Doanh nghiệp buộc phải sống chung với phí 'đen'

Theo kết quả xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2007 (PCI) vừa được Phòng Thương mại Công nghiệp VN công bố, 68,25% doanh nghiệp cho rằng chi trả các chi phí không chính thức là việc làm thường xuyên của họ.
Môi trường kinh doanh của VN tuy được cải thiện, song vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức. Môi trường kinh doanh của VN tuy được cải thiện, song vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.

Con số trên gần như vẫn không giảm so với mức 70% của năm ngoái. Trong khi đó, 11,54% doanh nghiệp cho biết họ đã tốn hơn 10% doanh thu cho các loại phí "bôi trơn" này so với con số 12,99% của năm 2006.

 

Tuy nhiên, điều đáng nói là, chỉ 26,3% ý kiến khẳng định, chi phí không chính thức là cản trở chính đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Lý giải điều này, ông Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế VCCI, đồng thời là thành viên của Ban nghiên cứu dự án PCI, điều này có nghĩa là doanh nghiệp đã "sống chung" được với các loại phí này và tiên liệu được trước chuyện đó.

 

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, việc chi phí không chính thức gần như không có sự cải thiện nào trong suốt 3 năm qua cho thấy, nạn tham nhũng ở VN vẫn trong tình trạng đáng báo động.

 

"Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với nhận định của Quốc hội rằng kết quả chống tham nhũng ở VN thời gian qua còn rất khiêm tốn", ông Doanh nói thêm.

 

Theo ông Doanh, khi VN đang ngày một thu hút hơn nhà đầu tư nước ngoài, nếu những chi phí đen không được nhanh chóng loại bỏ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới năng lực cạnh tranh của toàn bộ nền kinh tế nói chung.

 

Báo cáo năm nay cũng cho thấy, 56,6% doanh nghiệp cho rằng, phải có mối quan hệ mới có được thông tin cần thiết (so với mức 62,5% của năm ngoái). 44,7% ý kiến cho biết việc thỏa thuận với cán bộ thuế là hoạt động quan trọng trong kinh doanh...Điều này cho thấy tiêu chí minh bạch vẫn cải thiện rất chậm chạp.

 

Đây là năm thứ ba chỉ số PCI được Phòng Thương mại và Công nghiệp VN thực hiện và công bố. Theo đó, Bình Dương vẫn tiếp tục dẫn đầu danh sách xếp hạng năm nay, theo sau là các tỉnh Đà Nẵng, Vĩnh Long, Bình Định, Lào Cai; An Giang, Vĩnh Phúc...

 

Hà Nội tăng 13 bậc so với năm ngoái, lên vị trí 27. Mặc dù vậy, tiếp cận đất đai và chi phí không chính thức vẫn là những khó khăn mà nhà đầu tư thủ đô gặp phải. Hà Nội chỉ ghi được 4,32 điểm cho chỉ số tiếp cận đất đai và 5,36 điểm cho chỉ số chi phí không chính thức.

 

Mặc dù Bình Dương tiếp tục giữ vị trí đầu bảng, đại diện tỉnh này vẫn không hài lòng với kết quả đạt được. Trao đổi với VnExpress sáng nay, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Lợi cho hay, Bình Dương đã làm hết sức để tạo sự thông thoáng môi trường đầu tư, nhưng điểm số về năng lực cạnh tranh chỉ đạt 70 trên tổng số 100 điểm. 

 

Theo ông Lợi, mục đích của Bình Dương không phải là hướng tới 100 điểm, mà mở và thoáng nhiều hơn nữa trong chính sách đầu tư. Việc doanh nghiệp cho điểm môi trường đầu tư tỉnh chỉ hơn 70 chứng tỏ chính sách của Bình Dương vẫn còn nhiều điểm vướng.

 

Bình Dương xếp hạng đầu về chỉ số ưu đãi với doanh nghiệp nước ngoài và tính năng động. Song, ông Phó chủ tịch tỉnh cho rằng kết quả này chỉ để tham khảo. Nếu bằng lòng với nó, Bình Dương sẽ tụt hậu cho với các địa phương khác.

 

Do đó vị trí số một đã buộc Bình Dương phải triển khai ngay chương trình hành động cải thiện môi trường đầu tư. Trong đó cụ thể tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đến 2010, đầu tư hạ tầng cơ sở, kinh tế, xã hội và đặc biệt là vệ sinh môi trường.

 

Chỉ số PCI 2007, do phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) phối hợp với Dự án Nâng cao Năng lực Cạnh tranh VN (VNCI) nghiên cứu, thực hiện nhằm đánh giá và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế các tỉnh, thành dựa trên mức độ thân thiện của môi trường kinh doanh cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

 

Năm nay, số tỉnh được đánh giá vào các mức rất tốt, tốt và khá đều tăng lên. Ngược lại, số tỉnh được xếp ở mức kém nhất giảm đi, chỉ còn 4 tỉnh so với 7 tỉnh năm 2006.

 

So với các năm trước, kết quả năm nay đã cho thấy, môi trường kinh doanh của VN đã có nhiều cải thiện. Điểm PCI của các tỉnh trung vị đã tăng thêm 3,2 điểm, từ 52,4 của năm ngoái lên 55,6 của năm nay. 8/10 chỉ số thành phần đều tăng điểm, trừ 2 chỉ số là đào tạo lao động và chính sách phát triển kinh tế tư nhân.

 

Các chỉ tiêu như thời gian đăng ký kinh doanh, tiếp cận đất đai, gia nhập thị trường đã có cải thiện rõ rệt. Nếu như năm ngoái, doanh nghiệp phải mất 20 ngày để đăng ký kinh doanh, thì con số này năm nay giảm xuống còn 15 ngày. Tương tự, thời gian để có được đất năm 2006 là 231 ngày thì năm nay rút xuống còn 90 ngày.


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ