CTCK nói không với giải chấp

(ĐTCK) Sự sụt giảm mạnh của TTCK Việt Nam thời gian qua do nguyên nhân từ bên ngoài, nhưng sự giảm mạnh này liệu có tạo ra vòng xoáy giải chấp cổ phiếu?
CTCK nói không với giải chấp

ĐTCK trích đăng bình luận của một số chuyên gia về vấn đề này.

 CTCK nói không với giải chấp ảnh 1

“Việc bán giải chấp có diễn ra, nhưng không phải là áp lực đối với các CTCK”

Ông Nguyễn Chí Trung, Phó tổng giám đốc CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDS)

Theo tôi, việc bán giải chấp có diễn ra, nhưng không phải là áp lực đối với các CTCK. Hiện tại, VDS không gặp phải áp lực này. Thị trường giảm điểm mạnh trong một số phiên vừa qua do ảnh hưởng từ diễn biến xấu của các TTCK thế giới. Nguyên ngân chủ yếu do 2 yếu tố: tâm lý chung của các NĐT lo ngại căng thẳng tại khu vực Trung Đông leo thang; dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) sẽ tiếp tục bị rút mạnh tại các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines… khi Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thu hẹp chương trình nới lỏng định lượng QE3. Một lượng lớn mã blue-chip được nhiều NĐT tổ chức bán mạnh, trong khi NĐT tổ chức thường có nguồn lực tài chính tốt, không cần sử dụng giao dịch ký quỹ (margin). Thông thường, thị trường tăng điểm ồ ạt, kéo dài khoảng 2 tuần thì NĐT mới sử dụng margin, trong khi đó, thị trường Việt Nam “lình xình” cả tháng nay nên tỷ lệ margin sử dụng trong ngắn hạn không cao.

1 tháng qua, tỷ lệ vay của NĐT tại VDS có giảm, nhưng không nhiều. Điều này cũng dễ hiểu, bởi thị trường đang rơi vào trạng thái trống thông tin, chỉ cần mã cổ phiếu nào trong danh mục đi ngang hoặc tăng ít thì NĐT sẽ bán bớt ngay để giảm dư nợ.

 

“NĐT ‘nhạy’ với tình hình thế giới nên chủ động bán ra”

Ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. Hồ Chí Minh (HCM)

Giải chấp xuất hiện khi các CTCK buộc NĐT phải bán ra, trong khi mấy phiên vừa qua, thị trường giảm điểm do NĐT “nhạy” với tình hình thế giới nên chủ động bán ra. Thông thường, TTCK  phải rớt  liên tục 1 tuần và tổng cộng từ 10% đến 15% thì các CTCK mới đối diện áp lực giải chấp. Theo dõi các thị trường mới nổi, chỉ số tại các thị trường này đã rớt khoảng 15% nên có thể sẽ xuất hiện giải chấp, tuy nhiên tại TTCK Việt Nam thì vẫn chưa phải là thời điểm bắt đầu.

HCM không gặp phải áp lực giải chấp nào, tổng giá trị giải chấp của HCM trong tuần qua không đáng kể, chỉ vài trăm triệu đồng.

 

“Tại MBS hầu như không có tình trạng giải chấp”

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới CTCK MB (MBS)

Sự giảm điểm của TTCK trong những phiên gần đây không nằm ngoài dự đoán của chúng tôi, bởi thị trường đang bị tác động bởi nhiều yếu tố như biến động bất ổn của thị trường thế giới, khối ngoại rút vốn ở các thị trường đang phát triển nên ảnh hưởng đến TTCK Việt Nam. Thực tế, áp lực giải chấp cổ phiếu cũng đã xuất hiện, nhưng mức độ ít hay nhiều tùy thuộc vào từng CTCK. Tại MBS hầu như không có tình trạng giải chấp.

Những mã cổ phiếu bị bán mạnh trong những phiên gần đây chủ yếu là blue-chip, trong khi những mã này rất ít dùng “đòn bẩy” nên áp lực không phải quá lớn. Những mã có tính đầu cơ cao thì đã giảm giá mạnh trong thời gian trước đó.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn giữ quan điểm lạc quan về thị trường từ nay đến cuối năm và nhịp điều chỉnh hiện tại là cơ hội để mua cổ phiếu tăng trưởng với mức giá thích hợp.  

TTCK phải rớt 20 - 30% liên tục trong vòng ít nhất 1 tuần thì các CTCK mới đối diện áp lực giải chấp

Phan Hằng và Hải Vân thực hiện
Phan Hằng và Hải Vân thực hiện

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ