Đấu giá cổ phiếu ngân hàng: Vì sao ế?

(ĐTCK) Hai đợt đấu giá cổ phần MBB và EIB của Vietcombank vừa qua đều lâm vào cảnh ế ẩm cho thấy sức hút yếu ớt của cổ phiếu ngân hàng thông qua việc bán đấu giá ở thời điểm hiện tại. Vậy nguyên nhân do đâu?
Đấu giá cổ phiếu ngân hàng: Vì sao ế?

Ngày 17/10 vừa qua, Sở GDCK Hà Nội (HNX) thông báo không tổ chức phiên đấu giá bán cổ phần EIB (Ngân hàng TMCP Quân đội) do 

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sở hữu vì không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá. Đây được xem là thất bại thứ 2 liên tiếp của Vietcombank khi trước đó 2 ngày (15/10), kết quả đợt bán đấu giá cổ phần MBB (Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam) cũng không đạt kỳ vọng.

Việc thoái vốn khỏi MBB và EIB nhằm đảm bảo tuân thủ Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Hiện tỷ lệ sở hữu của Vietcombank tại MBB và EIB đều trên 5%.

Diễn biến giá cổ phiếu MBB trong 1 năm qua. 

Tại phiên đấu giá cổ phần MBB, Vietcombank chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu, nhưng hết thời gian đặt cọc, chỉ có 10 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, bao gồm 5 tổ chức và 5 cá nhân.

Tổng số cổ phần các nhà đầu tư này đăng ký mua là hơn 5,9 triệu cổ phần, chiếm 11% tổng số cổ phần đấu giá. Kết quả, chỉ có 1 nhà đầu tư cá nhân mua 10.000 cổ phiếu MBB với giá đấu thành công là 21.900 đồng/cổ phiếu. Toàn bộ số cổ phần còn lại sẽ được Vietcombank bán khớp lệnh trên sàn.

Không chỉ vất vả trong 2 cuộc đấu giá trên, trước đó, Vietcombank cũng phải trải qua 3 phiên đấu giá mới bán hết cổ phần tại Ngân hàng Phương Đông (OCB). Vậy phải chăng nhà đầu tư không còn hứng thú với việc đấu giá cổ phiếu ngân hàng?

Giá khởi điểm của đợt đấu giá MBB là 19.641 đồng/cổ phiếu, còn EIB là 14.497 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, theo quy định, giá bán sẽ không được thấp hơn giá đóng cửa cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tại ngày mở cuộc đấu giá công khai.

Diễn biến giá cổ phiếu EIB trong 1 năm qua. 

Tại ngày 17/10, giá cổ phiếu EIB trên thị trường được giao dịch dưới mốc 14.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá khởi điểm đưa ra, nên không hấp dẫn nhà đầu tư. Từ đó đến nay, EIB vẫn trong xu hướng giảm.

Đứng ở góc độ nhà đầu tư, ông Trần Hoàng Linh - một nhà đầu tư nhiều năm ưa thích nhóm cổ phiếu ngân hàng cho biết: “MBB và EIB đều đã niêm yết. MBB mỗi phiên có hàng triệu cổ phiếu được giao dịch, EIB tuy ít hơn song cũng không thiếu để mua.

Với lượng hàng sẵn có trên sàn thì đấu giá không còn hấp dẫn. Đó là chưa kể tham gia đấu giá còn phải làm nhiều thủ tục như đăng ký, đặt cọc...”.

Một nhà đầu tư khác, anh P. Lâm cho rằng, ngoài nguồn cung, hoạt động đấu giá không thu hút được nhà đầu tư còn do cơ chế.

“Thị trường giai đoạn này biến động thất thường, còn cổ phiếu MBB và EIB lại đang trong xu hướng giảm. Đấu giá mà giá bán lấy theo giá thị trường thì canh trên sàn ở các nhịp giảm giá để mua vào còn tốt hơn nhiều”, nhà đầu tư này nói.

Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Trần Đình Dũng, Trưởng phòng Tư vấn tài chính và bảo lãnh phát hành Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho hay, việc đấu giá là “trào lưu” cách đây hơn 1 năm, hiện đã "lỗi thời", không còn thu hút các nhà đầu tư trong nước. Với nhà đầu tư nước ngoài, do ngân hàng là lĩnh vực bị hạn chế về tỷ lệ sở hữu nên họ cũng không mặn mà.

Không còn được ưa chuộng, nhưng các tổ chức vẫn chọn hình thức bán đấu giá thay vì khớp lệnh trên sàn, theo lý giải của ông Dũng là trước đây, một số trường hợp thoái vốn bằng phương thức khớp lệnh có sự bất thường khi xuất hiện lệnh khớp “khủng”, trong khi trước đó không có giao dịch nào, làm dấy nên nghi ngờ bị thất thoát vốn.

Do vậy, hình thức khớp lệnh không được các tổ chức, các chủ sở hữu ưu tiên để tránh nghi vấn không công khai, minh bạch.

Ngoài thời điểm không thuận lợi, ông Dũng cho biết, phương thức tính giá cũng là một bất cập khiến nhà đầu tư không mặn mà với các đợt đấu giá thoái vốn này.

Hiện tại, phương thức tính giá thoái vốn theo Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp (có hiệu lực từ tháng 5/2018) đang gây khó khăn cho nhà đầu tư.

Việc yêu cầu thoái vốn nhà nước không được thấp hơn giá trên sàn đẩy nhà đầu tư vào tình thế rủi ro bởi giá cổ phiếu trên thị trường luôn biến động. Đây là bất cập nói chung trong việc thoái vốn tại doanh nghiệp niêm yết, chứ không riêng cổ phiếu ngân hàng.

Để xử lý bất cập này, ông Dũng cho rằng, phương thức xác định giá đối với các doanh nghiệp niêm yết cần phải "mở" hơn, đấu giá theo giá khởi điểm, chứ không nên phụ thuộc vào giá thị trường.     

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 0 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 0 tỷ