Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh

(ĐTCK) Theo các chuyên gia, sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội là minh chứng cho thấy Việt Nam là địa chỉ an toàn, ổn định và có quan hệ tốt với các nền kinh tế lớn. Theo đó, dòng vốn vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh nếu nền kinh tế duy trì đà tăng trưởng cao và Chính phủ sớm gỡ vướng chuyện room ngoại. 
Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh

Việc tổ chức Hội nghị mang nhiều ý nghĩa tích cực

 Ông Võ Trí Thành, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM

Với việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, một trong những điều tích cực mà chúng ta nhận được đó là cái nhìn của thị trường chứng khoán, của nhà đầu tư đối với Việt Nam.

Tại sao lại nói như vậy? Đầu tiên bởi vì việc sự kiện được tổ chức tại Việt Nam cho thấy, đây là một điểm đến tin cậy, hơn là đáng tin cậy.

Vì khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh thì độ tin cậy không chỉ đơn thuần là câu chuyện đảm bảo an ninh mà rất nhiều khía cạnh khác về chính trị, ngoại giao... Và những khía cạnh này lại rất quan trọng trong mắt các nhà đầu tư, vì ảnh hưởng đến việc đầu tư của họ có được an toàn và ổn định.

Cùng với sự tin cậy, một điều cũng rất tốt cho các nhà đầu tư đó là tính kết nối tốt của Việt Nam với thế giới. Việc kết nối này được đảm bảo nhờ vào cải cách tích cực, tham gia sâu rộng vào các hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, về mặt chính trị - ngoại giao, nhà đầu tư sẽ thấy được sự kết nối tốt thông qua ứng xử của Việt Nam với bạn bè và đối tác. Bởi vì trong kinh doanh thời nay, với hình thức chuỗi và mạng lưới, nhà đầu tư rất coi trọng khả năng kết nối toàn cầu ở đất nước mà họ đầu tư.

Điều tích cực thứ ba mà sự kiện này mang lại, đó là qua đây hình ảnh Việt Nam sẽ được phủ rộng trên các phương tiện truyền thông, nhờ vậy, có nhiều nhà đầu tư sẽ biết tới, quan tâm và muốn tìm hiểu môi trường đầu tư tại Việt Nam, dù không phải mọi hình ảnh đều đẹp đẽ.

Động lực thu hút dòng vốn mới vào Việt Nam

Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh ảnh 2

 Ông Nhữ Đình Hòa, Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt

Tôi cho rằng, sự kiện Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 diễn ra tại Hà Nội là minh chứng cho thấy Việt Nam là địa chỉ an toàn, ổn định và có quan hệ tốt với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Cùng với vị thế mới trong bản đồ ngoại giao, chính trị toàn cầu, thì nỗ lực cải cách của Chính phủ, sự ổn định và tăng trưởng tốt của kinh tế chính là những điểm nhấn để tạo ra động lực thu hút dòng vốn mới đầu tư vào Việt Nam.

Theo số liệu đến ngày 20/2/2019 thì tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 8,47 tỷ USD, tăng hơn 2,5 lần so với cùng kỳ năm 2018. Theo tôi, dòng vốn vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh trong các năm tới để đón đầu các cơ hôi kinh doanh từ một môi trường kinh doanh ổn định, có độ mở cao từ các hiệp định thương mại mới như CPTTP, hay EVFTA.

Để hấp dẫn dòng vốn đầu tư nước ngoài, Chính phủ vẫn cần duy trì một nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nhất quán và tạo điều kiện thông thoáng cho các hoạt động đầu tư nước ngoài ở Việt Nam.

Cải thiện môi trường kinh doanh, cải thiện các thủ tục cấp phép kinh doanh, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và thúc đẩy nguồn nhân lực vẫn là các giải pháp căn cơ để thu hút và giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài dài hạn.

Riêng đối với TTCK, chính sách về "room" ngoại, tăng quyền bình đẳng trong tiếp cận thông tin với nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng của công bố thông tin vẫn là những giải pháp cần được chú trọng.

TTCK đang có diễn biến tích cực kể từ đầu năm 2019, tính đến ngày 27/2/2019, chỉ số VN-Index đã tăng 11% lên 990 điểm, là một trong những thị trường có mức tăng điểm mạnh trên thế giới. Với những diễn biến tích cực gần đây của bối cảnh quốc tế như Mỹ và Trung Quốc ký được thỏa thuận chính thức hạ nhiệt chiến tranh thương mại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều khả năng không tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 3.

Về tình hình trong nước, với bối cảnh kinh tế vĩ mô ổn định, triển vọng Hiệp định EVFTA được phê duyệt hay tình hình kinh doanh tiếp tục thuận lợi, có tăng trưởng của các doanh nghiệp niêm yết, thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại sẽ là những điểm nhấn quan trọng tạo ra sự hấp dẫn với nhà đầu tư và là cơ sở để TTCK duy trì tăng trưởng và ổn định trong dài hạn.

Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội

Dòng vốn vào Việt Nam dự báo sẽ tăng mạnh ảnh 3

 Ông Nguyễn Đức Hoàn, Tổng giám đốc CTCK KB Việt Nam (KBSV).

Tôi đánh giá rất cao tác động của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam, cả về mặt kinh tế - chính trị - xã hội và những tác động nhất định đến TTCK, ít nhất về mặt tâm lý.

Sự kiện này cho thấy Việt Nam là quốc gia hòa bình, có môi trường an ninh tốt. Thông qua việc chọn Việt Nam, có lẽ Mỹ muốn gửi thông điệp đến Triều Tiên, nên chăng đi theo con đường Việt Nam trong cải cách, phát triển kinh tế thay vì chiến tranh hạt nhân. 

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua nhiều biến động, từ việc lên ngôi của chủ nghĩa bảo hộ thương mại, sự sụt giảm tăng trưởng ở các nền kinh tế lớn, chính sách tiền tệ thắt chặt của nhiều ngân hàng trung ương, chủ nghĩa dân túy ở châu Âu… thì sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình tại Việt Nam trở thành một điểm cộng trong mắt cộng đồng quốc tế. Thông qua đó có thể kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển kinh tế, ổn định, bền vững và là điểm thu hút dòng vốn đầu tư. 

Về TTCK Việt Nam, trong dài hạn có dư địa tăng trưởng mạnh do được hỗ trợ bởi sự năng động của nền kinh tế trong nước, sự ổn định về chính trị cũng như Chính phủ quyết tâm thực hiện thành công tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhìn một cách toàn diện, môi trường đầu tư tài chính tại Việt Nam đang mở ra nhiều cơ hội cho các tập đoàn kinh tế lớn, trong đó có KB.

Đầu tư chứng khoán là kênh hấp dẫn bậc nhất nửa đầu năm 2019 

 Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam 

Thị trường đã có đà tăng tích cực từ đầu năm 2019 đến nay và nhiều cổ phiếu cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Chỉ số VN-Index đã tăng gần 11% trong hai tháng đầu năm 2019 và tôi cho rằng, diễn biến này không quá bất ngờ khi các yếu tố rủi ro đã có dấu hiệu giảm kể từ cuối tháng 12/2018.

Chưa kể, xu hướng leo dốc cũng phản ánh kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh năm 2018 tích cực hơn mức dự báo trước đó của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, với mức tăng mạnh ngắn hạn thì nhiều khả năng áp lực chốt lời sẽ có chiều hướng gia tăng khi chỉ số VN-Index tiệm cận sát mức kháng cự tâm lý 1.000 điểm.

Điểm nổi bật ở đà tăng vừa qua là nhóm cổ phiếu trụ tăng mạnh, đặc biệt là nhóm cổ phiếu VIC (VIC, VRE, VHM) đã đóng góp đáng kể vào đà tăng của chỉ số VN-Index. Tuy nhiên, dòng tiền cũng có sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu vốn hòa vừa và nhỏ. Bởi vậy, tôi đánh giá nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu và nhóm cổ phiếu trụ có thể sẽ chịu áp lực điều chỉnh mạnh hơn so với các nhóm cổ phiếu khác.

Hiện tại, chỉ số VN-Index đang giao dịch ở mức P/E TTM 12 tháng là 17,1 lần, vẫn thấp hơn so với các thị trường trong khu vực và chỉ cao hơn so với thị trường chứng khoán Thái Lan với P/E TTM 12 tháng là 16,5 lần. Do đó, với mức tăng trưởng lợi nhuận và ROE dự báo ở mức cao nhất trong khu vực thì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn khá hấp dẫn và nhiều thời điểm lên dốc trong giai đoạn tới.

Với đà tăng tích cực của thị trường chứng khoán Việt Nam và thị trường chứng khoán thế giới, nhiều quỹ ETF đã tăng mạnh theo xu hướng này và đang có mức premium cao.

Do đó, các quỹ ETF có thể sẽ tiếp tục huy động được thêm dòng tiền mới trong ngắn hạn. Trong trung hạn, tôi nhận thấy dòng tiền đã có chuyển biến tích cực hơn và có sự luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu. Nguyên nhân chủ yếu là tính ổn định của tỷ giá trong trung hạn và các rủi ro địa chính trị đã giảm đáng kể.

Ngoài ra, kênh bất động sản chưa khởi sắc, lãi suất thấp và tỷ giá ổn định là những yếu tố cho thấy kênh đầu tư chứng khoán đang là địa điểm hấp dẫn trong 6 tháng đầu năm 2019.

Đáng chú ý, ý chí quyết tâm giữ mức tăng trưởng GDP ổn định vào khoảng 6,5 - 7% của Chính phủ và các sự kiện lớn khác như Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên, sửa đổi Luật Chứng khoán, kỳ vọng nâng hạng thị trường… cũng là nhân tố tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư và gia tăng sự kỳ vọng đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2019.

Nhìn chung, tôi đánh giá lạc quan về diễn biến thị trường nửa đầu năm 2019 và đặt kỳ vọng tích cực vào các nhóm ngành ngân hàng, khu công nghiệp, thủy sản, dệt may, điện, tiêu dùng và bán lẻ... 

Kỳ vọng con sóng mới về đầu tư nước ngoài

 Ông Trần Thiên Hà, Phó Chủ tịch HÐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán An Phát (APG)

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra tại Việt Nam là một sự kiện tầm cỡ toàn cầu, nên đương nhiên có tác động tích cực nhiều mặt đối với Việt Nam, đặc biệt là trên khía cạnh chính trị, kinh tế, trong đó có thị trường chứng khoán. Sự kiện này giúp nâng tầm vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Thông qua sự kiện, thông tin về Việt Nam được giới truyền thông quốc tế cung cấp đa chiều, cận cảnh hơn tới rộng rãi công chúng nói chung, nhà đầu tư nước ngoài nói riêng. Đây là bước khởi đầu tích cực cho kỳ vọng hình thành con sóng mới về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, trong đó có cả dòng vốn đầu tư trực tiếp, cũng như gián tiếp từ Hoa Kỳ.

Riêng với thị trường chứng khoán, chưa dễ lượng hóa được tác động tích cực của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai lên thị trường, nhưng điều không khó nhận ra là tâm lý hứng khởi đang lan tỏa.

Từ bước khởi đầu này, một khi Việt Nam tiếp tục thành công trong thực thi các nỗ lực cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh mà Chính phủ đang theo đuổi, đồng thời các giải pháp đổi mới trên thị trường chứng khoán được triển khai sớm, có tính khả thi cao, nhất là các vấn đề về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài; nâng hạng thị trường lên mới nổi; gia tăng tính minh bạch cho thị trường; chất lượng hàng hóa được cải thiện thực chất…, thì sẽ tạo ra lực hút mới đối với các dòng vốn đầu tư nước ngoài trong tương lai gần.

Cơ hội để bứt phá của nền kinh tế trong thời gian tới

 Ông Trần Minh Hoàng, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS)

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là sự kiện quan trọng nâng tầm vị thế của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế về nhiều mặt trong dài hạn. Đây có thể là cơ hội bứt phá của kinh tế Việt Nam trong các năm tiếp theo khi các sự kiện quốc tế được diễn ra thường xuyên hơn, cho thấy Việt Nam là quốc gia ổn định về chính trị, kinh tế. Điều này gián tiếp làm tăng sức hút đối với các tổ chức nước ngoài.

Đối với thị trường chứng khoán, tác động đầu tiên là tới tâm lý nhà đầu tư, nhưng về lâu dài, khi thị trường được quan tâm hơn sẽ thu hút các dòng tiền đến với Việt Nam. Ở một góc độ nào đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam được thắt chặt hơn, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp tục xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Đối với các chỉ báo kinh tế vĩ mô, VCBS cho rằng, tăng trưởng GDP năm 2019 sẽ tiếp tục duy trì ở mức 6,6% - 6,8%. Đồng thời, Chính phủ hoàn toàn có các dư địa chính sách đủ sức hỗ trợ các mục tiêu tăng trưởng ở mức hợp lý. Trong khi đó, lạm phát năm 2019 được dự báo mức 4% - 4,5% và chịu tác động đáng kể từ diễn biến giá cả hàng hóa ở mức cao, đi cùng với đó là thách thức lớn hơn trong việc kiểm soát lạm phát.

Tôi vẫn đang nhìn thấy các điểm sáng từ nền tảng kinh tế vĩ mô để tạo bệ đỡ giúp thị trường chứng khoán tiếp tục thể hiện rõ nét hơn chức năng huy động vốn dài hạn cho nền kinh tế Việt Nam, nhưng sẽ đi vào chiều sâu và thực chất.

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá hình ảnh của Việt Nam

 Ông Vũ Minh Đức, Trưởng phòng cao cấp, Phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).

Về mặt chính trị - xã hội,  Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là cơ hội tích cực giúp Việt Nam phổ biến hình ảnh, gia tăng sức hút với các thành viên thị trường toàn cầu. Với riêng thị trường chứng khoán, tôi cho rằng, việc tăng trưởng khá nhanh của VN-Index trong những phiên gần đây cũng có sự tác động nhất định bởi sự kiện này, bên cạnh những yếu tố về mặt định giá hay kỹ thuật.

Việc tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên là cơ hội không thể tốt hơn để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, không chỉ là yếu tố văn hóa - xã hội mà còn cả yếu tố kinh tế - đầu tư. Các dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể sẽ chú ý tới thị trường chứng khoán của chúng ta nhiều hơn, đặc biệt trước những nỗ lực nâng hạng thị trường lên nhóm thị trường mới nổi trong giai đoạn tới.

Đánh giá cơ hội đối với thị trường chứng khoán, tôi khá lạc quan về triển vọng trung hạn của thị trường trong 1 - 3 tháng tới. Hiện tại, tôi cho rằng, nhà đầu tư có thể nắm giữ trạng thái cổ phiếu ở nhóm dẫn dắt và gia tăng thêm tỷ trọng ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa vừa (midcap) có nền tảng cơ bản tốt.

Nhóm phóng viên thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ