Có thể đóng cửa các sàn vàng

Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ hai phương án quản lý các sàn vàng, trong đó hoặc sẽ dừng hoạt động sàn vàng, hoặc nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%.
Nên cân nhắc kỹ phương án xử lý sàn vàng. Nên cân nhắc kỹ phương án xử lý sàn vàng.

  >> Trình hai phương án xử lý sàn vàng

Chiều 3/12, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang chờ Chính phủ phê duyệt một trong hai phương án này. Phương án 2 vẫn cho sàn vàng hoạt động, nhưng có thể nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%.

 

Trước thông tin này, lãnh đạo một số sàn vàng cho rằng, nếu đây là phương án mà Ngân hàng Nhà nước thấy cần thiết để chấn chỉnh sự "lộn xộn" xung quanh hoạt động các sàn vàng hiện nay, thì họ rất hoan nghênh. Tuy nhiên, giới kinh doanh sàn vàng lẫn các chuyên gia tài chính tiền tệ có rất nhiều băn khoăn.

 

Giám đốc một sàn giao dịch vàng của một ngân hàng đặt giả thiết, nếu Ngân hàng Nhà nước cho dừng tất cả hoạt động sàn vàng, cũng khó ngăn được một số người vẫn tìm mọi cách để hoạt động chui. Còn với phương án nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%, các nhà đầu tư chắc chắn sẽ rời bỏ sàn ra đi vì không còn hấp dẫn họ. Kết quả là sàn vàng sẽ bị thu hẹp lại. Khi đó lại phát sinh một tình trạng khác, các chủ sàn lại tìm cách "lách" tỷ lệ ký quỹ để thu hút nhà đầu tư.

 

Tổng giám đốc một sàn giao dịch vàng khác thì lo ngại, cả hai phương án xử lý mà Ngân hàng Nhà nước đề xuất đều dẫn đến một thực tế những người có nhu cầu đầu tư vàng thực sự sẽ mất đi cơ hội làm ăn tại các sàn trong nước. Họ sẽ tìm cách tham gia giao dịch với các sàn nước ngoài.

 

Từ những băn khoăn trên, lãnh đạo của các sàn vàng cho rằng, thay vì cho dừng hoạt động hay nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100%, Ngân hàng Nhà nước nên thống nhất việc đề cử ra một đơn vị độc lập của Nhà nước đứng ra quản lý hoạt động của các sàn vàng theo cơ chế tập trung, chặt chẽ. Trong thời gian chờ đợi sự ra đời của cơ quan quản lý này, tạm thời Ngân hàng Nhà nước nên chọn ra những sàn vàng đủ tiêu chuẩn hoạt động để cấp phép và đưa vào khuôn khổ giám sát chặt chẽ.

 

Về phía các chuyên gia kinh tế, việc triển khai phương án quản lý các sàn vàng là điều hết sức cần thiết hiện nay nhằm ngăn chặn kịp thời những tác hại lớn có thể xãy ra. Tuy nhiên, triển khai phương thức quản lý như thế nào là một vấn đề cần cân nhắc kỹ.

Theo Tiến sĩ Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Ngân hàng TP HCM, thực hiện quản lý sàn vàng là điều cần thiết và nên làm. Nhưng cần phải có lộ trình và thời gian, không nên nóng vội. Đồng thời phải dựa trên yếu tố đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà đầu tư và các sàn vàng.

 

Ông Dương cho rằng, phương án nâng tỷ lệ ký quỹ lên 100% trong thời điểm này là một biện pháp có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, đi kèm với đó phải xác định một lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, từ tỷ lệ ký quỹ 100%, nhưng phải đảm bảo rằng sẽ giảm dần theo thời gian, thuận với sự hoàn chỉnh của hoạt động giao dịch sàn vàng. Đồng thời, phải xác định nhất quán một cơ quan đứng ra quản lý chung cho các sàn vàng. Tuyệt đối không nên áp dụng một cách cứng nhắc, dễ gây ra sự phản ứng theo sau.

 

Theo ông Dương, không nên áp dụng phương án dừng các hoạt động của sàn vàng. Bởi hiện nay, không có luật nào quy định cấm hoạt động kinh doanh giao dịch vàng trên sàn. Hơn nữa, đây là một hoạt động kinh tế bình thường, không vi phạm pháp luật. "Những vụ lùm xùm xung quanh hoạt động sàn vàng thời gian qua không phải lỗi do nhà đầu tư hay các chủ sàn mà là do lỗi cơ chế. Vậy không có lý gì lại đi cấm họ hoạt động", chuyên gia này nhấn mạnh.

 

Ông Dương kết luận, ổn định thị trường là việc Ngân hàng Nhà nước cần phải làm hiện nay nhưng phải trên cơ sở bảo vệ lợi ích chính đáng của nhà đầu tư.

 

Đồng quan điểm, Giáo sư Hà Tôn Vinh cho rằng, hai phương án Ngân hàng Nhà nước đệ trình Chính phủ là biện pháp tức thời để chấn chỉnh sự "nhốn nháo" của hoạt động sàn vàng thời gian qua. Tuy nhiên, theo ông Vinh, nếu sàn vàng hoạt động hợp pháp thì đây là một trong những hoạt động góp phần làm phong phú các loại hình kinh doanh. Nhà nước nên khuyến khích chứ không nên cấm. Vấn đề ở đây là nên đưa ra cơ chế quản lý thế nào để hoạt động các sàn vàng đi vào khuôn khổ và không gây rối loạn thị trường.

 

Một số nhà đầu tư, khi nghe thông tin này cũng tỏ ra lo lắng. Anh Thanh, một nhà đầu tư trên sàn ACB bày tỏ, đầu tư vàng dù rủi ro cao, nhưng đây là một hoạt động hoàn toàn tự nguyện. Người nào muốn "thắng" lớn thì phải chịu rủi ro nên khó tránh khỏi những vụ "ồn ào" giữa chủ sàn và nhà đầu tư. Tuy nhiên, đây là một hoạt động kinh tế bình thường tại sao lại cấm. Những người như anh đều là các nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư vàng thực sự. Anh rất lo nếu như sàn vàng bị đóng hoặc tăng tỷ lệ ký quỹ lên 100% sẽ khiến anh mất cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này.

 

Anh Hà, một nhà đầu tư tại sàn Vàng Thế Giới cho rằng: "Nếu cấm các sàn trong nước thì tôi vẫn sẽ tìm cách giao dịch với các sàn thế giới. Mà như vậy rủi ro lại càng lớn hơn với những nhà đầu tư như tôi".


Vnexpress

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,205.61 28.21 2.34% 198,469 tỷ
HNX 227.87 5.24 2.3% 1,609 tỷ
UPCOM 88.37 0.86 0.98% 414 tỷ