Cổ phiếu nóng một thời sắp trở lại

(ĐTCK) Một số doanh nghiệp đang công bố lộ trình trở lại sàn chứng khoán sau khi hủy niêm yết. Trong số đó, các mã MPC, MKP... là những hàng hóa được cả cổ đông đại chúng và nhà đầu tư chờ đợi. 
Cổ phiếu nóng một thời sắp trở lại

Sự trở lại lần này có thể chỉ là việc “miễn cưỡng” chấp hành quy định, nhưng các cổ phiếu nóng một thời hứa hẹn sẽ giao dịch sôi động khi lên sàn.

Minh Phú sẽ chào sàn cuối tháng 9

Cái tên đáng chú ý với nhà đầu tư là CTCP Tập đoàn Minh Phú (MPC). Sau hơn 2 năm “ẩn dật”, Minh Phú sẽ chốt danh sách cổ đông vào cuối tháng 9 này để nộp hồ sơ đăng ký giao dịch 70 triệu cổ phiếu trên sàn UPCoM.

Tháng 3/2015, MPC chính thức hủy niêm yết tự nguyện, rời sàn HOSE với mức giá đóng cửa 122.000 đồng/cổ phiếu. Vào thời điểm này, lãnh đạo MPC cho hay, việc niêm yết trên sàn chứng khoán gây cản trở khả năng tăng vốn của Công ty khi MPC muốn bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng lại bị giới hạn room ngoại (thời điểm đó) ở mức 49%.

Ngoài ra, còn một loạt lý do khác như có thời điểm giá cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp, Công ty chịu nhiều nghĩa vụ công bố thông tin, trong đó có những nghĩa vụ có thể không có lợi cho hoạt động xuất khẩu.

MPC hủy niêm yết ở thời điểm đạt đỉnh cao về kết quả kinh doanh, với lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) xấp xỉ 10.000 đồng. Nay trở lại, MPC có gì hấp dẫn nhà đầu tư?

Năm 2016, MPC đạt doanh thu thuần 11.973,4 tỷ đồng, lãi sau thuế 81,89 tỷ đồng, chỉ hoàn thành 86,55% doanh thu và 17,59% kế hoạch lợi nhuận năm. 6 tháng đầu năm 2017, MPC ghi nhận doanh thu thuần 6.342 tỷ đồng và lợi nhuận ở mức 158,6 tỷ đồng, EPS đạt 2.306 đồng. Tổng tài sản tính đến 30/6/2017 đạt 8.356,19 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 2.437,6 tỷ đồng, với 958 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối.

Liệu trở lại sàn, MPC có tiếp tục tăng trưởng mạnh để cổ phiếu lấy lại thời hoàng kim xưa (giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu) hay không và tại sao MPC chọn sàn UPCoM chứ không phải niêm yết? Đó là những câu hỏi thị trường rất chờ đợi câu trả lời.

MKP: Cổ đông sốt ruột với tiến độ lên sàn

Tương tự Minh Phú, CTCP Hóa dược phẩm Mekophar (MKP) là một trong những doanh nghiệp hủy niêm yết để lại nhiều sự nuối tiếc cho thị trường, bởi cổ phiếu MKP rời sàn khi cổ phiếu đang được giao dịch sôi động.

Năm 2012, MKP phải rời sàn vì việc niêm yết ảnh hưởng tới nhu cầu mở rộng kinh doanh dược phẩm của Công ty. Cụ thể, MKP khi đăng ký thêm hoạt động “bán buôn, bán lẻ dược phẩm” đã bị “tuýt còi” vì vướng nguyên tắc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì không được đăng ký mảng  kinh doanh này.

Tại thời điểm đó, MKP có 4,47% vốn thuộc sở hữu cổ đông ngoại và không phải là doanh nghiệp niêm yết duy nhất kinh doanh trong ngành dược có phần vốn nước ngoài. Tuy nhiên, vướng mắc của MKP là thay vì đăng ký rồi mới lên sàn, thì lại niêm yết và mở cửa cho nhà đầu tư ngoại vào mua, rồi mới xin mở rộng chức năng kinh doanh.

MKP rời sàn trong bối cảnh doanh nghiệp kinh doanh tốt, giá cổ phiếu trên 45.000 đồng/cổ phiếu. Trước khi hủy niêm yết, MKP đạt những con số doanh thu lợi nhuận cao qua các năm, với việc chi trả cổ tức tiền mặt từ 25-30%/năm.

Ngay cả khi đã rời sàn, MKP vẫn giữ phong độ kinh doanh hiệu quả. Giai đoạn 2014-2016, lợi nhuận ròng của MKP vượt mốc 100 tỷ đồng/năm, với đỉnh cao năm 2014 đạt 162 tỷ đồng. Từ mức vốn điều lệ hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2016, MKP đã tăng vốn lên 194 tỷ đồng.

Năm 2016, MKP tiếp tục kinh doanh thuận lợi, doanh thu đạt 1.262 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 136,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 105 tỷ đồng, đều vượt kế hoạch năm đề ra. 6 tháng 2017, MKP đạt doanh thu thuần 661 tỷ đồng, lãi sau thuế xấp xỉ 71 tỷ đồng, tương đương EPS đạt 3.708 đồng.

Cuối năm 2016, Hội đồng quản trị của MKP đã thông qua Nghị quyết về việc thống nhất đăng ký niêm yết trở lại. Hiện MKP chưa chính thức nộp hồ sơ, nhưng sức ép từ “án phạt” chậm lên sàn theo quy định của Bộ Tài chính là một yếu tố buộc MKP không thể trì hoãn quá lâu kế hoạch này.

Nói về những doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện bởi những lý do riêng còn có CTCP Vận tải và giao nhận Bia Sài Gòn; CTCP Gò Đàng (AGD), CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng… Rời sàn vào thời điểm kinh doanh thuận lợi, nhưng nay, với quy định pháp lý chặt chẽ hơn, những công ty thuộc dạng đại chúng sẽ phải lần lượt đưa cổ phiếu trở lại sàn.

Theo quy định tại Thông tư 180/2015/TT-BTC, trong vòng 1 năm kể từ ngày thông tư này có hiệu lực (từ 1/1/2016), công ty đã là công ty đại chúng và công ty đại chúng đã hủy niêm yết trước thời điểm Thông tư 80 có hiệu lực phải hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch trên UPCoM.

Làn sóng lên sàn từ nay đến cuối năm sẽ có thêm những gương mặt cũ trở lại. Đại diện một quỹ đầu tư lớn tại Hà Nội cho biết, quỹ của ông có nắm giữ cổ phiếu MKP và chỉ mong doanh nghiệp lên sàn nhanh để còn… thoái vốn.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư cá nhân chia sẻ, họ chờ đợi những doanh nghiệp có gốc phát triển vững này lên sàn để săn mua cổ phiếu, hưởng cổ tức cũng… đủ vui.

Nguyễn Gia

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ