Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tăng tuần thứ 4 liên tiếp và tâm lý nhà đầu tư được cải thiện khi mà dòng tiền gia tăng với gần 4.900 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên. Tuy nhiên, với diễn biến phân hóa mạnh và giằng co là chủ đạo của chỉ số, thì các cổ phiếu được các công ty chứng khoán khuyến nghị tuần này cũng đa số tăng/giảm với biên độ thấp, nhưng nổi lên có 2 mã dầu khí GAS và PVD, nhưng ấn tượng hơn cả là VND.
Diễn biến cổ phiếu cần quan tâm tuần qua

BSC: VIC cần thêm vài phiên để bứt hẳn khỏi ngưỡng kháng cự 115.200 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Đi lên và có thể vượt ngưỡng kháng cự ở 115.200 đồng.

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Trung tính

- Khối lượng giao dịch tăng 47% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: Sau phiên tăng điểm và khối lượng phiên 3/8, VIC đang dần tiến lại mức cao nhất từ trước tới giờ từ tháng 4 với lực cầu tăng mạnh.

Với đà lên này, nếu phiên giao dịch sau đóng cửa trên mức giá ngày 3/8, nhà đầu tư có thể xem xét mở vị thế dài hạn vì không có ngưỡng kháng cự nào bên trên ngưỡng 115.500 đồng.

Nhiều khả năng VIC cần thêm vài phiên để bứt phá hẳn khỏi ngưỡng kháng cự này.

Trong tuần này, cổ phiếu VIC giao dịch kém tích cực, khi đứng tham chiếu phiên đầu tuần và cuối tuần, 3 phiên còn đều giảm (-1,1%; -1,4%; -4,2%).

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 1,1 đến 3 triệu đơn vị/phiên. Riêng phiên đầu tuần có 3,6 triệu đơn vị.

Chốt tuần, VIC giảm từ 111.500 đồng xuống 104.200 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,54%.

PHS khuyến nghị nắm giữ đối với cổ phiếu GMD

Trong các năm tới, dư địa để GMD tiếp tục tăng trưởng sau khi thoái vốn khỏi mảng logistics vẫn còn rất lớn khi doanh nghiệp đang tập trung phát triển mở rộng và đầu tư vào các dự án cảng biển như Nam Đình Vũ hay cảng nước sâu Cái Mép Terminal Link.

Công suất tiếp nhận hàng hóa của GMD có thể tăng gấp đôi vào năm 2022 khi 2 cảng này đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Định giá & khuyến nghị: Sử dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền FCFF, chúng tôi cho rằng mức giá hợp lý của GMD là 25.174 đồng/cổ phiếu. Khuyến nghị: Nắm Giữ đối với cổ phiếu GMD.

Trong tuần này, cổ phiếu GMD có 2 phiên giảm ngày đầu tuần và cuối tuần (-1,6%; -0,8%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu và 2 phiên tăng (0,4%; 3,5%).

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 200.000 đến 740.000 đơn vị, có phiên có 1,7 triệu đơn vị.

Chốt tuần, GMD tăng nhẹ từ 25.700 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,16%.

PHS khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NLG

Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá NAV để định giá cổ phiếu NLG. Giá trị hợp lý cho NLG đạt 37,135 đồng/cổ phiếu, cao hơn 26% so với mức giá giao dịch chốt ngày 26/07. Vì vậy, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu NLG.

Rủi ro: Cổ phiếu NLG chịu rủi ro pha loãng, công ty liên tục phát hành cổ phần huy động vốn để thâu tóm thêm quỹ đất trong khi tốc độ tăng trưởng lợi nhuận chưa đủ bù đắp.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, NLG đã phát hành 31,4 triệu cổ phiếu và còn có kế hoạch phát hành đợt 2 với 40 triệu cổ phiếu trong năm nay.

Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của Nam Long nói riêng và của toàn ngành bất động sản nói chung có thể bị tác động trong những tháng cuối năm do áp lực tăng lãi suất.

Trong tuần này, cổ phiếu NLG có 2 phiên tăng (0,2%; 2,1%) và 3 phiên giảm đan xen (-0,2%; -2,7%; -1%). Khớp lệnh mỗi phiên từ hơn 150.000 đến hơn 350.000 đơn vị.

Chốt tuần, NLG giảm nhẹ từ 29.850 đồng xuống 29.350 đồng/cổ phiếu, tương đương -1,67%.

PHS khuyến nghị MUA cổ phiếu TCM

Kết thúc năm 2018, với kỳ vọng về mở rộng năng lực sản xuất, chúng tôi ước tính doanh thu của TCM trong năm nay sẽ đạt 3.385 tỷ (+5%YoY), biên lợi nhuận gộp được cải thiện lên 18% nhờ gia tăng biên lợi nhuận từ mảng sợi từ 3% lên 7%.

Từ đó, ước tính LNST công ty đạt 226 tỷ đồng (+18%YoY).

Khuyến nghị: Bằng phương pháp DCF, chúng tôi ước tính mức giá hợp lý của TCM sẽ vào khoảng 26.417 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức P/E dự phóng năm 2018 đạt 6,3 lần. Từ đó chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA cho cổ phiếu này.

Trong tuần này, cổ phiếu TCM có 3 phiên tăng (3,4%; 4,6%; 0,2%), và 2 phiên giảm (-0,5%; -1,7%). Thanh khoản khớp lệnh có từ 100.000 đến hơn 300.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, TCM tăng nhẹ từ 19.000 đồng lên 20.150 đồng/cổ phiếu, tương đương +6,05%.

FPTS: Có thể giải ngân mua VJC tại vùng giá 148.000 – 150.000

Giá cổ phiếu VJC hiện tại đang hướng đến mốc Fibonacci 38,2%, đây là một ngưỡng tâm lý nhạy cảm để nhận diện khả năng đây là nhịp điều chỉnh tích lũy hay đảo chiều của xu hướng kèo dài từ đầu tháng 9/2017 đến nay.

Xu hướng tăng trong 2 tháng đang đóng vai trò hỗ trợ cho giá của VJC trong lỗ lực bứt phá qua ngưỡng tâm lý Fibonacci 38,2%: Trên khung thời gian EOD, những biến động ngắn hạn của VJC trong 2 tháng cho thấy giá của VJC đang tạm thời được bình ổn phía trên ngưỡng tâm lý Fibonacci retracement 50% tính cho nhịp tăng từ 70.000đ đến 190.000.

Hiện tại, trên khung thời gian EOD ngày 03/08/2018 thì giá của VJC đã chính thức bứt phá qua ngưỡng tâm lý Fibonacci 38,2% tình cho nhịp tăng từ 70,000 – 190,000.

Khuyến nghị: Từ những dấu hiệu trên, kịch bản cho xu hướng sắp tới của VJC đang khá tích cực.

Các nhà đầu tư có thể giải ngân mua tại vùng giá 148.000-150.000 đồng, tương ứng với vùng giá mà giá của VJC đã bứt phá qua ngưỡng kháng cự tâm lý Fibonacci retracement 38,2% cho nhịp tăng từ 70.000 – 190.000.

Stoploss: 144.000 tương ứng với mức giá nhỏ hơn ngưỡng Fibonacci 38,2%.

Giá mục tiêu 164.000 ứng với đỉnh ngày 15/05/2018 của VJC.

Trong tuần này, cổ phiếu VJC có 2 phiên liên tiếp đầu tuần giảm (-0,1%; -0,7%), sau đó phục hồi trong cả 3 phiên còn lại (0,4%; 1,8%; 1,5%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VJC tăng từ 148.000 đồng lên 152.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,97%.

BSC: Sau khi điều chỉnh, DVN tạo đáy ở mức 13.500 đồng

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Xu hướng tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 500% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: Sau khi điều chỉnh, DVN tạo đáy ở mức 13.500 đồng và sau phiên tăng đột biến về giá và khối lượng hôm nay đã xuất hiện điểm mua ngắn hạn sau khi vượt ngưỡng 14.500 đồng.

 Nếu nhà đầu tư lỡ điểm mua này có thể chờ tới những phiên siết chặt tiếp theo ở ngưỡng 16.500 đồng.

Trong tuần này, cổ phiếu DVN chỉ có 1 phiên tăng duy nhất ngày đầu tuần (10%), cùng 1 phiên đứng tham chiếu vào 9/8, còn lại 3 phiên đều giảm (-0,7%; -2%; -0,7%).

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 100.000 đến 300.000 đơn vị. Riêng phiên tăng điểm có 1,25 triệu đơn vị.

Chốt tuần, DVN tăng từ 14.100 đồng lên 14.800 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,96%.

VCSC khuyến nghị MUA dành cho PVT

Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) cho biết sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000VND/cổ phiếu cho năm 2017, lợi suất cổ tức 5,8%.

Ngày giao dịch không hưởng quyền là 22/08/2018 và ngày trả cổ tức là 17/09/2018. Đối với năm 2018, chúng tôi dự báo công ty sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt 1.000VND/cổ phiếu.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị MUA dành cho PVT với tổng mức sinh lời 33,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 5,8%.

Theo giá đóng cửa phiên hôm nay, PVT hiện đang giao dịch tại mức P/E trượt 8,4 lần và EV/EBITDA 4,7 lần. (báo cáo ngày 3/8).

Trong tuần này, cổ phiếu PVT có 3 phiên tăng (0,3%; 0,3%; 1,7%), một phiên đứng tham chiếu và 1 phiên giảm (-0,6%). Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 150.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PVT tăng từ 17.200 đồng lên 17.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +1.74%.

ACBS tăng mức giá mục tiêu cho VHC lên 87.500 đồng

Tác động và kỳ vọng: Giá cá tra nguyên liệu đạt mức cao nhất vào tháng 4-5/2018, lên mức 33.500 đ/kg và cá giống đạt 2.200 đ/con.

Giá cá tra nguyên liệu đã bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt kể từ tháng 7/2018 với nguồn cung dồi dào và sản lượng tăng 16-20% tùy tỉnh thuộc ĐBSCL.

Do đó, chúng tôi tăng kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của VHC trong FY18E lên 14,7% để phản ánh tình hình hiện nay.

Chúng tôi cũng điều chỉnh nghĩa vụ nợ của VHC cũng như thu nhập từ công ty liên kết.

Chúng tôi tăng thêm 16,0 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá cho FY18 do đồng VND tiếp tục mất giá 0,2% kể từ cuối tháng 6/2018 đến nay. Lợi nhuận ròng mới kỳ vọng cho FY18E là 724,3 tỷ đồng (+22,1% n/n).

Khuyến nghị: Chúng tôi tăng mức giá mục tiêu cho VHC lên 20,8%, đạt 87.500 đ/cp (+16,2% TSR).

Giá cp VHC đã tăng 53,7% kể từ ngày ra báo cáo lần đầu, hiện giao dịch ở mức 9,8x EPS 2018 là 7.847 VND (+22,1% n/n), chiết khấu 48,6% so với trung bình ngành. Mức giá mục tiêu mới tương đuong với mức 11,2x EPS 2018. MUA

Trong tuần này, cổ phiếu VHC có 2 phiên tăng (2,2%; 0,1%), và 3 phiên còn lại đều giảm (-1,5%; -2,7%; -4,8%; -1,4%). Thanh khoản khớp lệnh trung bình trên dưới 100.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, VHC giảm từ 74.000 đồng xuống 69.100 đồng/cổ phiếu, tương đương -6,62%.

VCSC khuyến nghị MUA đối với CII

CII công bố thông tin đã hoàn tất phát hành 580 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản với lãi suất cố định trong suốt kỳ hạn và bằng 9,5%/năm, thấp hơn so với chi phí vay bình quân của CII khoảng 10%.

Trái phiếu có thời hạn 1 năm và đáo hạn vào ngày 28 tháng 7 năm 2019. Bao gồm cả đợt phát hành trái phiếu này, CII đã phát hành khoảng 1,52 tỷ đồng trái phiếu trong năm cho đến nay.

Chúng tôi dự kiến số tiền thu được của các đợt phát hành trái phiếu này sẽ được sử dụng để tài trợ cho các dự án của CII, bao gồm cả dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Chúng tôi không kỳ vọng các tỷ lệ đòn bẩy của CII sẽ tăng lên trọng yếu sau đợt phát hành trái phiếu này.

Giả sử các yếu tố khác không thay đổi, chúng tôi ước tính tỷ lệ nợ ròng trên vốn chủ sở hữu của CII tăng nhẹ lên 1,23 lần từ 1,2 lần vào thời điểm cuối nửa đầu năm 2018.

Chúng tôi hiện đang có khuyến nghị MUA đối với CII với mức giá mục tiêu 36.200 đồng, tương ứng với tổng lợi nhuận 37,4% bao gồm lợi tức cổ tức 0%. (Báo cáo ngày 6/8).

Trong tuần này, cổ phiếu CII có 2 phiên tăng (2,9%; 0,4%), một phiên đứng tham chiếu vào ngày cuối tuần và 2 phiên giảm (-0,6%; -1,1%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 150.000 đến nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, CII tăng nhẹ từ 25.600 đồng lên 26.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +1,56%.

VCSC khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho GTN

CTCP GTNfoods (GTN) cho biết vừa thoái 45% cổ phần tại CTCP Nhựa Miền Trung. Trước đó, công ty nắm giữ 90% cổ phần công ty này. Giao dịch được thực hiện theo giá trị sổ sách, số tiền GTN thu về là 68 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, GTN đã thoái vốn khỏi 4 công ty con và liên kết khác ngoài hoạt động cốt lõi. Tổng số tiền thu về và LNST sau lợi ích CĐTS từ các đợt thoái vốn trên lần lượt 30 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Tuy giá trị các giao dịch trên còn tương đối nhỏ nhưng đã giúp GTN thu hẹp các hoạt động ngoài ngành và mang lại một khoản tiền mặt để đầu tư vào các lĩnh vực trụ cột là chè và sữa.

Chúng tôi xin lưu ý là tại ĐHCĐ năm nay, công ty đề ra mục tiêu LNST sau lợi ích CĐTS 110 tỷ đồng từ hoạt động thoái vốn bên cạnh LNST sau lợi ích CĐTS từ hoạt động cốt lõi 55 tỷ đồng cho năm 2018.

Các đợt thoái vốn nói trên không có tác động đáng kể đối giá mục tiêu của chúng tôi dành cho GTN vì chúng tôi đã phản ánh giá trị sổ sách của Nhựa Miền Trung trong mô hình định giá từng phần, trong khi các đợt thoái vốn khác có giá trị không đáng kể.

Chúng tôi hiện đưa ra khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho GTN với giá mục tiêu 11.600VND/cổ phiếu, tổng mức sinh lời -4%. (Báo cáo ngày 6/8).

Trong tuần này, cổ phiếu GTN có 3 phiên tăng, trong đó có phiên trần đầu tuần (6,9%; 1,6%; 3,5%), và 2 phiên giảm, trong đó 1 phiên giảm sàn (-6,9%; -4,2%).

Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 2 triệu đến 4 triệu đơn vị/phiên. Riêng phiên tăng trần có 10,4 triệu đơn vị.

Chốt tuần, GTN tăng từ 11.850 đồng lên 11.900 đồng, tương đương +0,42%.

VCSC giữ nguyên khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG dành cho PVD

Giá mục tiêu của chúng tôi dành cho Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PVD) nhìn chung không đổi và chúng tôi giữ nguyênkhuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG.

Chúng tôi dự báo năm 2018, công ty sẽ lỗ khoảng 500 tỷ đồng do (1) giá thuê ngày giàn khoan tự nâng giảm 5%;

(2) chi phí khấu hao tăng do hiệu suất hoạt động tăng;

(3) khoản dự phòng 180 tỷ cho khoản nợ xấu của Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP).

Khoản lỗ này lớn hơn so với ước tính trước đây của chúng tôi do không còn lợi nhuận bất thường từ hoàn nhập quỹ Khoa Học Công Nghệ.

Chúng tôi dự báo năm 2019 công ty sẽ thu về một khoản lãi nhỏ nhờ (1) giá thuê ngày giàn khoan tự nâng phục hồi; (2) khoản thu hồi nợ xấu từ PVEP (30% tổng nợ xấu) và (3) hoàn nhập quỹ Khoa Học Công Nghệ.

Tuy nhiên, triển vọng dài hạn vẫn chưa rõ ràng vì giá thuê ngày của giàn khoan tự nâng phục hồi chậm.

Yếu tố hỗ trợ: Bất ngờ công bố các hợp đồng khoan dầu khí mới (mỏ khí Sao Vàng & Đại Nguyệt, Sư Tử Trắng Giai đoạn 2, Lô B, v.v.) và PVEP trả nợ.

Rủi ro: Thị trường giàn khoan Đông Nam Á tiếp tục bị dư cung. (Báo cáo ngày 6/8).

Trong tuần này, cổ phiếu PVD có 2 phiên tăng, trong đó 1 phiên tăng trần (6,9%; 5,5%), và 3 phiên giảm (--1,3%; -1,7%; -0,3%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 3 triệu đến 5 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PVD tăng từ 15.000 đồng lên 16.350 đồng/cổ phiếu, tương đương +9%.

BVSC khuyến nghị OUTPERFORM đối với cổ phiếu PTB 

Phú Tài là một doanh nghiệp tư nhân hoạt động khá hiệu quả ở 3 mảng chính là đá ốp lát - đồ gỗ - kinh doanh ô tô.

Trong đó, việc đầu tư bài bản dây chuyền sản xuất đá và đồ gỗ, cùng với kinh nghiệm quản lý sẽ giúp ích rất lớn cho công ty mở rộng thị trường và gia tăng hiệu quả hoạt động sản xuất.

Những dự án đang và sẽ triển khai sẽ đảm bảo một tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khoảng 39% trong giai đoạn 2018-2019.

Với mức EPS 2018 dự báo đạt 8.073 đồng, cổ phiếu PTB đang giao dịch tại mức P/E là 7,3 lần, mức định giá khá là hấp dẫn khi cổ phiếu PTB còn tiềm năng tăng trưởng cao.

Với những đánh giá trên, chúng tôi đánh giá cao triển vọng trung và dài hạn của công ty. BVSC khuyến nghị OUTPERFORM với mức giá hợp lý là 87.800 đồng, tiềm năng tăng giá là 48,8%.

Trong tuần này, cổ phiếu PTB có 2 phiên giảm đầu tuần và cuối tuần (-3,1%; -2,5%), còn lại 3 phiên đều tăng (1,4%; 2,1%; 2,6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 100.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, PTB tăng từ 57.300 đồng lên 57.500 đồng/cổ phiếu.

BSC: Theo dõi kỹ VND này và chờ điểm mua tiếp theo

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Xu hướng tăng ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Phân kỳ dương

- Chỉ báo RSI: Trung tính

- Khối lượng giao dịch tăng 180% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: Sau vài phiên tích tích lũy trên đường SMA20, VND tạo vùng đáy ở ngưỡng 17.500 đồng và bùng nổ trong phiên hôm nay tăng mạnh về cả giá và khối lượng giao dịch.

Nhà đầu tư có thể theo dõi kỹ cổ phiếu này và chờ điểm mua tiếp theo để mở vị thế.

Trong tuần này, cổ phiếu VND có phiên giảm đầu tuần (-2,7%), nhưng sau đó đã tăng trong cả 4 phiên còn lại, trong đó 1 phiên tăng trần (1,1%; 6,9%; 1,3%; 4,6%).

Thanh khoản khớp lệnh thấp nhất hơn 380.000 đơn vị, cao nhất hơn 2,77 triệu đơn vị.

Chốt tuần, VND tăng từ 18.400 đồng lên 20.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +11,41%.

PHS khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu NVL

Trong cả năm 2018, Novaland dự kiến bàn giao 11 dự án với 6,700 sản phẩm. Dự kiến thu về 22,496 tỷ đồng doanh thu (+93.4%yoy), lợi nhuận sau dự kiến đạt 2,744 tỷ đồng (+34.5%).

Các dự án lớn được bàn giao trong năm 2018 gồm The Sun Avenue, Richstar, Sunrise Cityview, Sunrise Riverside. Cũng trong năm nay, NVL sẽ công bố thêm 3 dự án mới, dự kiến sẽ bàn giao trong giai đoạn 2020 – 2021.

Định giá & khuyến nghị: Bằng phương pháp trung bình có tỷ trọng giữa RNAV - đánh giá lại giá trị các tài sản ròng và giá trị các dự án đang phát triển của Novaland, và P/E forward, chúng tôi xác định giá mục tiêu cho NVL là 58,130 đồng/cổ phiếu và khuyến nghị NẮM GIỮ đối với cổ phiếu này.

Rủi ro: Tình trạng thắt chặt tín dụng bất động sản sẽ gây áp lực lên doanh thu, cũng như khả năng huy động vốn vay của Novaland. Đồng thời, với nợ vay lớn, áp lực từ lãi suất sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận

Trong tuần này, cổ phiếu NVL chỉ có 1 phiên giảm đầu tuần (-0,3%), nhưng cả 4 phiên sau đó đều tăng (0,8%; 1%; 0,2%; 3,2%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 600.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, NVL tăng từ 62.000 đồng lên 65.000 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,83%.

VCSC khuyến nghị MUA cổ phiếu TPB

Chúng tôi đưa ra báo cáo lần đầu dành cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPB) với khuyến nghị MUA, phản ánh tổng mức sinh lời 59%. Thu nhập lãi thuần năm 2018 dự báo sẽ tăng 36% so với năm 2017 nhờ NIM tăng 54 điểm cơ bản.

Thu nhập phí thuần dự báo sẽ tăng 222% so với năm 2017, chiếm 9,2% tổng thu nhập từ hoạt động nhờ phí từ hoạt động bancassurance tăng 422%.

Thu nhập ngoài lãi là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận, mà chúng tôi cho rằng sẽ đạt 231%, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ chứng khoán đầu tư (khoảng 600 tỷ đồng).

Chi phí dự phòng tăng mạnh 74% để sử dụng cho việc xử lý toàn bộ nợ xấu được mua lại từ VAMC (dư nợ ròng khoảng 617 tỷ đồng). LNST dự báo sẽ tăng mạnh 83%.

Trong tuần này, cổ phiếu TPB giảm phiên đầu tuần (-3%), sau đó phục hồi trong cả 4 phiên còn lại (0,6%; 1,5%; 4,1%; 0,6%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 250.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần này, TPB tăng từ 24.650 đồng lên 25.550 đồng/cổ phiếu, tương đương +3,65%.

VCSC giữ khuyến nghị MUA dành cho MWG

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA dành cho CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG). Cổ phiếu này có định giá hấp dẫn với PEG 3 năm tới là 0,6 lần.

Giá mục tiêu được điều chỉnh tăng 8,5% so với báo cáo trước nhờ tăng dự báo trung hạn cho mảng điện tử tiêu dùng vì thị trường này vẫn còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng.

Điện Máy Xanh sẽ thúc đẩy tăng trưởng EPS của MWG, bên cạnh Bách Hóa Xanh, được dự báo sẽ chiếm 13% tổng LNST năm 2022.

Doanh thu hàng tháng từ mỗi cửa hàng của BHX trong tháng 6 tăng mạnh 41% so với Quý 1/2018 lên 40.400USD, trên đà đạt điểm hòa vốn (EBITDA) tại mức độ cửa hàng trong 6 tháng cuối năm nay.

Yếu tố hỗ trợ: Tốc độ mở rộng BHX được đẩy mạnh hơn dự báo; tiềm năng của việc sử dụng các nhãn hàng riêng tại BHX; đưa ra dịch vụ gia tăng để tận dụng mạng lưới cửa hàng hiện nay của MWG; Điện Máy Xanh tiếp tục cải thiện biên lợi nhuận gộp nhờ mở rộng quy mô.

Rủi ro: Cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ thương mại điện tử thuần túy.

Trong tuần này, cổ phiếu MWG giảm phiên đầu tuần (-1,3%), sau đó đứng tham chiếu phiên kế tiếp, trước khi phục hồi trong 3 phiên còn lại (2,6%; 0,4%; 0,9%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới 400.000 đơn vị/phiên.

Chốt tuần, MWG tăng từ 112.500 đồng lên 115.400 đồng/cổ phiếu, tương đương +2,57%.

BSC: Nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ cổ phiếu QNS

Điểm nhấn kỹ thuật:

- Xu hướng hiện tại: Hồi phục ngắn hạn

- Chỉ báo xu hướng MACD: Trên mức 0

- Chỉ báo RSI: Phân kỳ dương, tiếp cận quá mua

- Khối lượng giao dịch tăng 190% so với trung bình 20 phiên giao dịch

Nhận định: QNS đã tạo 2 đáy trung hạn, đáy 1 tại thời điểm cuối tháng 1 và đáy thứ 2 ở thời điểm đầu tháng 7. Sau đó cổ phiếu đã hình thành vùng giá 40.000 đồng trong 1 tháng với trạng thái siết chặt và cạn kiệt nguồn cung.

Phiên hôm nay là phiên bứt phá với khối lượng lớn nhưng giá chưa tăng đủ mạnh để có thể mở vị thế.

Nhà đầu tư cần theo dõi chặt chẽ cổ phiếu này và đợi thêm tích lũy tại vùng 43.000 đồng trong 3-5 tuần trước khi mở vị thế.

Trong tuần này, cổ phiếu QNS có phiên đứng tham chiếu đầu tuần, sau đó đã tăng trong cả 4 phiên còn lại (0,3%; 0,8%; 2,5%; 2%).

Thanh khoản khớp lệnh phiên cao nhất hơn 500.000 đơn vị, phiên thấp nhất hơn 77.000 đơn vị.

Chốt tuần, QNS tăng từ 39.600 đồng lên 41.500 đồng/cổ phiếu, tương đương +4,79%.

VCSC đưa ra giá mục tiêu 97.200 đồng/cổ phiếu cho GAS

Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS) vừa công bố Nghị quyết HĐQT. Theo đó, công ty sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt 2.000VND/cổ phiếu trong tổng số 4.000VND/cổ phiếu dự kiến sẽ trả cho năm 2018. Ngày trả cổ tức sẽ rơi vào tháng 9 hoặc tháng 10.

Theo ước tính sản lượng khí trong tháng 7 tăng 18,9% so với cùng kỳ năm ngoái, hứa hẹn kết quả lợi nhuận của tháng sẽ khả quan.

Chúng tôi hiện đưa ra giá mục tiêu 97.200VND/cổ phiếu (tổng mức sinh lời 3,8%, bao gồm lợi suất cổ tức 4,6% trên cơ sở giả định cổ tức bằng tiền mặt 4.500VND/cổ phiếu).

GAS hiện đang giao dịch tại mức P/E 17,4 lần trên cơ sở dự báo EPS 2018. (Báo cáo ngày 8/8).

Trong tuần này, cổ phiếu GAS chỉ có 1 phiên giảm vào ngày 7/8 (-2,2%), còn lại 4 phiên đều tăng (2,7%; 4,3%; 0,2%; 0,5%). Thanh khoản khớp lệnh trên dưới nửa triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, GAS tăng từ 93.600 đồng lên 98.700 đồng/cổ phiếu, tương đương +5,44%.

VCSC giữ khuyến nghị MUA dành cho DXG

Chúng tôi giữ khuyến nghị MUA và giá mục tiêu 33.700VND/cổ phiếu dành cho CTCP Tập đoàn Đất Xanh (DXG) với tổng mức sinh lời 30,6%.

LNST sau lợi ích CĐTS 6 tháng đầu năm 2018 tăng mạnh 113% so với cùng kỳ năm ngoái lên 432 tỷ đồng nhờ mảng môi giới tăng trưởng mạnh và bàn giao các sản phẩm đã bán tại dự án Opal Riverside tiếp tục diễn ra theo kế hoạch.

Chúng tôi dự báo lợi nhuận sẽ tăng tiếp trong 6 tháng cuối năm nhờ bàn giao 100% các căn đã bán tại dự án Opal Garden theo kế hoạch, cùng với mảng dịch vụ đầu tư thứ cấp tiếp tục tăng trưởng ổn định.

Chúng tôi giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS 2018 sẽ đạt 1.100 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2017.

Nhu cầu cao hơn so với kỳ vọng tại dự án Gem Riverside khiến chúng tôi tăng dự phóng cho giá trị hợp đồng ký mới 2018 thêm 51% so với dự phóng cũ lên 6.500 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng 491% so với năm 2017.

Định giá của DXG hấp dẫn tại mức P/E 2018 8,7 lần và P/B 1,8 lần nhờ triển vọng lợi nhuận khả quan trong 3 năm tới.

Yếu tố hỗ trợ: Mảng môi giới đạt tăng trưởng doanh thu cao hơn so với giả định của chúng tôi là 15%/năm. Rủi ro: Rủi ro hàng tồn kho tăng khi DXG mở rộng mảng dịch vụ đầu tư thứ cấp.

Trong tuần này, cổ phiếu DXG chỉ có 1 phiên giảm vào ngày 7/8 (-1,9%), và còn lại 4 phiên đều tăng (1,5%; 4,7%; 0,7%; 0,4%). Thanh khoản khớp lệnh từ hơn 2 đến 4 triệu đơn vị/phiên.

Chốt tuần, DXG tăng từ 25.900 đồng lên 27.300 đồng/cổ phiếu, tương đương +5,4%.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ