Công ty chứng khoán sẽ chuyển biến mạnh từ năm 2017

(ĐTCK) Sau 5 năm thực hiện tái cấu trúc các công ty chứng khoán, số lượng các công ty chứng khoán đã giảm mạnh. Đặc biệt, chất lượng tài chính, hoạt động cũng như mức độ an toàn hoạt động nhóm này đã tăng lên đáng kể. Ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, với những thay đổi về mặt pháp lý trong giai đoạn tới, công ty chứng khoán có cơ hội tăng trưởng mạnh hơn, nhưng đồng thời, áp lực cạnh tranh và sàng lọc các công ty chứng khoán cũng lớn hơn.
Công ty chứng khoán sẽ chuyển biến mạnh từ năm 2017

Năm 2016 đã trôi qua với sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán, kéo theo đó là tác động tích cực tới hoạt động của các công ty chứng khoán. Nhìn lại một năm qua, ông đánh giá như thế nào về chất lượng hoạt động chung của khối này?

Trong thời gian qua, hoạt động của các công ty chứng khoán ngày càng có dấu hiệu khởi sắc, chất lượng hoạt động các công ty chứng khoán đã tăng lên đáng kể. Yếu tố tích cực đó không chỉ thể hiện ở những con số phản ánh kết quả kinh doanh nói chung, mà còn nằm ở bản chất hoạt động các công ty.

Ông Phạm Hồng Sơn 

Chưa có con số cuối cùng của cả năm, nhưng kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2016 cho thấy, tổng doanh thu và vốn chủ sở hữu của các công ty chứng khoán tăng so với cùng kỳ năm trước, với tỷ lệ tăng tương đối lần lượt là 35% và 5%.

Tất nhiên, kết quả tăng này không đồng đều ở các công ty, mà doanh thu, lợi nhuận tập trung vào nhóm công ty chứng khoán có quy mô vốn lớn, thị phần môi giới ở Top đầu và những doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh bài bản, rõ ràng.

Ngoài hiệu quả kinh doanh chung tăng lên, một điều rõ nét nhất là mức độ hoạt động chuyên nghiệp, bài bản và sự lành mạnh về tình hình tài chính của các công ty đã được cải thiện mạnh mẽ.

Theo đó, với việc triển khai quyết liệt đề án tái cấu trúc công ty chứng khoán, số lượng các công ty chứng khoán hoạt động bình thường hiện nay đã giảm về còn 76 công ty (giảm 26%).

Đặc biệt, với yêu cầu khắt khe chỉ tiêu an toàn tài chính, quản trị rủi ro…, hoạt động các công ty chứng khoán đã thay đổi rất nhiều về chất, các công ty đã không liều lĩnh đánh đổi rủi ro hoạt động lấy thị phần như giai đoạn trước.

Nhờ đó, hiệu quả hoạt động nhiều công ty dù chưa tăng mạnh nhưng không có tình trạng giảm sốc như trước kia, các công ty chứng khoán đã tập trung vào quản trị rủi ro và đặt an toàn tài chính lên mức độ cao nhất. 

Ở vai trò người quản lý, giám sát hoạt động các công ty chứng khoán, ông có cho rằng số lượng công ty chứng khoán nên tiếp tục giảm?

Thông lệ quốc tế cũng như thực tiễn hoạt động thị trường không xác định về số lượng chính xác các công ty chứng khoán cần là bao nhiêu. Tuy nhiên, với quy mô của thị trường chứng khoán hiện nay, số lượng công ty chứng khoán là nhiều và cần giảm bớt số lượng, đặc biệt những công ty yếu kém không đảm bảo an toàn tài chính.

Mặc dù vậy, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất là các công ty chứng khoán phải hoạt động lành mạnh, an toàn… không gây ảnh hưởng đến thị trường chung, còn các vấn đề khác, tự yếu tố cạnh tranh trên thị trường sẽ điều tiết. Cơ quan quản lý chỉ đóng vai trò giám sát, tạo sân chơi lành mạnh, bình đẳng cho các công ty và xem xét xử phạt đình chỉ, thu hồi giấy phép hoạt động của công ty theo quy định pháp luật.

Với quy mô của thị trường chứng khoán hiện nay, số lượng công ty chứng khoán là nhiều và cần giảm bớt số lượng, đặc biệt những công ty yếu kém không đảm bảo an toàn tài chính.

Số liệu nửa đầu năm 2016 cho thấy, khoảng cách giữa các công ty chứng khoán tiếp tục giãn ra lớn hơn, khi 85% thị phần môi giới trên thị trường tập trung vào 15 công ty chứng khoán và phần lớn lợi nhuận của khối này tập trung vào chưa tới 10 công ty chứng khoán.

Theo thời gian, tôi tin rằng, chính các công ty chứng khoán sẽ phải tìm cách thích nghi và cổ đông các công ty này sẽ phải tự đưa ra lời giải cho mình về việc tìm hướng đi riêng để tăng khả năng cạnh tranh, từ đó tăng khả năng sinh lời cho đồng vốn của mình, hoặc chấp nhận giải thể.

Như ông nói thì áp lực cạnh tranh lên các công ty chứng khoán dường như sẽ tiếp tục tăng lên? Vậy cơ hội nào cho các công ty chứng khoán trong năm 2017?

Tôi cho rằng, thách thức cạnh tranh với các công ty chứng khoán trong tương lai là rất lớn, nhưng đi kèm với điều đó là cơ hội, chứ không phải chỉ có áp lực một chiều.

Trước hết, quy mô vốn hóa thị trường đang tăng lên mạnh mẽ, đặc biệt là sự bùng nổ về vốn hóa cả thị trường niêm yết và UPCoM những tháng cuối năm 2016. Đây là tiền đề quan trọng để tăng doanh thu các công ty chứng khoán, bao gồm cả doanh thu môi giới, dịch vụ tư vấn, tài chính… trong năm 2017. Vấn đề là khả năng các công ty chứng khoán đáp ứng được nhu cầu thị trường và cạnh tranh như thế nào.

Thứ hai là các công cụ, sản phẩm mới. Hiện tại, khung pháp lý về chứng khoán phái sinh đã có, và tôi hy vọng, các thành viên thị trường sẽ sớm chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để sản phẩm này đi vào thực tế. Đây là dư địa lớn cho tăng trưởng, nhưng tất nhiên, không phải dành cho mọi thành viên, vì yêu cầu về tài chính cao, trong đó quy mô vốn điều lệ phải không dưới 700 tỷ đồng.

Hiện tại, chỉ có 15 công ty chứng khoán đủ khả năng cung cấp sản phẩm này, nên rõ ràng, sản phẩm mới này mở ra cơ hội kinh doanh, nhưng cũng gây sức ép cạnh tranh lớn hơn cho các công ty có quy mô vốn nhỏ hơn.

Thứ ba là các quy định mới liên quan đến nhà tạo lập thị trường - market maker. Hiện tại, các quy định chi tiết về vấn đề này đang được sở giao dịch lấy ý kiến để triển khai. Sắp tới đây, quy định này sẽ tạo động lực cho các công ty chứng khoán trong việc thúc đẩy thị trường nói chung và kinh doanh của chính công ty chứng khoán nói riêng.

Thứ tư là cơ hội đến từ nâng hạng thị trường. Hiện tại, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang tích cực cải thiện các điều kiện để nâng hạn thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi. Nếu làm được điều này, dòng vốn ngoại vào thị trường sẽ rất lớn và đó là cơ hội cho các công ty chứng khoán trong việc cung cấp các dịch vụ chứng khoán nói chung, thu hút vốn đầu tư vào chính mình nói riêng.

Vậy trong năm 2017, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ làm gì để thúc đẩy sự phát triển chung các công ty chứng khoán, thưa ông?

Trong năm tới, chúng tôi sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cho các công ty chứng khoán.

Thứ nhất là tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm kiểm soát rủi ro hoạt động, tăng cường sự minh bạch, hiệu quả hoạt động các công ty chứng khoán. Công ty chứng khoán là cầu nối giữa nhà đầu tư với thị trường, nên phải đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh… hạn chế tối đa việc xảy ra các sự cố về rủi ro hoạt động. Định kỳ hàng năm, Ủy ban Chứng khoán kiểm tra từ 10-20 công ty để thực hiện giám sát, kịp thời có biện pháp điều chỉnh với các công ty có sai sót trong hoạt động.

Chúng tôi xác định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không chỉ thực hiện chức năng giám sát mà sẽ là nơi đồng hành cùng các công ty trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động và cung cấp dịch vụ, quản trị rủi ro… để hướng tới cộng đồng các công ty hoạt động lành mạnh, an toàn và hiệu quả.

Thứ hai là thúc đẩy các công ty đại chúng, doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa lên niêm yết, đăng ký giao dịch trên UPCoM, tạo cung hàng cho thị trường, cũng mở ra cơ hội cho các công ty chứng khoán trong cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Thứ ba là thúc đẩy các công tác chuẩn bị để đưa chứng khoán các sản phẩm mới vào thực tế. Theo kế hoạch, năm 2017 thị trường chứng khoán phái sinh sẽ đi vào hoạt động chính thức. Hiện tại, các công tác chuẩn bị cho vận hành thị trường đang được gấp rút chuẩn bị.

Thứ tư là triển khai thực hiện quy định market maker. Theo kế hoạch, đầu năm 2017, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội sẽ áp dụng thí điểm cơ chế này.

Thứ năm là tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến lĩnh vực công ty chứng khoán và nghiên cứu thúc đẩy phát triển sản phẩm mới.

Bùi Sưởng thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,209.52 4.55 0.38% 154,884 tỷ
HNX 226.82 -0.75 -0.33% 1,394 tỷ
UPCOM 88.66 0.33 0.37% 435 tỷ