Cuộc đua nóng vào ngành viễn thông Việt Nam

Đã lộ diện một số "đại gia" viễn thông nước ngoài trong một động thái mới tại Việt Nam: Đầu tư tài chính vào các công ty viễn thông Việt Nam, bằng việc mua cổ phần.

Cuộc chen chân này được cho là không dễ dàng, bởi tình hình nguồn cung không nhiều nhưng cầu lại chẳng ít.

 

Điểm mặt những "đại gia"...

Tháng 9/2006, trong cuộc họp báo cuối cùng chuẩn bị khai mạc triển lãm "Vietnam Telecom 2006" tại TP.HCM, ông Trưởng đại diện của France Telecom đã nói thẳng ý đồ của tập đoàn này: "Chúng tôi muốn mua cổ phần của một số công ty viễn thông Việt Nam, cụ thể là các công ty thông tin di động (TTDĐ) như MobiFone, Vinaphone...".

 

Mười tháng trôi qua, tình hình đã có những diễn biến mới - không loại trừ cả những cuộc vận động và thoả thuận chiến lược ngầm giữa các bên - những gương mặt "đại gia" dần lộ diện.

 

Thượng tuần tháng 5/2007, Telenor (Na Uy) - tập đoàn cung cấp dịch vụ TTDĐ và truyền hình lớn nhất Bắc Âu - đã tài trợ thương hiệu cho sự kiện "Mobile Vietnam 2007" diễn ra tại Hà Nội và cho biết, ý định đầu tư tài chính vào các công ty TTDĐ Việt Nam. Đến hạ tuần tháng 5, trong một cuộc họp báo ở TP.HCM về các chương trình từ thiện xã hội của SK Telecom tại Việt Nam, đại diện của tập đoàn này cho biết, định hướng phát triển là sẽ cổ phần hoá mạng TTDĐ CDMA S-Fone - dự án hợp tác kinh doanh mà SK Telecom chiếm đa phần vốn đầu tư.

 

Mới đây, ngày 13/6, họp báo tại TP.HCM công bố triển lãm "Vietnam Comm 2007", ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin bưu điện của VNPT, cho biết: "Gần đây, đã có nhiều tập đoàn viễn thông nước ngoài mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, chờ đầu tư tài chính vào các công ty TTDĐ". Theo một nguồn tin khác, các "đại gia" viễn thông Mỹ cũng đã có động thái mua cổ phần của các công ty TTDĐ Việt Nam, tuy nhiên vì nhiều lý do nên họ đi đường vòng, qua các công ty Hàn Quốc, Đài Loan...

 

Cuộc chạy đua giữa các "đại gia"

Ba công ty TTDĐ nằm trong đích ngắm của các "đại gia" viễn thông nước ngoài là MobiFone, Vinaphone, Viettel Mobile sẽ lần lượt bán cổ phần trong thời gian tới. Ông Bùi Quốc Việt cho biết, theo quy định hiện hành, dù cùng lúc 2-3 "đại gia" mua cổ phần của các công ty TTDĐ Việt Nam nhưng không thể quá 49%, đến cuối năm 2008 đầu 2009, các tập đoàn nước ngoài mới được phép liên doanh với công ty Việt Nam, và phải đến sau năm 2010 mới có thể thành lập công ty 100% vốn tại Việt Nam.

 

France Telecom (FT) có lợi thế là đã vào Việt Nam khá lâu và xúc tiến khá sớm kế hoạch đầu tư tài chính vào các công ty TTDĐ Việt Nam . Tập đoàn này hiện là nhà khai thác dịch vụ TTDĐ lớn thứ hai ở châu Âu, trong đó Chính phủ Pháp nắm giữ 32,45% cổ phần. FT hiện có 88 triệu khách hàng ĐTDĐ, 48 triệu khách hàng ĐT cố định, 11 triệu khách hàng Internet ở 220 quốc gia và lãnh thổ (tính cả khách hàng của các công ty mà FT có cổ phần). Doanh thu của FT đạt 49 tỉ EUR trong năm 2005.

 

NTT-DoCoMo đến từ Nhật Bản - nơi mà tập đoàn này đã "thống trị" với hơn 50 triệu thuê bao ĐTDĐ và khoảng 135 triệu thuê bao Internet cá thể thông qua các thiết bị máy tính cá nhân, máy tính cầm tay, ĐTDĐ... NTT-DoCoMo bắt đầu mở chiến lược lấn ra thị trường thế giới từ năm 2005, bằng cách đi tiên phong trong các dịch vụ giá trị gia tăng hiện đại và rất tiện ích cho người dùng ĐTDĐ.

 

Telenor đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam , nhưng chưa được biết đến nhiều. Tập đoàn này đã có hơn 40 triệu khách hàng ở châu Á và trong quý I/2007, Telenor đã đẩy mạnh đầu tư vào khu vực này với khoản vốn hơn 350 triệu USD, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2006. Những tên tuổi khác đã mở văn phòng đại diện tại Việt Nam như Vodaphone (Anh), Lucent (Pháp)... cũng là những tên tuổi lẫy lừng.

 

Họ nhập cuộc đầu tư tài chính vào các công ty TTDĐ ở Việt Nam , khiến cho cuộc chạy đua càng trở nên nóng bỏng. Tuy nhiên, thông tin các công ty Việt Nam sẽ chọn ai làm đối tác chiến lược vẫn còn chưa được công bố rõ ràng, nên càng khiến cho các "đại gia" phải... chờ chực.


Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ