Doanh nghiệp niêm yết thời “hậu” hỗ trợ lãi suất

(ĐTCK) Chính sách hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã thực sự hỗ trợ nhiều DN vào thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế trong nước và thế giới. Không ít NĐT lo ngại, khi Chính phủ ngừng thực hiện hỗ trợ lãi suất thì tình hình hoạt động kinh doanh của các DN sẽ bị ảnh hưởng.

Trước tiên, phải thừa nhận rằng, trong quý II/2009, khoản hỗ trợ lãi suất 4%/năm của Chính phủ đã giúp nhiều DN giảm chi phí tài chính, chi phí đầu vào trong bối cảnh doanh thu, lợi nhuận giảm mạnh do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính thế giới và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tính con số cụ thể mỗi DN được hưởng lợi bao nhiêu đồng từ khoản hỗ trợ lãi suất này thì chưa nói hết được ý nghĩa của chính sách hỗ trợ. Nhờ giảm chi phí tài chính mà một số DN có được một bản báo cáo tài chính đẹp, từ lỗ sang lời. Nhiều DN khác mạnh dạn triển khai các dự án đầu tư trung và dài hạn để đón đầu sự phục hồi của nền kinh tế trong nước, mà thực tế thì sự phục hồi này đến nhanh hơn dự đoán ban đầu.

Báo cáo tài chính của nhiều DN niêm yết đã dẫn lý do lợi nhuận tăng lên là do chi phí tài chính giảm mạnh. Nhờ được hỗ trợ lãi suất, một số DN đã trả các khoản vay USD có rủi ro về tỷ giá để chuyển sang vay VND có lãi suất thấp.

Khảo sát của phóng viên ĐTCK cho thấy, các DN niêm yết đều được hỗ trợ lãi suất vay vốn lưu động, vốn ngắn hạn đến hết ngày 31/12/2009. Như vậy, chi phí tài chính của các DN sẽ không tăng nhiều cho đến hết năm nay.

Câu hỏi đặt ra là hậu hỗ trợ lãi suất thì lợi nhuận DN có bị ảnh hưởng? Theo đại diện CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG), vốn vay ngắn hạn của của Công ty khoảng 500 tỷ đồng/năm, nên được hưởng khoản hỗ trợ lãi suất khoảng 20 tỷ đồng/năm, tức gần 2 tỷ đồng/tháng. Nếu không được hỗ trợ lãi suất cũng không ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của Công ty. Trong tháng 6, HSG lãi khoảng 50 tỷ đồng, trong tháng 7 lãi 60 tỷ đồng.

Hiện nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng đang tăng cao. Đối với các công ty sản xuất thì việc bán được hàng và tăng trưởng doanh thu quan trọng hơn việc được hỗ trợ lãi suất. Nếu không thể bán hàng, tăng doanh thu thì lãi suất rẻ cũng không có nhiều ý nghĩa. Còn tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ổn định thì lãi suất 6%/năm hay 10%/năm không phải là vấn đề lớn.

Đối với các công ty hoạt động xuất nhập khẩu thì ảnh hưởng của việc dừng hỗ trợ lãi suất cũng không lớn. Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn (GMC) cho biết, Công ty nhập nguyên liệu và sản xuất hàng may mặc xuất khẩu 100% nên thường vay VND để mua USD với cam kết sẽ bán USD thu được từ việc bán hàng cho các ngân hàng thương mại. Hình thức vay này hưởng lãi suất 7%/năm. Sau khi được hỗ trợ 4% lãi suất thì GMC chỉ phải trả lãi suất 3%/năm. Nếu không được hỗ trợ lãi suất thì GMC có thể chuyển qua vay USD với lãi suất 3%/năm. Những công ty có nguồn thu USD từ xuất khẩu như GMC không chịu rủi ro về tỷ giá do vay USD và trả bằng USD.

Kết quả kinh doanh tháng 6 của nhiều DN niêm yết đã công bố và đặc biệt là kết quả kinh doanh sơ bộ tháng 7 cho thấy, việc tăng lợi nhuận so với tháng trước không còn là do giảm chi phí tài chính (như đặc điểm của tháng 4 và tháng 5), mà là do tăng doanh thu. Điều đó có nghĩa là hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN đã ổn định trở lại và hoàn toàn có khả năng tăng trưởng trong các tháng tới khi kinh tế trong nước và các thị trường xuất khẩu đang tốt lên.

Xem ra, mối lo DN gặp khó khăn do không còn khoản vay hỗ trợ lãi suất hoặc lợi nhuận giảm do mất khoản hỗ trợ này không quá lớn. Một số DN đang tích cực triển khai đầu tư dự án trong năm nay để hưởng lãi suất ưu đãi với các khoản vay trung và dài hạn.

Hai dự án lớn của CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đều được vay lãi suất ưu đãi với giá trị khoản vay khoảng 1.000 tỷ đồng. Dự án khu liên hiệp gang thép vay của Ngân hàng BIDV lãi suất là 10,5%/năm, sau khi hỗ trợ sẽ trả lãi 6,5%/năm, có thời hạn đến đến năm 2011. Dự án xi măng vay với lãi suất 8,4%/năm, sau khi hỗ trợ sẽ trả lãi 4,4%/năm.

Tập đoàn Hoa Sen đang triển khai nhập máy móc thiết bị lắp đặt Nhà máy Phú Mỹ trong năm nay cũng được hỗ trợ lãi suất 4%/năm. Tập đoàn được vay khoảng 300 tỷ đồng đến 400 tỷ đồng theo diện hỗ trợ lãi suất để đầu tư cho dự án này.

Như vậy, trong trung hạn, các DN niêm yết có các dự án lớn triển khai đầu tư trong năm nay để đưa vào hoạt động trong năm 2010 đều tiếp tục hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ lãi suất. Các DN này càng có lợi thế cạnh tranh so với các DN khác khi không triển khai dự án đầu tư trong giai đoạn khủng hoảng của nền kinh tế.

Thành Nam
Thành Nam

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,250.46 1.83 0.15% 233,085 tỷ
HNX 234.52 1.56 0.66% 2,523 tỷ
UPCOM 91.57 0.47 0.51% 880 tỷ