Đã có cơ chế kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán mới?

Theo thông tin mới nhận được, sáng hôm qua (29.1) khi trao đổi với đại diện các cơ quan thông tin, một phó thống đốc NHNN cho biết NHNN đang sửa đổi cơ chế về kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán.
Đã có cơ chế kiểm soát cho vay kinh doanh chứng khoán mới?

Cơ chế kinh doanh chứng khoán (KDCK) được sửa đổi theo hướng cho phép tổng mức dư nợ cho vay KDCK của một TCTD tối đa đến 20%/vốn điều lệ, nhưng các khoản cho vay, đầu tư KDCK phải  xếp vào nhóm tài sản "có" có hệ số rủi ro từ 200%-250%.

 

Nếu đúng như vậy, quy định khống chế tỉ lệ % dư nợ cho vay KDCK trên tổng dư nợ của Chỉ thị 03 đã được thay bằng tỉ lệ % trên vốn điều lệ. NHNN đã không quy định việc trích lập dự phòng rủi ro (DPRR) đối với khoản dư nợ cho vay KDCK như các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa trước đây.

 

Có thể do NHNN chưa đạt được sự thống nhất với Bộ Tài chính vì phần trích lập DPRR của các TCTD liên quan đến thuế (phần trích lập DPRR, TCTD không phải nộp thuế vì hạch toán vào chi phí).

 

Vì vậy, để sửa đổi cơ chế kiểm soát cho vay KDCK như dự định,  trong thẩm quyền của mình, NHNN đã thay việc trích lập DPRR bằng quy định hệ số rủi ro. Hệ số này liên quan đến  tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu của TCTD (quy định hiện nay là các TCTD, trừ chi nhánh NH nước ngoài, phải duy trì tỉ lệ tối thiểu 8% giữa vốn tự có với tổng tài sản "có" rủi ro).

 

Tài sản "có" rủi ro của một TCTD theo Quyết định 457/2005/QĐ-NHNN ngày 19.4.2005 của Thống đốc NHNN được phân nhóm theo các mức độ rủi ro từ 0% đến  100%. Như vậy các khoản cho vay KDCK nếu quy định ở hệ số rủi ro từ 200%-250% là loại tài sản "có" có hệ số rủi ro đặc biệt.

 

Nếu TCTD nào có số dư nợ cho vay KDCK cao sẽ khó đảm bảo được tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu. Đây là một chỉ tiêu căn bản trong hoạt động NH, vi phạm các TCTD sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

 

Thực chất tỉ lệ khống chế không thay đổi  nhiều

 

Thông tin về việc NHNN sửa đổi cơ chế kiểm soát cho vay KDCK là chủ đề rất nóng của giới báo chí và các bên có liên quan từ hôm qua đến nay. Nhiều ý kiến cho rằng cơ chế kiểm soát cho vay KDCK tuy mới,  nhưng tỉ lệ khống chế thì không khác là bao so Chỉ thị 03.

 

Có thể lấy ví dụ thế này: 1 NHTMCP của Hà Nội hiện có tổng dư nợ 13.300 tỉ đồng, vốn điều lệ  2.000 tỉ đồng. Nếu theo Chỉ thị 03 thì mức dư nợ cho vay KDCK của NH này được gần 399 tỉ đồng(3%/tổng dư nợ). Nếu cho vay theo quy định mới thì giới hạn cho vay KDCK tối đa là 400 tỉ đồng (20% của vốn điều lệ).

 

Chúng ta chưa biết phản ứng của thị trường và các TCTD ra sao, nhưng cơ chế kiểm soát cho vay KDCK mới cho thấy,  về cơ bản, NHNN vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ đối với  cho vay KDCK .

 

Điều này có thể lý giải là mục tiêu kiềm chế lạm phát vẫn là mục tiêu hàng đầu của NHNN trong năm 2008. Đã có những dự báo cho thấy tỉ lệ tăng CPI ngay trong tháng 1 này sẽ trên 3%.

 

Trong khi đó, nhu cầu vốn tín dụng vẫn đang tăng rất mạnh. Đến thời điểm này, theo cân đối kế toán tháng 12.2007 của các TCTD, số tăng trưởng tín dụng năm 2007 của một số địa bàn  thực tế còn cao hơn số đã ước, đã công bố.

 

Các NHTMCP vẫn tiếp tục tăng trưởng tín dụng nóng, có thành phố, mức tăng dư nợ của  khối NHTMCP lên đến 127% so cuối năm 2006. Vì vậy, nếu sửa đổi cơ chế kiểm soát cho vay KDCK trong thời điểm này rất có thể sẽ làm cho mức tăng tín dụng trở nên nóng hơn. Nhất là khi thị trường đang ở trong thời điểm mà giá CP khá rẻ, có nhiều khuyến cáo là nên mua vào để chờ đón điểm bật lại của thị trường (dự đoán nửa cuối tháng 2.2008).

 

Bên cạnh đó, nhiều  NHTMCP lại là những NH luôn có xu hướng  mở rộng cho vay KDCK. Đây là điều NHNN không khuyến khích. Hơn nữa, hiện NHNN đang muốn điều chỉnh nguồn vốn tín dụng hướng mạnh vào các lĩnh vực trực tiếp SX-KD thay vì đổ vào các lĩnh vực phi sản xuất hoặc đầu cơ (như cho vay CK, bất động sản, vàng) gây tiềm ẩn rủi ro cho nền kinh tế và gây áp lực lên lạm phát.

 

Sửa 3% chưa là "cứu tinh" của thị trường

 

Không có căn cứ để nói TTCK Việt Nam bị biến động mạnh vì NHNN ban hành Chỉ thị 03. Tuy nhiên có thể thấy là từ khi Chỉ thị 03 có hiệu lực thi hành đến nay cũng trùng với thời điểm mà TTCK gần như luôn ở trạng thái sụt giảm.

 

Tuy nhiên, qua diễn biến của VN-Index trong gần 2 tháng nay, mọi người đã nhận ra nguyên nhân thực sự khiến VN-Index ngày càng tụt xuống là do cung quá lớn-sức cầu yếu, NĐT mất niềm tin với thị trường...

 

Ngoài ra, những biến động trên thị trường tài chính quốc tế  năm 2007 và những dự báo về suy giảm kinh tế toàn cầu cũng là những yếu tố gây ảnh hưởng bất lợi đến TTCK Việt Nam. Một số NĐT đã bị ảnh hưởng bởi tâm lý này và rút vốn khỏi KDCK. Chỉ thị 03 chỉ là một trong những tác nhân làm giảm sự sôi động của thị trường.

 

VN-Index giảm mạnh đã khiến đa số NĐT bị lỗ từ 20%-50%. Nhiều người đã thấm thía tình cảnh vay vốn để kinh doanh CK nên cũng có phần thay đổi cách nhìn về vốn vay NH.

 

Một NĐT nói: "CK xuống là do nội tại, do NĐT cạn tiền cũng như cung CP tràn ngập trong thời gian quá ngắn. Đầu tư CK nên là tiền dư chứ không nên là tiền vay NH với mức lãi 1,1%/tháng để mua bán lòng vòng CK. Đầu tư CK là đầu tư lâu dài và nhiều rủi ro, vậy nên phải hạn chế vay NH đổ vào CK.

 

Cá nhân tôi nghĩ lúc này có điên mới vay tiền NH chơi CK". Đó là lý do tại sao gần đây các NĐT nhỏ, lẻ ít còn ý kiến chỉ trích hoặc đặt nhiều hy vọng vào việc sửa đổi Chỉ thị 03 sẽ giúp cho TTCK hồi phục.

 

Bên cạnh đó, mọi người cũng đã biết NHNN có hướng tuy không cấm việc cho vay KDCK  nhưng vẫn tiếp tục kiểm soát bằng các biện pháp khác. Với cơ chế kiểm soát mới, các TCTD, đặc biệt là các NHTM Nhà nước và một số TCTD khác mà tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu đang ở mức thấp cũng phải  thận trọng trong việc mở rộng cho vay KDCK. Một NĐT nói".

 

Hơn nữa CK hiện nay không "sốt", không siêu lợi nhuận như trước kia nữa, đầu tư khả năng lỗ nhiều hơn lãi vậy thử hỏi có bao nhiêu phần trăm các NĐT dám vay tiền để chơi CK? Còn NH họ cũng chẳng dại gì mà không nhận ra vấn đề. Mấy ông đi vay, phần lớn là mấy ông bị "kẹp" CK. Dại gì mà nhảy xuống bùn để lún sâu vào vũng nợ nần cùng mấy ông ấy".

 

Theo ý kiến của một số người, Chỉ thị 03 nếu được điều chỉnh cũng có tác động chừng mực nào đó đến thị trường, chứ không phải là "cứu cánh" của TTCK VN trong bối cảnh hiện nay. Chính vì vậy, NHNN phải ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát hơn là nới rộng việc cho vay KDCK.

Theo LĐ

Tin liên quan:

>> Giải pháp cứu thị trường

>> Khống chế cho vay cầm cố chứng khoán

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ