Đáp ứng phụ tải điện tăng 20% là nhiệm vụ nặng nề

Ngày 18/7/2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 - 2015 có xét đến năm 2025 (gọi tắt là Quy hoạch điện VI). Ông Tạ Văn Hường - Vụ Trưởng Vụ Năng lượng- Bộ Công nghiệp đã trả lời phỏng vấn về một số vấn đề quan tâm trong Quy hoạch điện VI.
Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (Ảnh minh hoạ - nguồn Website  UBND tỉnh Hoà Bình Nhà máy thuỷ điện Hoà Bình (Ảnh minh hoạ - nguồn Website UBND tỉnh Hoà Bình

Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VI của Thủ tướng Chính phủ xác định phương án cao với phụ tải tăng 20% trong giai đoạn 2006 - 2015 là phương án điều hành, theo ông mức tăng phụ tải này có quá cao và tính khả thi của nó?

 

Các nhà khoa học thực hiện nghiên cứu cũng còn nghi ngờ về điều này, nhưng các nhà lãnh đạo cấp cao có nhiều thông tin hơn đánh giá khác hẳn, đặc biệt sau khi Việt Nam gia nhập WTO, tất cả các dự báo của các ngành đều khác trước đây, trong đó có ngành điện. Các tổng sơ đồ của ngành điện trước đây chỉ xây dựng với mức phụ tải tăng từ 11%, 13%, cùng lắm là 15% và trước khi gia nhập WTO chúng ta đã chuẩn bị 1 phương án tích cực, phụ tải tăng 16%, rất nhiều ý kiến đã ái ngại, nhưng do tình hình đầu tư của nền kinh tế với những số liệu rất bất ngờ, lên tới trên chục tỷ USD mỗi năm, cho nên tinh thần Quy hoạch điện VI lần này là chuẩn bị sẵn sàng cho tình hình mới và Chính phủ đã chỉ đạo phương án cơ sở ít nhất là 17%.

 

Mặc dù vậy, Chính phủ vẫn không yên tâm nên đã tính toán mức tăng phụ tải lên 20% để điều hành, và chuẩn bị phương án 22%/năm cho trường hợp tăng trưởng đột biến. Theo tôi, thực tế khó thực hiện nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng. Các câu hỏi đặt ra ở đây là chúng ta phát triển nhanh như thế có ổn định không? Và có đủ tiềm lực phát triển nhanh như vậy? Đây là một thách thức rất lớn và đòi hỏi một quyết tâm vượt bậc của tất cả các cấp thì mới thực hiện được.

 

Tuy nhiên, lần này Quy hoạch duyệt để mà làm, theo hướng vừa làm vừa nghe ngóng, điều chỉnh chứ không cố định, cho nên các danh mục các dự án nguồn, lưới điện nằm trong Quy hoạch đã phê duyệt chỉ là quyết định tại thời điểm này. Nếu 1 năm sau hoặc sớm hơn thế, tình hình thực tế thay đổi thì sẽ thay đổi, điều chỉnh lại vì vậy cũng không nên đắn đo vì sao cao như thế. Đây mới là quy hoạch và định hướng, chưa có quyết định đầu tư nhưng phải chuẩn bị sẵn sàng để nếu tình hình phát triển như thế thật thì ta đã có phương án giải quyết.

 

Tính pháp quy của các công trình đưa ra trong Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VI là gì?

Quyết định Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt rồi đó là pháp quy. Nhưng đây chỉ là định hướng, còn khi thực hiện dự án vẫn phải có quyết định đầu tư được phê duyệt theo quy định thì những dự án nằm trong danh mục này  mới được triển khai thực hiện.

 

Việc thực hiện Quy hoạch điện IV và V không đạt mục tiêu nhưng không có cơ quan nào chịu trách nhiệm dẫn đến thiếu điện vậy có tái lặp lại trong Quy hoạch điện VI?

Tôi có thể khẳng định việc không thực hiện đầy đủ mục tiêu trong quy hoạch điện IV và V trách nhiệm trước hết phải thuộc về các cơ quan quản lý nhà nước. Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN ) được Nhà nước giao lo điện,  nhưng có phải họ toàn quyền đâu mặc dù họ là đơn vị chịu trách nhiệm chính và là yếu tố chính tác động đến thực hiện không đầy đủ quy hoạch.

 

Chính vì vậy, trong Quyết định phê duyệt Quy hoạch điện VI, Thủ tướng đã chỉ đạo phải thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Quy hoạch điện VI. Trong Ban chỉ đạo sẽ có đầy đủ các thành phần của các cơ quan liên quan và Chính phủ nhằm giám sát thực thi Quy hoạch chặt chẽ, cũng như xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, không để như trước đây nữa. Hiện nay, Bộ Công nghiệp đang chuẩn bị để trình Chính phủ thành lập ban chỉ đạo này.

 

Những dự án nguồn điện chậm so với tiến độ sẽ bị xử lý như thế nào?

Khi xây dựng Quy hoạch điện VI, chúng tôi đã tính đến yếu tố này. Các dự án chậm, thậm chí không thực hiện được do nhiều lý do. Do vậy khi thiết kế QHĐ 6 đã phải tính đến các dự án dự phòng hoặc thay thế khi phát hiện thấy một số dự án khó thực hiện. Ví dụ, trước đây ta đã thiết kế một Trung tâm nhiệt điện tại miền Nam và đang chờ nguồn khí tại biển Đông, nhưng khi khảo sát lại thấy trữ lượng khí không đủ cho phát điện thì chuyển sang dự án khác, nhưng không phải ngay lúc đó mà là thời gian sau đấy. Và những dự án không thực hiện được đúng kế hoạch đành chịu thiếu hụt công suất tiềm năng ở ngay năm đấy. Nhưng, tỷ lệ tăng trưởng điện năng không dám chắc có cao như thế không? Việc xem xét trong một thời gian mà quyết định cho cả chục năm sau là điều khó khăn. Do vậy, điều chỉnh hàng năm theo tình hình thực tế của phụ tải là cách lựa chọn hợp lý trong QH lần này.

 

Tình trạng thiếu nhân lực, một Ban quản lý phải đảm nhiệm quản lý nhiều dự án điện cùng lúc và năng lực của các nhà thầu có hạn trong khi các công trình điện khởi công hàng loạt dẫn đến chậm tiến độ có được tính đến khi xây dựng Quy hoạch điện VI?

 

Đấy là tình hình thực tế của các nước trong giai đoạn đầu phát triển, cái đó tính vào nguy cơ không thực hiện đúng tiến độ dự án. Khi tính toán chúng tôi cũng chú ý cả vấn đề đó cho nên phần tính toán tổng công suất cho từng năm phần dự phòng cao hơn bình thường để làm cơ số điều hành trong quá trình thực hiện QH.


VNN

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ