến nói.

 

Ông Quyến cho hay, nếu là một nhà đầu tư cá nhân và có ý định đầu tư lâu dài thì ông sẽ không đưa PVFC vào danh mục của mình. Sau đợt IPO ngày mai, vốn điều lệ của công ty sẽ lên đến 5.000 tỷ đồng. Theo ông Quyến, nếu không sử dụng hiệu quả, số vốn khổng lồ đó có thể là gánh nặng với cổ đông.

 

Hoàng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp đã tham gia thị trường hơn 7 năm nay cũng cho biết, PVFC có các công ty con như Quản lý quỹ, Bất động sản dầu khí, Công ty cổ phần truyền thông Tài chính Dầu khí, Chứng khoán Tài chính Dầu khí...Các công ty này đều thuộc lĩnh vực "thời thượng" hiện nay. Tuy nhiên, trên thực tế, đây chỉ là những công ty mới thành lập, bộ máy tổ chức vừa mới thiết lập, hoạt động sẽ chịu sự cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp cùng ngành.

 

"PVFC giống như một đứa trẻ được "thổi" lên thành người lớn trong một thời gian ngắn. Sự thay đổi về lượng thì có, nhưng chất thì chưa hẳn", Hoàng nói thêm.

 

Tuy vậy theo Hoàng, trong bối cảnh thị trường sôi động và giá cổ phiếu mới chào sàn đang được săn lùng như hiện nay, nếu "lướt sóng" PVFC có thể sinh lời. "Xét các chỉ số thì khó đặt giá cao cho cổ phiếu này. Nhưng ngành dầu khí, ngoài các chỉ số thì thương hiệu cũng sẽ nâng đỡ giá. Cứ nhìn vào giá của PVS, PVI, PVD thì rõ", Hoàng nói thêm.

 

Theo Trung tâm Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, số lượng cổ phần PVFC nhà đầu tư đăng ký mua lên tới 162 triệu, gấp 2,72 lần khối lượng chào bán. Có 8.212 nhà đầu tư đăng ký tham gia, trong đó 121 là tổ chức và 8.091 cá nhân.

 

Đáng chú ý, các tổ chức đăng ký mua 90.750.600 cổ phần và còn lại 71.646.800 cổ phần do nhà đầu tư cá nhân đăng ký. Chính vì vậy, theo dự đoán của giới chuyên gia, giá của PVFC có thể sẽ chỉ dao động ở "đầu 6, đầu 7".

 

"Vì khối lượng cổ phần do nhà đầu tư có tổ chức đăng ký mua cao hơn so với nhà đầu tư cá nhân nên chắc chắn giá sẽ bị ghìm lại chứ không có chuyện lên tới "đầu 9" như nhiều người dự đoán", một chuyên gia nhận định. Theo dự đoán của chuyên gia này, giá mỗi cổ phần của PVFC cao nhất cũng chỉ vào khoảng 75.000 đồng.

 

Vị chuyên gia này lý giải, thông thường nhà đầu tư có tổ chức bao giờ cũng tính toán rất cẩn trọng rồi mới đưa ra mức giá đấu, và chắc chắn không có chuyện đặt giá "trên trời".

 

Theo nhận định của các chuyên gia, hiện nay thị trường đang kỳ vọng vào IPO của hai đại gia là PVFC và Vietcombank. Theo ông Hoàng Xuân Quyến, IPO của PFVC chắc chắn sẽ hút một lượng tiền đáng kể trên thị trường. Nếu thành công sẽ tạo tiền đề cho nhiều doanh nghiệp khác tham gia niêm yết. Thời gian khá dài trước đây nhiều phiên đấu giá rơi vào cảnh chợ chiều và chỉ mới ấm lại đôi chút. Nếu IPO của PVFC thành công sẽ tạo "cú hích" đáng kể, góp phần làm cho thị trường trở nên sôi động hơn.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ