Cổ phiếu ngân hàng: Vẫn tích cực, nhưng cần thận trọng

(ĐTCK) Cú sụt giảm mạnh của nhiều cổ phiếu ngân hàng vừa qua đã phát đi "hồi chuông cảnh báo" khi việc thoái vốn, bán vốn ngoại đã đi dần vào hồi kết.
Cổ phiếu ngân hàng: Vẫn tích cực, nhưng cần thận trọng

Thu hàng trăm tỷ đồng từ thoái vốn

Tận dụng đà tăng trưởng của thị trường, cũng như tuân thủ lộ trình thoái vốn theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN, nhiều ngân hàng đã bán ra cổ phiếu đang nắm giữ tại doanh nghiệp và ngân hàng khác, thu về những khoản không nhỏ thời gian qua.

Ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank cho biết, từ 29/11/2017 - 19/1/2018, Eximbank đã thoái toàn bộ vốn tại Sacombank (mã STB) sau khi bán xong nốt hơn 12 triệu cổ phiếu STB (tương đương 0,637% vốn STB) thông qua khớp lệnh trên sàn.

Với giá bán bình quân là 14.064 đồng/CP, đợt bán cổ phần này đem lại cho Eximbank gần 648 tỷ đồng lợi nhuận, trong đó 126 tỷ đồng được ghi nhận vào lãi thuần năm 2017 và hơn 521 tỷ đồng ghi nhận trong quý I/2018. Hồi đầu năm 2017, Eximbank nắm giữ hơn 156 triệu cổ phiếu STB, chiếm 8,76% vốn điều lệ Sacombank.

Được biết, Eximbank đầu tư vào cổ phiếu STB từ năm 2012 sau khi mua lại số cổ phần STB từ Tập đoàn ANZ. Sau đó, nhằm thoái vốn theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-NHNN, Eximbank bắt đầu tiến hành bán cổ phiếu STB.

Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân mà Eximbank chưa thể thoái xong vốn tại Sacombank trong suốt thời gian qua cho đến đầu năm 2018.

Tận dụng đà tăng nhóm cổ phiếu ngân hàng nói chung và STB nói riêng trong năm 2017, không riêng Eximbank, Kienlongbank cũng “tranh thủ” giảm lượng cổ phiếu STB đang sở hữu. Tính đến hết quý I/2018, giá trị khoản đầu tư của Kienlongbank tại STB đã giảm từ 521 tỷ đồng xuống 230 tỷ đồng.

Tại Vietcombank, áp lực thoái vốn còn lớn hơn khi nhà băng này sở hữu cổ phần tại 5 tổ chức tín dụng khác tính đến cuối năm 2016, cụ thể: 8,19% vốn tại Eximbank, 4,3% vốn tại Saigonbank, 7,04% vốn tại MB, 4,72% vốn tại OCB và 10,91% vốn tại Công ty Tài chính Cổ phần Xi măng (CFC).

Trong năm 2017, Vietcombank đã thoái thành công toàn bộ vốn tại CFC và Saigonbank thu về hơn 340 tỷ đồng, giảm sở hữu tại OCB từ 4,72% xuống 3,97%. Tại phiên đấu giá ngày 17/4 vừa qua, Vietcombank đã bán thành công nốt số cổ phần OCB này và thu về gần 172 tỷ đồng.

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, việc thoái vốn tại Eximbank và MB sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018 do chủ trương của Vietcombank là không sở hữu cổ phần tại bất cứ ngân hàng nào. Dù vậy, hiện tại, vẫn chưa có động tĩnh về việc thoái vốn tại 2 ngân hàng này từ phía Vietcombank.

Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu Vietcombank hoàn tất việc thoái vốn tại cả 5 tổ chức tín dụng nói trên, ngân hàng này có thể thu về khoảng 2.500 tỷ đồng lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, Vietcombank có thể giữ lại khoản đầu tư tại MB và Eximbank miễn sao giảm sở hữu tại đây xuống dưới 5%, bởi theo Thông tư 36/2014, một ngân hàng có thể nắm giữ tối đa cổ phần của 2 tổ chức tín dụng khác với tỷ lệ sở hữu dưới 5%.

Cổ phiếu “vua” khó tăng mạnh trở lại

Thông tin từ VietABank mới đây cho hay, Ngân hàng đang lãi lớn với khoản đầu tư vào PG Bank. Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2017, VietA Bank đã chi 150 tỷ đồng mua 4,16% vốn của PG Bank (khoảng 12,48 triệu cổ phiếu, tương đương giá vốn khoảng 12.000 đồng/CP).

Trên thị trường OTC, tính đến ngày 14/5, thị giá PG Bank được chào mua ở mức 20.000 - 23.000 đồng/CP. Ước tính, VietABank đang lãi khoảng 100-138 tỷ đồng với khoản đầu tư này.

Nếu không bán, VietABank cũng không phải lo lắng quá nhiều. Lý do là bởi PG Bank và HDBank đã thông qua phương án sáp nhập, dự kiến hoàn tất vào tháng 8/2018.

Theo đó, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621, tức 1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0,621 cổ phiếu HDBank. Phía PG Bank cam kết các cổ đông đồng ý toàn bộ số cổ phần theo tỷ lệ hoán đổi sẽ bị phong toả và chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức và 70% còn lại được chuyển nhượng sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.

Như vậy, nếu xác định nắm giữ cổ phần PG Bank, sau khi sáp nhập vào HDBank, VietABank sẽ sở hữu 7,75 triệu cổ phiếu HDB. Với giá cổ phiếu HDB đang niêm yết quanh mức 42.000 đồng/CP như hiện tại và tiềm năng ngân hàng này, rõ ràng phần lợi là đáng kể đối với VietA Bank.

Ngoài PG Bank, VietA Bank còn đang nắm giữ cổ phần tại 12 tổ chức khác, gồm 11 công ty đại chúng với sở hữu từ 0,11 - 11% vốn và hầu hết trong đó đều chưa niêm yết, hoặc đưa cổ phiếu lên giao dịch sàn chứng khoán.

Theo giới phân tích, việc thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh thời gian qua là thời điểm thích hợp để các ngân hàng thực hiện thoái vốn và thu về lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường đang có diễn biến điều chỉnh sau thời gian dài tăng giá như hiện tại, việc bán ra cũng như rót vốn đầu tư vào nhóm "cổ phiếu vua" cần phải thận trọng.

Nhận định được đưa ra từ các nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng đang tăng dần là cơ hội để thoái vốn thu về khoản lợi nhuận cao. Tuy nhiên, với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng lúc này được cảnh báo cẩn trọng và nên lựa chọn những nhà băng có sự tăng trưởng tích cực sau quá trình tái cấu trúc.

SSI Retail Research cho rằng, xét về hoạt động kinh doanh, năm 2018 vẫn được dự báo là một năm thành công với ngành ngân hàng khi mà tình hình vĩ mô tiếp tục ổn định và hoạt động tín dụng duy trì sự tích cực.

Thực tế cũng cho thấy, lợi nhuận sau thuế quý I/2018 của 12 ngân hàng niêm yết đã tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2017 và cao hơn so với mức tăng 36% của năm 2017, trong đó nhiều ngân hàng đạt mức tăng gấp 2-3 lần như ACB, HDBank, TPBank,  Eximbank...

Tuy nhiên, đợt giảm giá mạnh tháng 4/2018 vừa qua cho thấy, kết quả kinh doanh tích cực là không đủ để làm bệ đỡ cho nhóm cổ phiếu này. Kết thúc phiên giao dịch ngày 15/5, cổ phiếu VCB ở quanh mức 60.000 đồng; VPB là 50.000 đồng; HDB là 40.000 đồng; ACB là 44.600 đồng, TPB chưa tới 30.000 đồng... đều thấp hơn đáng kể so với thời điểm đầu năm.

SSI Retail Research đánh giá, nhóm ngân hàng tuy có P/E không quá cao, nhưng định giá P/B cũng đã ở mức đắt. P/B của VCB đỉnh điểm lên tới 5 lần, trong khi bình quân của nhóm cổ phiếu ngân hàng có quy mô tương đương chỉ vào khoảng 1,5 lần. P/B của nhiều mã ngân hàng khác như BID, VPB, HDB, ACB... cũng đều vượt ngưỡng 3 lần.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ