Đằng sau thị phần môi giới quý II

(ĐTCK) Sự biến động thị phần môi giới của các CTCK trong quý II cho thấy, việc cạnh tranh giữa các CTCK là một quá trình bền bỉ và liên tục. Công ty nào muốn bứt phá cũng phải có thời gian nỗ lực khá dài.
Đằng sau thị phần môi giới quý II

> VPBS thế chỗ BSC trong top 10 thị phần môi giới trên HNX

> Thị phần môi giới quý II/2013 trên HOSE: VPBS đẩy BVS ra khỏi top 10  

Thị phần quý II của 2 “ông lớn” trong ngành, CTCK Sài Gòn (SSI) và CTCK TP. HCM (HSC) đã có sự tăng giảm nhẹ trái chiều. Thị phần của HSC giảm nhẹ từ 13,82% xuống 12,57%, tuy công ty này vẫn dẫn đầu. Thị phần của SSI tăng gần 1%, từ 10,66% lên 11,47%. Sự thay đổi này hoàn toàn hợp lý khi nhìn vào diễn biến thị trường trong quý II, thanh khoản không sôi động bằng quý I và đặc điểm khách hàng của 2 công ty. SSI có thế mạnh ở mảng môi giới nhà đầu tư nước ngoài, mà khối này giao dịch mạnh trong quý II nên thị phần của Công ty cũng tăng lên. Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân trong nước, lợi thế của HSC, lại thận trọng với thị trường.

Đằng sau thị phần môi giới quý II ảnh 1

Trong quý II, thị phần môi giới của SSI đã tăng gần 1%, từ 10,66% lên 11,47%

Chính sách môi giới của 2 công ty này chưa có gì thay đổi lớn, dù người bên ngoài nhìn thấy quyết tâm ganh đua vị trí số 1 thị phần, kể từ sau mùa ĐHCĐ vừa qua. SSI vẫn duy trì chính sách phí giao dịch cạnh tranh, với mức thấp nhất là 0,15% để thu hút nhà đầu tư mới, trong khi HSC duy trì phí giao dịch phân chia theo giá trị giao dịch và xét riêng về phí thì không cạnh tranh so với các CTCK khác.

Liên quan đến giao dịch tiền và chứng khoán, một nhà đầu tư có tài khoản ở nhiều CTCK cho biết, sau vài lần chuyển tiền trực tuyến cùng thời điểm thì tiền từ HSC về tài khoản cá nhân nhà đầu tư này thường sớm hơn. Theo giải thích từ phía ngân hàng, có thể do bên chuyển tiền thực hiện ngay lệnh của nhà đầu tư hoặc để các lệnh chuyển tiền dồn lại và gửi đến trung tâm thanh toán của ngân hàng vào một giờ. Nếu chuyển lệnh vào 4h chiều thì đến 6h chiều, tiền mới vào tài khoản khách hàng. Lúc này, khách hàng không kịp giao dịch nữa. Theo nhà đầu tư này, trong đợt thanh toán tiền giải thể của CTCP Cáp Sài Gòn đầu năm nay, vào trưa ngày thanh toán, tiền đã xuất hiện trong tài khoản của HSC, trong khi hết giờ giao dịch, tài khoản của SSI mới ghi nhận và đến hôm sau, nhà đầu tư mới rút được tiền mặt.

Đối với giao dịch online, phần mềm của HSC cho phép nhà đầu tư đặt lệnh sau 8h tối hôm trước, giống như nhiều CTCK khác. Trong khi đó, khi giao dịch qua phần mềm của SSI, nhà đầu tư phải đợi đến đúng 8h30 hôm sau mới có thể đặt lệnh.

Để lấy lại vị trí số 1, SSI chắc chắn còn nhiều việc phải làm. Công ty này vừa gửi thư tham khảo ý kiến khách hàng để cải tiến website với giao diện ra mắt từ 2009 và tiếp tục tuyển thêm nhân viên môi giới.

Không riêng SSI, CTCK Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) cũng đang nỗ lực tuyển thêm môi giới có kinh nghiệm và khả năng môi giới đạt doanh thu 5 tỷ đồng/tháng. Hơn một năm qua, VPBS có nhiều nỗ lực trong việc tăng thị phần với những chính sách tuyển nhân viên khá chặt, nhưng chế độ ưu đãi đào tạo khá tốt. Để cạnh tranh với CTCK lớn, VPBS áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là về phí như phí giao dịch ưu đãi và phí dịch vụ tài chính thấp nhất thị trường. Từ ngày 1/7, VPBS đã áp dụng lãi suất giao dịch ký quỹ là 14,8%/năm  (0,041%/ngày), giảm so với mức 15,5% trước đó. Tới đây, với những cổ phiếu tốt theo đánh giá của VPBS có thể được hưởng mức lãi suất thấp hơn 13,8% theo chính sách phân tầng lãi suất đã áp dụng. Những nỗ lực của VPBS đã được đền đáp khi công ty có mặt trong top 10 Công ty có thị phần dẫn đầu quý này.

Nhà đầu tư cũng nhận thấy những nỗ lực của CTCK FPT (FPTS) trong việc duy trì thị phần và khả năng cạnh tranh. Nhưng ngoài lợi thế về phần mềm giao dịch thì FPTS có vẻ thiếu sáng tạo hoặc là thiếu lợi thế để đưa ra các sản phẩm dịch vụ phù hợp linh hoạt theo thị trường. Nhưng điểm cộng của FPTS là sự chăm sóc và tư vấn cho khách hàng mỗi ngày của nhân viên môi giới.

Xét về sự năng động, phải nói đến CTCK VNDirect (VNDS). Tuy mức phí dịch vụ của Công ty  không phải quá cạnh tranh, nhưng VNDS khá thành công trong việc tư vấn cổ phiếu sinh lời cho khách hàng và đưa ra giải pháp tài chính linh hoạt từng thời điểm, như ký quỹ 3 ngày không tính lãi và mới đây đã chính thức áp dụng lãi suất 13,5%/năm cho giao dịch ký quỹ kỳ hạn cố định 1 tháng. Mới đây, VNDS cũng đã thành công trong tư vấn cho khách hàng đầu tư cổ phiếu TCM với mức lợi nhuận khoảng 30-50% khi cổ phiếu TCM tăng từ 7.000 đồng lên mức 13.000 đồng/cổ phiếu hiện nay.

Mỗi công ty có mặt trong danh sách dẫn đầu thị phần đều có một sắc thái riêng được xây dựng từ nhiều năm nay, nên ngoại trừ những trường hợp lọt vào danh sách dẫn đầu một cách bất ngờ nhờ những giao dịch đột biến lớn trong kỳ xếp hạng thì về cơ bản, việc chen chân vào Top 10 không hề dễ dàng cho nhóm dưới.

Minh An
Minh An

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ