Cổ phiếu nới room vẫn còn cơ hội

(ĐTCK) Việc nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài (nới room) luôn là thông tin thu hút giới đầu tư trên thị trường. Cũng bởi vậy, mỗi khi xuất hiện bước tiến mới trong lộ trình nới room của doanh nghiệp, cổ phiếu của công ty cũng có lý do để tăng giá.
Thị trường chờ đợi xu hướng tăng giá của các cổ phiếu có thông tin nới room hỗ trợ Thị trường chờ đợi xu hướng tăng giá của các cổ phiếu có thông tin nới room hỗ trợ

Năm 2016, 2 cổ phiếu ngành dược là DHG của Công ty cổ phần Dược Hậu Giang và DMC của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco đã có màn biểu diễn ngoạn mục, trở thành cổ phiếu sinh lời tốt cho nhà đầu tư.

Nguyên nhân đến từ kết quả kinh doanh tích cực, cùng thông tin về việc nới room và những động thái của cổ đông ngoại. Năm nay, thị trường chờ đợi xu hướng tăng giá của các cổ phiếu có thông tin nới room hỗ trợ như DHG, BMP, TCM, PVI, NKG...

Trong đó, đáng chú ý là việc Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) chính thức nới room ngoại lên 100% sau khi lộ diện các nhà đầu tư sẽ mua 30 triệu cổ phiếu với giá tối thiểu 27.000 đồng/cổ phiếu.

Cụ thể, dù kết quả kinh doanh quý II của NKG không như kỳ vọng khiến giá cổ phiếu có những lúc giảm dưới 30.000 đồng/cổ phiếu, nhưng với các yếu tố thuận lợi trên thị trường thép cả trong và ngoài nước, cộng thêm thông tin nới room và lộ diện đối tác tham gia đợt phát hành đã giúp cổ phiếu NKG vẫn đang trong xu hướng đi lên, dù giao dịch khá giằng co trong thời gian gần đây. Hiện NKG dao động quanh mức 33.000 đồng/cổ phiếu.

Về lý thuyết, trong nửa cuối năm 2017 khi thực hiện phát hành riêng lẻ, nhà đầu tư sẽ cân nhắc rủi ro pha loãng cổ phiếu, nhưng với NKG, vẫn có những cơ sở để kỳ vọng kết quả tốt. Thứ nhất, nội tại Công ty đang có sự cải thiện tích cực, tập trung vào ngành nghề cốt lõi, không lấn sân sang các mảng khác.

Nhà máy Nam Kim 3 sẽ đi vào hoạt động, qua đó giúp NKG củng cố năng lực sản xuất và gia tăng thị phần. Đồng thời, sức tiêu thụ mảng tôn được đánh giá là đang tăng trưởng, trong khi Công ty giảm thiểu được cạnh tranh nhờ chính sách phòng vệ thương mại đối với thép Trung Quốc.

Chưa kể, cơ cấu cổ đông có sự tham gia của nhóm nhà đầu tư mới được kỳ vọng sẽ hỗ trợ thêm về quản trị tốt, gia tăng năng lực tài chính. Trong ngắn hạn, NKG được dự báo sẽ hưởng lợi từ giá vốn đầu vào thấp. Theo định giá của Công ty Chứng khoán Rồng Việt, cổ phiếu NKG có thể đạt mức giá 39.800 đồng/cổ phiếu.

Một câu chuyện khác thu hút sự quan tâm của thị trường là việc nới room của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP), bởi đây là khâu cuối cùng để cổ đông lớn hiện hữu là Nawaplastic Industries, một thành viên của Nawaplastic, công ty chuyên sản xuất ống nhựa PVC tại Thái Lan, nâng tỷ lệ sở hữu tại BMP (hiện sở hữu 20,4% vốn) thông qua đợt thoái vốn của SCIC (sở hữu 29,5% vốn).

Với kỳ vọng thương hiệu nhựa có hệ thống phân phối rộng khắp, hoạt động hiệu quả hàng đầu trong ngành sẽ tiếp tục phát triển nhờ sự hỗ trợ tích cực hơn từ cổ đông lớn, cổ phiếu BMP đã có những đợt tăng giá mạnh, đạt mức giá cao nhất 114.000 đồng/cổ phiếu trong phiên ngày 31/3/2017.

Tuy nhiên, sau khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2017 kém khả quan và cú bồi là việc nới room tiếp tục kéo dài hơn dự kiến đã khiến cổ phiếu hết động lực tăng giá. Cụ thể, cổ phiếu BMP có sự giảm điểm đáng kể, về mức khoảng 70.000 đồng/cổ phiếu. Theo các chuyên gia phân tích, BMP nhiều khả năng xác lập xu hướng tăng trở lại khi có kết quả về việc nâng room chính thức, bởi dù sao, đây vẫn là doanh nghiệp đầu ngành.

Bên cạnh đó, trường hợp khiến nhiều nhà đầu tư “tiếc nuối” nhất là cổ phiếu TCM của Công ty cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công, vốn đang trong xu hướng tăng nhờ kết quả kinh doanh tích cực, ghi nhận lợi nhuận từ việc bán lô đất hơn 7 hecta và dự kiến sẽ nới room lên 70% trong quý III/2017.

Trong vài tuần qua, cổ phiếu TCM duy trì đà tăng, giao dịch trong khoảng 28.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, sự cố cháy kho vải cuối tuần qua đã khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang. Ngay trong phiên ATO thứ 2 đầu tuần, lệnh kê bán đạt gần 1 triệu đơn vị và giá sàn khoảng 500.000 đơn vị, dư bán sàn khá nhiều.

Mặc dù, TCM ước tính con số thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng và đã mua bảo hiểm 100%, nhưng do lo ngại vụ cháy có thể ảnh hưởng đến khả năng cung cấp hàng trong các tháng cuối năm của Công ty nên nhiều nhà đầu tư không nhận ra rằng, con số trên “không đáng kể” với giá trị hàng tồn kho hơn 820 tỷ đồng của doanh nghiệp. Việc giảm sàn phiên ATO và bay gần 100 tỷ đồng vốn hóa của Công ty là thái quá, theo nhận định của nhiều chuyên viên phân tích.

Xét các yếu tố cơ bản, TCM vẫn đang có diễn biến tích cực. Vì vậy, ở chiều ngược lại, nhiều nhà đầu tư theo trường phái cơ bản đã bắt đáy thành công cổ phiếu này. Sau phiên ATO, lượng bán sàn đã được hấp thụ hết, khi hơn 1 tiếng giao dịch, TCM đã khớp gần 2,5 triệu cổ phiếu.

Với đánh giá vụ cháy có ảnh hưởng đến Công ty nhưng không lớn và kỳ vọng việc nới room chính thức sẽ diễn ra trong quý III/2017, nhiều nhà đầu tư tin rằng, TCM sẽ tiếp tục xu hướng tăng và những nhà đầu tư vội bán ra sẽ khó có cơ hội mua lại tại mức giá đã bán.                          

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,193.01 0.0 0.0% 0 tỷ
HNX 226.2 0.0 0.0% 1,701 tỷ
UPCOM 88.15 0.0 0.0% 623 tỷ