Điểm lạ của trái phiếu doanh nghiệp

(ĐTCK) Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện nay đang được sử dụng không giống… TPDN thuần túy. Cả 2 đặc điểm của nó đều không nhìn thấy trên thị trường.
Điểm lạ của trái phiếu doanh nghiệp

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) hiện đang chiếm tỷ trọng lớn trong hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Tuy nhiên, hình thức tín dụng này lại đang được thực hiện trong một môi trường kém chặt chẽ hơn hẳn so với tín dụng truyền thống.

Tổng lượng phát hành TPDN trong quý III/2013 ít nhất đã đạt con số 19.900 tỷ đồng, theo thống kê riêng của Báo ĐTCK. Con số này chiếm khoảng 29% lượng tín dụng tăng ròng trong quý III của toàn ngành ngân hàng. Tỷ lệ này được ước tính theo con số tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước công bố. Theo đó, cuối năm 2012, dư nợ tín dụng toàn ngành ngân hàng là 2.753.000 tỷ đồng; đến cuối tháng 6 là 2.843.000 tỷ đồng (tăng trưởng 3,3%) và đến cuối tháng 9 là khoảng 2.913.000 tỷ đồng (tăng trưởng 5,8%).

Số dư nợ 19.900 tỷ đồng TPDN này là tổng 7 đợt phát hành TPDN tính trong quý III năm nay. Nếu tính từ đầu năm, số vốn huy động từ TPDN là 34.000 tỷ đồng. Bên mua trong các đợt phát hành này hầu hết là các ngân hàng lớn và vừa. Nghĩa là nếu không có 7 khoản vay này, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 9 của ngành ngân hàng sẽ chỉ khoảng 5,1%, thay vì con số 5,8%.

Điểm lạ của trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1

Trên 50% đợt phát hành TPDN từ đầu năm đến nay được thực hiện giữa đúng một ngân hàng và một doanh nghiệp

Điểm lạ là TPDN hiện nay đang được sử dụng không giống… TPDN thuần túy. Hai đặc điểm cơ bản của TPDN là TPDN là giấy tờ có giá, nên có thể mua đi bán lại dễ dàng trên thị trường và hai là đợt phát hành TPDN có thể thu hút nhiều bên cùng tham gia mua. Tuy nhiên, cả hai đặc điểm này lại không thấy rõ trong thị trường hiện tại. Giao dịch TPDN trên thị trường thứ cấp trong quý III đạt chưa đầy 700 tỷ đồng. Các nhà đầu tư chủ yếu nắm trái phiếu đến khi đáo hạn. Tổ chức phát hành rất hiếm khi niêm yết TPDN của mình và hầu như không muốn công khai rộng rãi đợt phát hành.

Trong khi đó, trên 50% đợt phát hành TPDN từ đầu năm đến nay được thực hiện giữa đúng một ngân hàng và một doanh nghiệp, theo các nguồn tin liên quan trực tiếp đến các đợt phát hành này chia sẻ.

“Nói về TPDN hiện nay, có thể thấy, đây là hoạt động tín dụng được khoác áo TPDN”, Giám đốc đầu tư của một ngân hàng quốc doanh nói. “Trên thị trường thứ cấp không có sự mua đi bán lại giữa các nhà đầu tư, không có tham chiếu chuẩn hay hệ thống đánh giá cho công cụ đầu tư này”, ông giải thích.

Nhưng vì sao ngân hàng thay vì cho vay trực tiếp, lại sử dụng ngày càng nhiều TPDN để đẩy vốn ra các DN?

Theo tìm hiểu của ĐTCK, trong một số đợt phát hành, TPDN được sử dụng làm công cụ tái cấu trúc nợ giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhiều hơn là huy động vốn mới để sản xuất, bởi đặc thù của TPDN là thủ tục để giải ngân, ủy thác đầu tư đơn giản hơn nhiều so với quy trình thẩm định, giám sát của các khoản tín dụng truyền thống. Thực tế này có thể là nguyên nhân khiến phần lớn các đợt phát hành TPDN đều “kín tiếng”. Có 3/7 tổ chức phát hành trong quý III đã yêu cầu được bảo mật đợt phát hành của mình khi ĐTCK xin phỏng vấn. Nhiều chuyên gia nhận định, không nên nhìn vào lượng phát hành TPDN khủng để đánh giá sự cải thiện của hoạt động tín dụng, nhất là khi tính minh bạch trên thị trường TPDN còn rất yếu ớt hiện nay.

Nếu ở thị trường TPDN phát triển, các tổ chức phát hành luôn được đánh giá tín nhiệm chặt chẽ bởi các hãng định mức uy tín làm cơ sở cho các giao dịch, thì ở thị trường trong nước, các nhà đầu tư vẫn chấp nhận việc doanh nghiệp không có xếp hạng tín nhiệm, còn thông tin mục đích sử dụng vốn trong các đợt phát hành TPDN cũng thường rất sơ sài

Nếu hoạt động đầu tư TPDN tiếp diễn với sự mờ mịt thông tin và phụ thuộc nhiều vào uy tín giữa doanh nghiệp với ngân hàng như vậy, hệ quả là gì?

Nhận xét về vấn đề này, ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu (VBMA) chia sẻ, nên nhìn TPDN như một công cụ đầu tư có phân khúc nhà đầu tư riêng. Cụ thể, TPDN rủi ro cao hơn các công cụ khác sẽ có phân khúc riêng là những nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao và có khả năng quản trị rủi ro đó.

Ông Quỳnh cho rằng, thị trường TPDN đang dần được xây dựng, như việc Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định thành lập DN định mức tín nhiệm tại Việt Nam, hay giao VBMA thực hiện trung tâm thông tin trái phiếu.

“Mỗi công cụ tài chính đều phải trải qua những bước phát triển. TPDN tạo ra một nền tảng giao dịch thanh khoản hơn rất nhiều so với tín dụng, việc chuyển từ tín dụng truyền thống sang phát hành TPDN hay phát hành giấy tờ có giá chính là một bước phát triển của thị trường này”, ông Quỳnh nói.

Trong lộ trình phát triển thị trường TPDN Việt Nam đến 2020 của Bộ Tài chính, 3 mục tiêu cụ thể được đặt ra là nghiên cứu xây dựng hệ thống thông tin về phát hành và giao dịch TPDN; xây dựng đường cong lãi suất TPDN; khuyến khích các DN đa dạng hóa các loại hình TPDN… Tuy nhiên, với thực trạng thị trường như hiện nay, bao giờ những mục tiêu Bộ Tài chính đặt ra sẽ thành hiện thực là một câu hỏi khó.

>> Trái phiếu doanh nghiệp: "Điểm nổ"

>> Trái phiếu doanh nghiệp cần thêm điểm tựa để phát triển  

Hải Linh
Hải Linh

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,284.09 -6.09 -0.47% 232,038 tỷ
HNX 242.58 -1.33 -0.55% 1,769 tỷ
UPCOM 91.57 0.09 0.09% 657 tỷ